Bạch thiên hương, còn được gọi với các tên gọi khác là dành dành, lài lá lớn (có nơi còn gọi là trà mi vì bông của bạch thiên hương có hình thái khá giống với hoa trà mi – nhưng chúng ta nên lưu ý là bạch thiên hương không phải là trà mi nhé!). Ở trong làng yêu hoa Việt Nam thì bạch thiên hương thường được dùng để gọi riêng cho loài dành dành bông kép (có nhiều lớp cánh), mặc dù là hoa dành dành đơn hay kép thì hình thái lá vẫn không đổi, mùi thơm cũng không đổi. Vì thế, nên mình viết bài này sẽ gọi tên bạn ấy là dành dành nhé! 

Hình ảnh hoa bạch thiên hương (dành dành)
Hình ảnh hoa bạch thiên hương (dành dành)

Thông tin cơ bản về hoa dành dành (bạch thiên hương)

Dành dành có tên khoa học là Gardenia Jasminoides Ellis, là một loài cây thân gỗ, là cây hoa thường xanh thuộc họ cà phê (Rubiaceae). Loài hoa này bắt nguồn từ Châu Á và là loài cây mọc nơi hoang dại phổ biến ở Việt Nam, miền Nam Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Myanma, Ấn Đô và Bangladesh. Các loài cây hoang dã trong gia đình dành dành có chiều cao từ 30 đến 300cm, lá mọc đối, màu lá xanh thẫm, bóng và có một lớp sáp mọc trên bề mặt. Trong điều kiện mát mẻ phù hợp, hoa dành dành có thể rất bền (vài ngày đến 1 tuần), giữ dáng rất ổn.

Bạch thiên hương (dành dành kép), hoa màu trắng có nhiều lớp cánh, mùi thơm mạnh. Với những chiếc lá xanh bóng và những bông hoa màu trắng xinh đẹp có mùi hương thơm mạnh quyến rũ, hoa dành dành được trồng rất nhiều trong những khu vườn nhiệt đới và cận nhiệt. Loài hoa này đã được trồng tại Trung Quốc và Việt Nam từ hàng ngàn năm về trước. Ngoài mục đích trồng làm cảnh thì hoa dành dành còn được trồng với nhiều mục đích khác nhau nữa, vấn đề này mình sẽ viết ở phần sau của bài nhé!

Dành dành có rất nhiều công dụng
Dành dành có rất nhiều công dụng

Mô tả hình thái và tên gọi

Cái tên dành dành trong tiếng Việt mình đã nghe đến từ rất lâu rồi, còn bạch thiên hương thì mới nghe tên vài năm gần đây. Nhưng đây không phải là nội dung chính của phần này, bởi vì dù sao thì đây cũng là một trong những loài hoa bản địa Việt Nam, việc đặt tên có lẽ là từ truyền miệng mà truyền tới ngày nay. Trong phần này, mình sẽ giới thiệu về quá trình mà cây dành dành đặt chân lên đất Âu Mỹ và cả quá trình mà bạn ấy đi vào sách vở với cái tên khoa học mà chúng ta đã biết ngày nay: Gardenia Jasminoides Ellis (mình sẽ gọi là dành dành cho chúng ta dễ hiểu).

Nhà thực vật học người Đức Georg Rumphius đã từng thấy dành dành ở đảo Ambon, thuộc quần đảo Makuru, Indonesia. Ông đã ghi lại trong cuốn Herbarium Amboinense (vào khoảng những năm đầu thế kỷ 18) rằng, dành dành là một loài cây cảnh thú vị, ở Malaysia được gọi là catsjopiri. Loài cây này được nhập khẩu vào Malaysia từ Batavia (Jakarta). Nhà phân loại học người Thụy Điển Carl Linnaeus đã nhận thấy giá trị tác phẩm của Rumphius và yêu cầu sinh viên của ông là Olaf Stickman nghiên cứu về nó. Năm 1754, trong luận án tiến sĩ của Stickman đã giới thiệu về loài cây này là Varneria Augusta.

