Hồng môn là loài hoa dân dã, quen thuộc với mỗi người trong chúng ta. Hoa có màu sắc tươi tắn, cứng cáp quanh năm và có những tác dụng rất tuyệt vời trong thanh lọc không khí. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về cách trồng, chăm sóc loài cây này cũng như những lưu ý về cây. Do đó, ở bài viết này mình sẽ cung cấp mọi thông tin cần thiết về bạn cây này nhé!

Hình ảnh hoa hồng môn
Hình ảnh hoa hồng môn

Tên gọi và nguồn gốc của loài hoa hồng môn

Hồng môn có rất nhiều tên gọi khác nhau, tiêu biểu trong số đó có thể kể đến là hồng hạc, vĩ hoa tròn, buồm đỏ, hoa môn hồng. Cây có tên khoa học là Anthurium andraeanum, đây là chi lớn nhất thuộc họ Ráy (họ Araceae). Theo những ghi chép từ năm 1877 trở về sau này, được biết cây hồng môn có nguồn gốc từ Colombia và Ecuador. Hồng môn phân bố nhiều nhất ở vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ. Nhờ vẻ đẹp sang trọng (hệt như hoa giả luôn ^^) cùng ý nghĩa phong thủy tốt đẹp, cây được du nhập và lai tạo ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, cây được trồng phổ biến ở khắp nơi, từ Bắc đến Nam.

Hồng môn được trồng khá phổ biến ở nước ta
Hồng môn được trồng khá phổ biến ở nước ta

Đặc điểm thực vật của cây hoa hồng môn

Hồng môn là loài cây sống lâu năm, thường phát triển thành từng bụi với kích thước lớn nhỏ khác nhau. Đa số các giống hồng môn có chiều cao khá thấp, trung bình chỉ khoảng 30 – 60cm. Thân cây có màu xanh nhạt, nhiều dòng mang màu trắng hoặc hồng nhạt bắt mắt.

Lá hồng môn mang màu xanh lục bóng khỏe, trên phiến hiện rõ các vân lá, lá có dạng hình trái tim, khi còn non thì màu sắc nhạt hơn, đến khi già chuyển sang xanh lục đậm, đến khi gần rụng lá có thể chuyển sang màu vàng nhạt. Mỗi lá có kích thước khá lớn, trung bình chiều dài đạt từ 15 đến 30cm, chiều rộng từ 7 – 15cm.

Cuống lá và cuống hoa hồng môn đều có hình trụ, bên trong rỗng, phía ngoài bao phủ bởi màu xanh lục bóng. Chiều dài trung bình của cuống lá đạt khoảng 20 – 40cm, trong khi đó cuống hoa thường dài hơn, đạt khoảng 40 – 60cm. Hoa hồng môn có hình dạng khá giống lá với hình trái tim, phiến lá rộng. Hồng môn cũng là một trong những loài hoa có nhiều màu sắc, tiêu biểu nhất là các màu đỏ, trắng, hồng, xanh nhạt. Khác với các loài hoa khác, hoa hồng môn có nhụy mở ngoài không gian và nhụy khá dài, thường mang màu vàng, nhạt đậm tùy giống và môi trường sống. 

Hình ảnh hoa hồng môn trắng
Hình ảnh hoa hồng môn trắng

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có 3 loại hồng môn chính đó là Tiểu hồng môn, Trung hồng môn và Đại hồng môn. Dựa vào cái tên thôi thì chắc hẳn các bạn cũng biết được chúng khác nhau ở điểm nào rồi đúng không, điểm khác biệt lớn nhất là ở kích thước của mỗi loại. Tùy vào không gian cũng như sở thích của bản thân  mà chọn loại hồng môn phù hợp bạn nhé.

