Ở bài viết trước, mình có giới thiệu và cung cấp một số thông tin cơ bản nhất về cây bàng nói chung. Tuy nhiên, có nhiều bạn đã đặt riêng những câu hỏi về cây bàng Singapore, loại cây được ưa chuộng trồng làm cảnh trong thời gian gần đây. Do đó, ở bài viết này mình sẽ cung cấp mọi thông tin về bàng Singapore để các tín đồ yêu cây cảnh có thể nắm rõ hơn nhé!

Tên gọi, nguồn gốc của cây bàng Singapore
Bàng Singapore hay còn có tên gọi là như cây bàng lá to, cây có tên khoa học là Ficus Lyata, thuộc họ thực vật Moraceae. Thực chất cây có nguồn gốc từ Tây Phi, sau đó mới được du nhập vào Singapore tuy nhiên cây được lai tạo tại đất nước này mới đặt tên là bàng Singapore. Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc nên loài cây được ưa chuộng trồng làm cảnh tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, bàng Singapore còn được trồng như một loài cây phong thủy.

Đặc điểm thực vật của bàng Singapore
Bàng Singapore phù hợp trồng ở môi trường nhiệt đới, do đó cây có thể phát triển khá tốt mà không tốn công chăm sóc quá nhiều.
Đây là loài cây thân gỗ, thân màu nâu sẫm. Khoảng 10 – 20cm là cây đã có thể được trồng vào những chậu cảnh để trồng làm cảnh trong gia đình. Khi sống trong môi trường phù hợp và có bàn tay chăm sóc của con người, cây có thể đạt chiều cao hơn 2m, có cây cao lên tới 5m. Bàng Singapore phát triển khá chậm, để đạt chiều cao 3 – 5m cũng phải mất tới vài năm.

Lá bàng Singapore có màu xanh lá đậm, mặt lá nhẵn bóng và hiện rõ vân lá ở mặt trước và nổi rõ vân lá ở mặt sau. Phiến lá khá to, hơi nhọn ở phần gần cuống và to, tròn dần về phần đầu lá. Khi còn non, những chiếc lá được bao phủ bởi một lớp lông tơ mềm mịn.
Lá cây xanh tốt quanh năm, rất ít khi vàng hay rụng lá nên càng được ưa chuộng để làm cây cảnh trồng trong gia đình.
Bàng Singapore có hoa, tuy nhiên thời gian cho hoa rất lâu và thời gian tàn rất nhanh nên nếu không để ý kĩ thì chúng ta rất khó bắt gặp được hoa của loài cây này.

Ý nghĩa phong thủy của cây bàng Singapore
Người ta tin rằng trồng một cây bàng Singapore trong không gian sống ngoài việc giúp thanh lọc không khí, tạo màu xanh yên bình thì cây còn mang lại những điều tích cực, mang lại cảm giác bình an và giúp giải tỏa căng thẳng khi ngồi lâu ở bàn làm việc.

Với hình dáng mọc thẳng tắp, không cành nhánh xiên vẹo, cây đại diện cho sự chăm chỉ, kiên định vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh.
Trong phong thủy, bàng Singapore hợp với mọi loại tuổi, đặc biệt là hành Mộc vì cây có đặc điểm cho lá xanh tốt quanh năm, về tuổi thì cây cực kỳ hợp với những người tuổi Tỵ. Những người thuộc mệnh này khi trồng cây sẽ giúp hanh thông mọi việc trong công việc và cuộc sống.

Công dụng của cây bàng Singapore
Công dụng quan trọng nhất của loài cây này mà mình phải nhắc đến đầu tiên chắc chắn là trang trí nội thất trong gia đình rồi. Cây với sắc xanh mát mắt, đặc điểm hầu như rất ít rụng lá, cùng với vẻ đẹp độc, lạ. Do đó, cây được ưa chuộng trồng tại gia đình, các quán xá, sảnh khách sạn,…
Hơn nữa, vì là một loại cây xanh quanh năm nên cây có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt. Chúng có tác dụng hấp thu các bụi bặm độc hại mà mắt thường khó thấy trong không khí. Những bụi mịn này là một trong những nguyên nhân cơ bản gây nên các bệnh liên quan đến đường hô hấp của con người.
Tuy nhiên có một lưu ý khi bạn trồng cây trong nhà như sau, nên đặt cây ở các khu vực như phòng khách, bàn làm việc, sảnh nhà,… để tăng vẻ đẹp cho căn nhà và công dụng thanh lọc không khí của cây được phát huy tối đa nhất. Không nên đặt cây ở phòng ngủ vì cây sẽ hấp thụ khí O2, điều này không tốt cho không gian ngủ của bạn, nhất là những phòng máy lạnh luôn đóng kín cửa.