Hình ảnh hoa dành dành
Hình ảnh hoa dành dành

Nhà thực vật học người Anh Ellis mô tả về dành dành (Gardenia Jasminoides) vào năm 1761, sau khi mổ xẻ nghiên cứu kỹ về loài hoa này đã nhận ra rằng loài cây này không có liên hệ nhiều với Jasmine (hoa lài) và làm chứng nhận cho một loài hoàn toàn mới. Ban đầu, Ellis đã đề nghị đặt tên là Warneria, đặt theo tên của người sở hữu loài cây này lúc ấy tại Anh là Warner. Tuy nhiên Warner đã từ chối đặt tên ấy và Ellis chọn Gardenia để tỏ lòng tôn kính đối với Garden (Alexander Garden – một nhà vật lý học, thực vật học và động vật học nổi tiếng người Scotland). Nó được kết hợp với cái tên Jasminoides là bởi nhiều nhà thực vật học trước đó đã thắc mắc về giống loài của nó, “liệu nó có liên quan gì tới hoa nhài (jasmine) hay không”. Do đó, cái tên đầy đủ của loài hoa này là Gardenia Jasminoides Ellis có xuất phát từ đó, kèm với người đặt tên, cũng là người đã phát hiện ra sự khác biệt của loài này đối với họ nhài. 

Dành dành được trồng rất phổ biến
Dành dành được trồng rất phổ biến

Phân bố và lịch sử của loài hoa dành dành

Các loài cây trong gia đình dành dành được tìm thấy ở rất nhiều tỉnh phía Nam Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Đài Loan,… Loài cây này thích sống ở trong rừng, ven suối và cả những khu cao nguyên khoảng 1500m so với mực nước biển.

Tại Trung Quốc, đã có chứng cứ cho thấy dành dành xuất hiện từ thời nhà Tống, nhà Nguyên và nhà Minh (có các tác phẩm nghệ thuật hội họa về loài hoa này).

Dành dành được du nhập vào Châu Âu thông qua thuộc địa vùng Cape ở Nam Phi, loài cây này được thuyền trưởng William Hutchenson đem về Vương Quốc Anh từ thuộc địa Cape vào năm 1744, tặng cho nhà thực vật học Richard Warner ở Woodford, Essex. Tuy nhiên, Warner đã không thành công nhân giống loài này cho đến khi John Ellis giới thiệu một nhà làm vườn khác là James Gordon từ Mile End. Gordon đã thành công nhân giống vào năm 1757, từ đó, cây dành dành đã được bán tại nước Anh.

Dành dành lần đầu được trồng tại Mỹ vào năm 1762, tại vườn Charleston của Elexander Garden. Ông đã chuyển đến đây từ 10 năm trước.

Tại Vương quốc Anh, dành dành đã được nhận giải thưởng của Royal Horticulture Society (Tạm dịch là Hiệp hội trồng trọt hoàng gia). Rất nhiều người yêu thích loài hoa này nhờ mùi hương và tán lá hấp dẫn. Loày cây này thường được trồng làm hàng rào cho những khu vườn xinh đẹp. 

Dành dành với ý nghĩa thanh khiết, tinh khôi
Dành dành với ý nghĩa thanh khiết, tinh khôi xuất hiện từ lâu đời

Tác dụng của loài hoa dành dành

Dành dành ngoài tác dụng làm cây cảnh thì còn có một số tác dụng nữa, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

Người Polynesian (1) ở Thái Bình Dương dùng những loài hoa có mùi hương làm vòng cổ, ở quần đảo Cook gọi là Ei, French Polynesia gọi là Hei, và Hawaii gọi là Lei.

Hoa dành dành có thể dùng ăn sống, để làm các món muối hoặc làm mật hoa. 

Ở Trung Quốc, cánh hoa dành dành còn được dùng làm trà vì mùi hương dễ chịu của nó. Hạt hoa dành dành (loại cánh đơn) còn được dùng làm thuốc nhuộm (màu vàng) trong ngành dệt may và thực phẩm.

