Trong dịp ghé thăm Đà Lạt khoảng nửa năm trước, mình có ghé đến Quán của thời thanh xuân – một tiệm cà phê bình yên nằm trên con dốc cao cheo leo của Đà Lạt. Khi đến đây, mình thực sự bị chìm đắm hoàn toàn vào khung cảnh nơi đây, đặc biệt là vườn hoa hương thảo xanh tốt phía trước quán. Loài cây này làm mình thực sự ấn tượng, ngắt một vài lá nhỏ cho vào chén trà nóng, hương thơm cùng vị cay xè của hương thảo làm ấm nồng cơ thể giữa tiết trời se lạnh.
Ngoài ra, ở đây, hương thảo còn là một trong những nguyên liệu chính trong quy trình chế biến xà phòng thơm tự nhiên và vô số những sản phẩm thú vị khác. Thú thật, mình hoàn toàn bị thu hút bởi loài cây nhiều lợi ích này, do đó đã quyết tâm tìm hiểu và trồng bằng được cho riêng mình một bụi hương thảo nhỏ.

Tên gọi và phân bố của loài cây hương thảo
Ngoài cái tên phổ biến là hương thảo, loài cây này còn được gọi với những cái tên khác như dạ hương thảo, cây mê điệt hương, cây tây dương chổi,… trong đó hương thảo và mê điệt hương là hai tên gọi được sử dụng rộng rãi nhất. Cây hương thảo có tên khoa học là Rosmarinus officinalis L., thuộc họ Hoa môi. Trong danh pháp khoa học hai phần này, từ Rosmarinus được dịch theo tiếng Latinh mang nghĩa là sương của biển, cái tên này thật sự phù hợp với cây, bởi vẻ đẹp và hương thơm của chúng dịu nhẹ, trong veo như những giọt sương biển vậy. Cây hương thảo được mô tả khoa học trong sách vở lần đầu tiên vào năm 1753.
Cây có nguồn gốc xuất xứ từ vùng Địa Trung Hải, sau đó được trồng phổ biến ở khu vực Nam Âu, Bắc Phi và Tây Á. Khi được du nhập về Việt Nam, hương thảo trở thành một trong những loài cây có hương được yêu thích bậc nhất, được trồng phổ biến nhất ở khu vực miền Trung và miền Nam. Cây thích nghi và phát triển tốt ở những khu vực núi cao, thường xuyên có thời tiết lạnh, đặc biệt là các tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng,…

Đặc điểm thực vật của cây hương thảo
Hương thảo là loài cây mọc bụi, các bụi nhỏ hoặc lớn tùy vào mục đích của người trồng và thời gian trồng cây, những bụi hương thảo lâu năm sẽ lan rất rộng. Trung bình mỗi cây hương thảo cao khoảng 0,5 – 1m. Thân cây có màu nâu sẫm với kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng 0,5 – 1cm. Cây hương thảo dù nhỏ nhưng phân nhiều cành nhánh, trên nhánh có rất nhiều lá, phải gọi là chi chít lá. Lá cây mọc tỏa ra xum xuê trông cây như một cây thông tí hon vậy.
Lá hương thảo nhỏ, dạng lá kim, hầu như không có cuống và mép lá hơi gập xuống dưới. Hương thảo có lá mang màu xanh lục đậm với mặt trên nhẵn, mặt dưới có lớp lông trắng nhỏ, mịn. Chắc bạn cũng biết, cây hương thảo có mùi rất thơm. Mùi thơm này chủ yếu xuất phát từ lá và đây cũng là bộ phận có nhiều công dụng nhất của cây hương thảo.
Hương thảo cũng có hoa, hoa thường mọc thành cụm, mọc ra từ nách lá hoặc ngọn cành. Mỗi bông hoa có kích thước khoảng 1cm, có màu lam nhạt đến tím. Hoa hương thảo cũng mang một mùi thơm dịu nhẹ nhưng vô cùng thu hút.