Hình ảnh Trung hồng môn
Hình ảnh Trung hồng môn

Ý nghĩa đặc biệt của loài hồng môn

Cả lá và hoa hồng môn đều có dạng hình trái tim. Do đó, đây được xem như là biểu tượng của một tình yêu thương bền vững và chân thành, dù năm dài tháng rộng vẫn không phai tàn và đổi thay, hệt như đặc điểm của hồng môn vậy, không hề phai màu theo thời gian và hoa rất lâu tàn.

Hơn nữa, đây được xem như là đại diện của sự may mắn và tài lộc. Và hơn hết, loài hoa này cực kỳ hợp phong thủy với những người mệnh Thổ và mệnh Hỏa. Đối với những gia chủ mệnh này, trồng cây trong nhà sẽ giúp sự nghiệp thăng tiến, thuận lợi, thành công phát đạt.

Hoa hồng môn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp
Hoa hồng môn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp

Công dụng của cây hoa hồng môn

Hồng môn với vẻ đẹp độc đáo, sang trọng, thời gian hoa nở lâu, khoe sắc mãi với thời gian nên rất được ưa chuộng trồng trong sân vườn, khuôn viên gia đình hay các hàng quá, nơi công cộng,… Đối với những không gian rộng như các vườn hoa, lối đi, khuôn viên vườn nhà,… bạn có thể chọn đại hồng môn hay trung hồng môn để cây khoe sắc rạng rỡ và đậm đà hơn. Đối với những khoảng không nhỏ hẹp như văn phòng, bàn làm việc,… thì tiểu hồng môn sẽ là lựa chọn tốt hơn, vừa dễ chăm sóc, vừa phù hợp với không gian. Không chỉ đẹp đâu nhé, theo nghiên cứu của NASA, cây hồng môn còn có tác dụng tuyệt vời trong thanh lọc không khí, cây có thể lọc bỏ bớt các loại khí độc hại như amoniac, xylene, formaldehyde, toluene,… trả lại bầu không khí trong lành, thanh khiết rất tốt cho sức khỏe con người.

Tuy nhiên có một điều bạn phải lưu ý, mình không biết là mọi người đã biết hay chưa nhưng vẫn muốn nhắc nhở rằng hầu hết các bộ phận của cây hồng môn đều có độc, trong chúng có chứa saponin và các tinh thể oxalat canxi. Do đó, nếu ai đó lỡ ăn bất kỳ phần nào trên cây đều dễ dẫn đến đau rát môi miệng, khô rát lưỡi và cổ họng. Hơn thể, đôi lúc còn gây khó thở và nguy hại đến sức khỏe nếu ăn phải lượng nhiều, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Do đó, khi trồng cây trong nhà bạn nên nhắc nhở người thân, các em bé tránh ăn bất kỳ bộ phận nào của cây hồng môn bạn nhé. Còn nếu tiếp xúc bình thường thôi thì không sao đâu.

Dù hồng môn đẹp nhưng vẫn có lưu ý khi trồng
Dù hồng môn đẹp nhưng vẫn có lưu ý khi trồng

Phương pháp nhân giống cây hồng môn

Hiện nay, người ta hay nhân giống hồng môn bằng cách tách bụi, kỹ thuật làm cực kỳ đơn giản. Việc đầu tiên cần làm là chọn cây mẹ, cây mẹ phải có tuổi đời ít nhất 5 tháng trở lên, tốt nhất là hơn 1 năm tuổi. Sau đó dùng các dụng cụ sắt nhọn như dao, kéo nhẹ nhàng tách các cây con ra đem đi trồng, mỗi cây nhỏ có ít nhất 2 – 3 lá trở lên, lưu ý là phải tách rễ đi kèm với từng bụi nhỏ và khi thực hiện thao tác nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương cây bạn nhé. 

Video tham khảo cách nhân giống hồng môn

Cây hồng môn có thể sống được trong đất hay cả trong nước.