Dành dành có rất nhiều công dụng
Dành dành có rất nhiều công dụng

Ngoài ra, quả dành dành còn được dùng làm thuốc hạ sốt trong Đông y. Shishihakuhito là một loại thuốc thảo mộc Trung Quốc được tổng hợp từ quả dành dành, được dùng để chữa một loại bệnh dị ứng (atopic dermatitis – eczema) bởi nó có thể kiềm chế quá trình giải phóng histamin, trung hòa các chất gây dị ứng. Năm 2020, trường hợp của một người phụ nữ mắc bệnh Argyria (còn gọi là Blue-gray discoloration – một chứng bệnh hiếm gặp về da mà da của người mắc bệnh này sẽ bị nhiễm sắc tố màu xanh-xám) đã có tiến triển rất tốt sau khi sử dụng loại thuốc được tổng hợp từ quả dành dành (2).

Quả dành dành
Quả dành dành có nhiều công dụng

Phương pháp trồng và chăm sóc hoa dành dành

Dành dành là một loài hoa đến từ những khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt, cho nên cây hoàn toàn phù hợp với khí hậu Việt Nam,trồng dành dành ở Việt Nam cực kỳ dễ dàng. Nếu bạn yêu thích loài hoa trắng xinh đẹp lại có mùi hương nồng nàn thì đừng chần chừ mà hãy chọn trồng một cây dành dành cho vườn hoa nhà mình nhé!

Mặc dù dễ trồng, nhưng trồng dành dành cũng cần có một số lưu ý nhất định, sau đây mình sẽ gửi đến các bạn một số gạch đầu dòng để giúp các bạn hiểu hơn, cũng như là dễ dàng trồng một cây dành dành khỏe mạnh cho khu vườn hoặc sân thượng, ban công nhà mình. 

Cách trồng cây hoa dành dành

Vì cây dành dành chính là một loài bản địa của Việt Nam, nên trồng loài cây này khá dễ dàng, sẽ không tốn nhiều công sức của người trồng, tuy nhiên, chúng ta cần có những lưu ý sau đây

  1. Đất trồng: Nếu trồng trong chậu, chúng ta trộn đất tơi xốp, dễ thoát nước. Mặc dù ưa ẩm ướt nhưng nếu như ẩm quá thì rễ cây rất dễ bị ảnh hưởng gây nấm bệnh. Nếu trồng đất thì cây khá dễ trồng. 
  2. Điều kiện dinh dưỡng: Nếu trồng đất thì cây chỉ cần bón lót phân hữu cơ lúc mới trồng và mỗi năm bón phân một lần để tạo độ dinh dưỡng cho đất, tránh cho đất bị bạc màu, lá cây sẽ bị xấu. 
  3. Nơi trồng: Nếu trồng đất, nên chọn nơi đất cao một chút, tránh chỗ trũng và đọng nước. Bởi vì tuy cây ưa ẩm nhưng nếu bị úng trong một thời gian dài thì cây cũng rất dễ bị hỏng rễ đó các bạn ạ.
  4. Điều kiện ánh sáng: Chọn trồng cây ở nơi có ánh nắng trực tiếp 4-6h mỗi ngày. Vào mùa hè thì tránh nơi có ánh nắng trực tiếp cả ngày (hoặc che nắng cho cây bằng lưới đen), nếu không lá sẽ bị vàng và cháy nắng, rất xấu.

Tuy vậy, nếu như trồng chỗ râm quá (không có ánh nắng trực tiếp hoặc dưới tán cây lớn) thì cây sẽ không sai hoa lắm. 

Video tham khảo cách trồng và chăm sóc cây hoa dành dành (bạch thiên hương)

Ghi chú:

(1) Người Polynesian là một nhóm sắc tộc thuộc khu vực tam giác Polynesia (Polynesia Triangle là một khu đảo thuộc Thái Bình Dương, gồm có Hawaii, Easter Island (Đảo phục sinh – Rapa Nui) và New Zealand

(2) Mizawa, Megumi; Andoh, Tsugunobu; Shimizu, Tadamichi (2020-03-01). “Gardenia Fruit–Related Blue-Gray Skin Pigmentation” – Bài viết nghiên cứu về case này ở link sau: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27402114/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here