Ý nghĩa của cây hoa hương thảo
Hương thảo có mùi thơm nhẹ nhàng, tạo cảm giác thư thái, dễ chịu nên đại diện cho những điều bình dị, an yên trong cuộc sống. Người ta quan niệm rằng khi trồng hương thảo trong nhà sẽ đem lại may mắn và sự chở che cho cả gia đình. Ngoài ra chúng con được tin rằng có thể xua đuổi tà khí và mang những điềm lành đến cho gia đình.
Công dụng của cây hương thảo trong cuộc sống
Phải nói hương thảo là một trong những loài cây có nhiều công dụng bậc nhất trong thế giới cây cảnh luôn ấy. Dù cây không đẹp xuất sắc, nhưng mùi hương và những công dụng mà em ấy mang lại đã làm cho bản thân mình say mê từ khi mới biết đến.
Hương thơm của cây hương thảo phải nói là nhẹ nhàng như tạo cảm giác thư thái đến tuyệt đối. Bởi vậy cây thường được trồng vào các chậu nhỏ trưng ở văn phòng, bàn làm việc, phòng khách, phòng bếp hay bất cứ nơi nào trong gia đình. Mùi thơm từ cây hương thảo tạo nên cảm giác dễ chịu, giúp đầu óc giảm bớt căng thẳng, tinh thần minh mẫn hơn. Tinh dầu hương thảo giúp kích thích phát triển trí não, đẩy cao khả năng sáng tạo và thúc đẩy hiệu suất làm việc.
Đặc biệt tinh dầu của cây kích thích phát triển trí não của trẻ em, giúp trẻ hoạt bát hơn, học tốt và nhanh thuộc bài hơn. Mình nghĩ là bạn nên một lần dùng loài cây này trưng bày để trang trí không gian, chắc chắn mùi hương sẽ không làm bạn thất vọng. Đặc biệt, giống như cây nhất mạt hương, hương thảo có khả năng xua đuổi muỗi rất tốt, mùi thơm từ tinh dầu của cây có thể đuổi muỗi một cách tự nhiên, hiệu quả và rất an toàn cho sức khỏe gia đình.

Không chỉ có công dụng trong trang hoàng nhà cửa, thoải mái tinh thần mà hương thảo còn là cây gia vị phổ biến và cực kỳ được ưu ái sử dụng trong các món ăn vì lá cây có vị hơi đắng nhẹ và hương thơm giúp tăng gia vị của món ăn. Mùi hương của cây hương thảo có thể khử bớt mùi tanh của cá thịt, kích thích vị giác trong các món nướng. Phải nói mình cực kỳ thích ăn bò bít tết với hương thảo, đúng chất hương vị bổ trợ hoàn hảo cho món ăn tuyệt vời này.

Bên cạnh đó, cây hương thảo còn có tác dụng trong y học. Hương thảo có vị đắng nhẹ, mùi thơm nồng, hơi se, có tính tẩy uế và chuyển máu. Tinh dầu của hương thảo có tác dụng lợi mật và lợi tiểu, giảm đau thấp khớp và đau nửa đầu.