- Hoa Rum – Loài hoa thủy vu mang nét đẹp sang trọng, độc đáo
- Hoa son môi – Loài hoa mang sắc đỏ may mắn rất dễ nhân giống
Cách nhân giống bàng Singapore
Có một điểm đặc biệt là bàng Singapore có thể giâm cành từ một chiếc lá của cây. Bạn nên chọn lá già, khỏe mạnh, không bị sâu bệnh. Khi cắt lá lưu ý nên cắt kèm luôn một đoạn thân dài từ 1,5 – 3cm. Sau khi cắt lá, bạn cần rửa sạch phần mủ cây ngay vết cắt trước khi đem giâm.
Đất trồng cây nên trộn với xơ dừa, tro đen và vỏ trấu để cây có đủ chất dinh dưỡng, phát triển khỏe mạnh. Khi trộn đất xong bạn nên tưới thêm vào đất một ít nước để cung cấp độ ẩm cho cây trước khi giâm cành. Tiếp theo đó, chỉ cần giâm chiếc lá mới cắt vào hỗn hợp đất, cắm sao cho toàn bộ phần cành liền với lá ngập xuống đất. Khi giâm cành xong có thể dùng bọc nilon để bọc toàn bộ phần chậu nhằm mục đích giúp cây giữ độ ẩm trong những ngày đầu. Nên đặt chậu giâm cành ở nơi bóng râm, có ánh sáng nhẹ. Sau khoảng 20 ngày thì cành râm sẽ xuất hiện những rễ đầu tiên và bắt đầu phát triển. Thật đơn giản phải không nào.
Video tham khảo cách nhân giống cây bàng Singapore từ lá
Cách chăm sóc bàng Singapore
Hiện nay, bàng Singapore được bày bán khá nhiều ở các cửa hàng cây cảnh. Đây là loài cây dễ trồng nhưng vẫn nên lưu ý một số điểm để cây phát triển tốt nhất nhé.
Về đất trồng
Nên chọn loại đất nhiều chất dinh dưỡng, tơi xốp, có khả năng thoát nước tốt. Như vậy sẽ giúp rễ cây không bị ngập úng nước khi tưới cây.
Về ánh sáng
Bàng Singapore là loài cây ưa sáng, do đó nên đặt cây ở những vị trí thoáng đãng và có nhiều ánh sáng, tuy nhiên không nên trồng cây ở những nơi nắng quá gắt nhé, lá sẽ nhanh bị vàng và héo đấy.
Về nhiệt độ
Bàng Singapore có thể sống tốt trong mọi môi trường nhiệt độ, tuy nhiên khoảng nhiệt phù hợp nhất là từ 15 – 25 độ C, bạn vẫn có thể trồng cây trong các văn phòng hay không gian máy lạnh, tuy nhiên không gian nên rộng để không bị ngợp khi cây lấy khí oxi vào buổi tối bạn nhé.
Về nước tưới
Cây có nhu cầu nước trung bình, bạn có thể tưới nước cho cây theo tần suất 1 – 2 ngày/ 1 lần. Nên dùng nước lấy từ giếng để tưới cây nhé, nếu không có nước giếng mà phải dùng nước máy thì bạn nên để 1 đêm để các tạp chất hóa học bay hơi hết trước khi tưới cây bạn nhé.

Một số loại sâu bệnh hại thường gặp ở cây bàng Singapore
Chúng ta có thể gặp hiện tượng bàng Singapore bị rủ lá hoặc lá khô. Đây là biểu hiện khi cây bị thiếu nước và độ ẩm. Trong trường hợp này thì đơn giản bạn chỉ cần bổ sung nước tưới cho cây.
Trong trường cây bị vàng lá, lúc này bạn cần điều chỉnh lại lượng nước tưới cho cây cho phù hợp. Nhưng có một nguyên nhân khác là do bạn để cây dưới ánh nắng trực tiếp từ mặt trời quá lâu. Lúc này thì bạn nên nhanh chóng chuyển cây vào những nơi có ánh sáng khuếch tán, lượng ánh sáng vừa phải hoặc bóng râm để cây phục hồi dần lại.
Một bệnh khác có thể thường gặp là trên lá bàng Singapore xuất hiện những đốm nhỏ. Đây là biểu hiện của cây đang bị sâu bệnh hại do bọ ve gây ra. Cần xử lý bằng cách tỉa các lá bị bệnh đi và phun thuốc diệt sâu bọ sinh học cho cây.
Tìm hiểu thêm: Cây bàng Đài Loan hay trồng ở đô thị
Một số hình ảnh đẹp khác của cây bàng Singapore