Đối với trồng trong môi trường đất

Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị hỗn hợp đất để trồng cây. Loại đất thích hợp để trồng hồng môn là đất phù sa, hoặc đất thịt pha cát tơi xốp, thoát nước tốt. Để tăng thêm chất dinh dưỡng cho cây, bạn nên trộn đất cùng với tro trấu, xơ dừa, phân hữu cơ hoặc phân chuồng hoai mục,.. để giúp cây phát triển tốt hơn. Sau đó, nhẹ nhàng trồng cây vào và lấp đất, nén nhẹ bề mặt đất lại. Khi trồng xong thì tưới nhẹ nước và đặt cây ở nơi thoáng mát, cây sẽ thích nghi và phát triển rất nhanh.

Đối với trồng thủy sinh

Đầu tiên, bạn nên rửa sạch rễ cây để cây sạch và khoe được vẻ đẹp của bộ rễ. Sau đó chỉ cần nhẹ nhàng đặt cây vào chậu thủy sinh mà bạn thích, cố định cây khỏi lung lay. Để cố định cây tốt hơn và tăng thêm tính thẩm mỹ, bạn có thể cho sỏi trắng vào lọ trồng nhé. Lưu ý mỗi tuần nên thay nước cho cây một lần để cây phát triển tốt nhất, sau khi thay nước nên hòa tan ít chất dinh dưỡng để cây sinh trưởng tốt.

Video tham khảo cách trồng hồng môn thủy sinh

Một số lưu ý khi chăm sóc cây hồng môn

Về ánh sáng

Bạn biết đấy, hồng môn thường được trồng trưng trong văn phòng, góc làm việc nên không cần nắng cây vẫn sống được, chỉ cần mở đèn là cây phát triển được rồi. Tuy nhiên, thiếu sáng trong thời gian quá lâu làm lá, hoa của cây bị nhạt màu, nên nếu được thì mỗi tuần bạn đem cây phơi nắng một lần nhé, phơi khoảng 2 – 3 tiếng vào buổi sáng là được. Hoặc đơn giản chỉ cần đặt cây gần cửa sổ, ban công để cây có chút ánh sáng nhẹ là cũng ổn rồi.

Về nhiệt độ

Hồng môn sinh trưởng và phát triển tốt nhất trong nền nhiệt khoảng từ 15 đến 30 độ C. Nếu nhiệt độ quá thấp cây sẽ phát triển chậm. Ngược lại, nhiệt độ quá cao cây dễ khô héo, xuất hiện các trường hợp như vàng lá, thối lá, lâu ngày sẽ dẫn đến chết cây.

Về nước tưới

Hoa hồng môn có nhu cầu nước khá ít. Mỗi tuần bạn chỉ cần tưới nước 2 – 3 lần cho cây là được, vào mùa mưa ẩm ướt thì mỗi tuần tưới 1 lần cũng không vấn đề gì bạn nhé. Hoặc đơn giản chỉ cần quan sát bề mặt đất và tình trạng lá cây. Khi bề mặt se khô và lá hơi héo thì ngay lập tức cung cấp nước cho cây, tuy nhiên mỗi lần không tưới quá nhiều gây ngập úng.

Về sâu bệnh hại

Cây hồng môn thường gặp một số bệnh như thối gốc, thối thân. Để tránh trường hợp này bạn nên thường xuyên làm cỏ, tạo độ thông thoáng cho bề mặt đất và cây phát triển. Bên cạnh đó, tránh cung cấp lượng nước quá nhiều ở mỗi lần tưới vì điều này dễ gây nên ngập úng cây.

Một số hình ảnh chọn lọc của cây hoa hồng môn

Hoa hồng môn Hoa hồng môn Hoa hồng môn Hoa hồng môn Hoa hồng môn Hoa hồng môn Hoa hồng môn

Nguồn tham khảo thông tin:

1. https://lamvuon.net/cay-hong-mon/

2. https://eva.vn/nha-dep/cay-hong-mon-co-doc-khong-cach-cham-soc-cay-hong-mon-don-gian-ai-cung-lam-duoc-c169a439587.html

3. https://vi.wikipedia.org/wiki/Hồng_môn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here