Phương pháp nhân giống cây hương thảo
Hương thảo là một loài cây khá đơn giản để nhân giống, tuy nhiên để tỷ lệ sống sót cao và cây phát triển tốt thì bạn cũng nên đầu tư và đặt tâm huyết vào khi nhân giống cây nhé. Hương thảo thường được nhân giống bằng hai phương pháp chính là gieo hạt và giâm cành nhánh.
Đối với phương pháp gieo hạt
Bạn có thể thu hoạch hạt giống sau mỗi mùa hoa hương thảo kết thúc hoặc mua gói hạt giống từ các trung tâm bán hạt hoặc vườn ươm. Trước khi trồng bạn nên ngâm hạt giống vào môi trường nước ẩm để kích thích hạt nhanh nảy mầm trong khoảng 30 – 60 phút (nước ấm bạn có thể pha theo tỷ lệ 2 sôi : 3 lạnh).
Đối với đất trồng, nên chọn đất có tỷ lệ dinh dưỡng cao, độ thông thoáng và thoát nước tốt. Nên trộn đất với rơm rạ, tro trấu, xơ dừa hoặc phân chuồng hoai mục để tăng độ dinh dưỡng và tránh chai đất về sau. Khi đã có đất và vớt hạt giống từ nước ra, bạn gieo hạt xuống đất đã chuẩn bị, sau đó rải nhẹ một lớp đất mỏng lên trên để giữ hạt. Tiếp theo đó, tưới phun sương cho bề mặt đất để tạo độ ẩm cho đất và hạt giống. Sau khoảng 1 – 2 tuần, hạt sẽ bắt đầu nảy mầm bạn nhé!
Video tham khảo cách gieo hạt hương thảo
Đối với phương pháp giâm cành nhánh
Việc đầu tiên và cũng là quan trọng bậc nhất cần phải làm là chọn cây giống để lấy nhánh. Nên chọn những cây hương thảo đã trưởng thành, lá xanh tốt, có sức sống cao và không bị sâu bệnh hại.
Sau đó dùng dao cắt một đoạn cành nhánh khoảng 7 – 10cm. Khi đã có nhánh hương thảo được cắt, bạn vặt bỏ đoạn lá khoảng 2,5 – 4cm ở phần gốc để tiện cắm xuống đất. Để kích thích quá trình mọc rễ diễn ra nhanh hơn, bạn nên cắm nhánh vào nước thay vì trực tiếp vào đất. Đối với nước, nên lấy nước giếng hoặc nước suối để đảm bảo không có chất độc hại, có thể pha thêm chất kích thích mọc rễ vào nước (các chất được dùng có thể là GA3, atonik, n3m, vitamin B1,…).
Sau khi hoàn thành, bạn đặt nhánh cây vào nơi khô thoáng và có ánh sáng nhẹ. Sau khoảng 10 – 20 ngày, nhánh hương thảo sẽ bắt đầu cho rễ, lúc này bạn có thể đem cây trồng vào chậu được rồi. Vì hương thảo phát triển tốt khi tiết trời mát mẻ, vì thế bạn nên giâm cành vào khoảng thời gian cuối xuân hoặc đầu thu.
Video tham khảo cách giâm cành nhánh
Một số lưu ý khi trồng và chăm sóc cây hoa hương thảo
Về đất trồng
Rễ của hương thảo là dạng rễ chùm, dây rễ mảnh, rất nhạy cảm với độ ẩm và nước tưới nên yêu cầu đất trồng cần phải thông thoáng và thoát nước tốt. Nên trộn thêm xơ dừa, tro trấu, phân chuồng hoai mục và ủ đất trong vòng 3 – 5 ngày trước khi trồng cây để tăng độ thoát nước và tỷ lệ dinh dưỡng cho cây phát triển.
Về nước tưới
Cây hương thảo có nhu cầu nước trung bình, mỗi ngày chỉ nên tưới nước cho cây 1 lần. Khi tưới nên tưới nhẹ nhàng vào buổi sáng hoặc buổi chiều mát, không nên tưới vào ban đêm hoặc để nước đọng dưới đáy chậu sẽ làm thối rễ, chết cây. Vào mùa mưa nên di chuyển cây vào nơi khô thoáng để tránh ngập úng.
Về ánh sáng
Cây hương thảo ưa khí hậu mát mẻ, ánh sáng nhẹ, do đó nên trồng cây ở nơi có bóng râm hoặc dưới khu vực có lưới che, nếu trồng ở chỗ nắng nóng thường xuyên thì lá hương thảo có thể bị cháy và teo nhỏ lại, tinh dầu của cây cũng ít hơn và mùi thơm giảm mạnh. Nếu trồng cây trong nhà thì nên đem cây phơi nắng buổi sáng (khoảng 2 tiếng từ 8 – 10h) mỗi tuần 2 – 3 lần để cây tổng hợp đủ chất cần cho quá trình trao đổi chất.
Về phân bón
Bạn cần bón phân cho hương thảo mỗi tuần một lần với liều lượng nhỏ. Ngoài phân hữu cơ, phân vi sinh, bạn có thể sử dụng phân NPK tím, phân super lân, phân hạt Dynamic lifter để bón luân phiên cho cây. Khi bón không nên bón phân thô trực tiếp vào gốc cây mà nên pha phân bón với nước, để phân tan hết tạo thành dung dịch rồi tưới đều dưới gốc cây vào chiều mát. Lưu ý không bón phân khi trời nắng gắt vì sẽ làm rễ cây bị khô và cháy.
Về sâu bệnh hại
Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy tình trạng trên lá cây hương thảo xuất hiện một số sâu ăn lá, làm lá đột nhiên bị trắng bạc màu, có đốm lá,… lúc này bạn nên dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun cho cây. Đồng thời, thường xuyên cắt tỉa lá, loại bỏ cành héo khô để phòng ngừa sâu bệnh.
Trên đây là “tất tần tật” mọi thông tin về cây hương thảo. Nếu bạn đang tìm một loài cây đa công dụng, cho hương thơm dịu dàng, bình yên thì hương thảo là sự lựa chọn đúng đắn rồi đấy <3.
Một số hình ảnh chọn lọc của cây hoa hương thảo
Nguồn tham khảo thông tin: