Ngày nay, trồng cây phong thủy đang được rất nhiều hộ gia đình quan tâm vì những ý nghĩa mà nó mang lại. Trong top những loại cây phong thủy được ưa chuộng thì trầu bà luôn là loại cây xuất hiện top đầu. Sở dĩ như vậy là bởi tính dễ trồng, dễ chăm sóc của em này và cả màu xanh mát mắt mà cây mang lại cho không gian sống!

Cùng tìm hiểu nguồn gốc, tên gọi của trầu bà nhé
Trầu bà là một loại thực vật có hoa thuộc họ Ráy (Araceae), mang nhiều tên gọi khác như Vạn niên thanh leo, Hoàng tam điệp, thạch cam tử hay trầu bà vàng. Cây có tên tiếng Anh là Pothos với tên khoa học là Epipremnum aureum.
Theo mình tìm hiểu, cây có nguồn gốc từ vùng đảo Société xa xôi ở Nam Thái Bình Dương. Với màu xanh tươi mát cùng đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, trầu bà được du nhập và trồng nhiều ở các khu vực ôn đới và nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.

Đặc điểm thực vật của cây trầu bà
Loại thực vật này có tên gọi là trầu bà bởi hình dáng của cây tựa như cây trầu, đặc biệt là những chiếc lá xanh mướt. Trầu bà là loại cây thân thảo, dạng dây leo với thân cứng cáp, màu xanh tựa lá. Lá trầu bà là lá đơn, có hình dáng trái tim ở phần cuốn và thuôn dài dần lên đầu lá. Lá mang nhiều màu xanh khác nhau, tùy thuộc vào vùng trồng và điều kiện chăm sóc, nhưng màu chúng ta thường bắt gặp nhất là xanh lục nhẹ nhàng. Hoa trầu bà mọc thành cụm ngắn, thường mang màu đỏ hoặc trắng (trầu bà đế vương là loại thường ra hoa nhất, mình sẽ giới thiệu kỹ hơn về loại trầu bà này ở bên dưới nhé!).


Bạn sẽ thường hay thấy trên phiến lá trầu bà có những đốm vàng, xuất hiện rải rác trên mặt lá. Đây là đặc tính thực vật bình thường của cây, không phải là dấu hiệu của sâu bệnh hại nên bạn hoàn toàn yên tâm nhé.
Trầu bà là loại cây mềm mại, có thể bò dài hoặc buông thõng dây, do đó, bạn có thể trồng trong chậu trưng phòng khách hoặc làm giàn leo cho khuôn viên đều được. Đặc biệt đây là loại cây thủy sinh, do đó bạn có thể trồng trong những bình nước thủy tinh để gia tăng giá trị và vẻ đẹp của cây mà không cần phải sợ úng cây hay thối rễ gì đâu nha ^^.

Ý nghĩa phong thủy của cây trầu bà
Cây trầu bà có rất nhiều ý nghĩa, một trong số đó được nhắc đến nhiều nhất và làm cây được trồng phổ biến đó chính là về mặt phong thủy. Loại cây này có đặc tính sinh trưởng giản đơn, không cần phải tốn công cầu kỳ chăm sóc mà vẫn phát triển rất tốt. Do đó, cây mang trong mình ý nghĩa của sự sinh sôi, phát triển thịnh vượng, khi trồng trong nhà sẽ có nhiều sinh khí và mang lại may mắn cho gia chủ.
Nếu ai từng tìm hiểu về cây phong thủy thì cũng sẽ biết rằng trầu bà được mệnh danh là cây tiền tài. Cây mang niềm tin sẽ giúp gia chủ mọi chuyện hanh thông, dễ dàng và thuận lợi trong công việc và cuộc sống.
Đặc biệt theo các nhà phong thủy học, trầu bà rất thích hợp với những ai tuổi ngọ. Cây được tin rằng sẽ giúp những người tuổi này trấn áp những khuyết điểm và thúc đẩy họ thành công hơn trong sự nghiệp.
Cây trầu bà có tác dụng đặc biệt gì?
Không phải tự nhiên mà trầu bà ngày càng được trồng ngày một phổ biến tại các hộ gia đình. Ngoài ý nghĩa phong thủy, cây trầu bà có những tác dụng vô cùng lớn.
Theo mình tìm hiểu, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng trầu bà hấp thụ được các bức xạ điện tử gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, các sóng gây hại này phát ra từ các thiết bị thân thuộc xung quanh chúng ta như máy tính, điện thoại, wifi,…
Bên cạnh đó, lá có khả năng hấp thụ những độc tố và thanh lọc không khí trong lành hơn.
Nhiều lần mình ghé thăm nhà bạn mình chơi, thấy bạn có trồng trầu bà trong hồ cá, cứ nghĩ là để tạo màu xanh bắt mắt hơn thôi, qua đợt tìm hiểu về cây này thì mới biết trầu bà có khả năng hấp thụ nitrat có trong nước để làm trong sạch nước và cung cấp các chất có lợi giúp cá cảnh phát triển khỏe mạnh. Thật tuyệt vời ^^.

Các loại trầu bà thường gặp
Cây trầu bà vàng

Trầu bà vàng là loại cây thường thấy trong các gia đình, đặc biệt các tín đồ thích trồng cây thủy sinh. Điểm đặc trưng của loại này là những chiếc lá hình trái tim có màu xanh xen lẫn vàng rất tươi. Thân cây mang màu hệt của lá.
Cây trầu bà xanh
Trầu bà xanh có lá cây thuôn dài như mũi tên. Lá cây có màu xanh lục, phiến lá trơn nhẵn và bóng mượt, lá quá già thì thường thô nhám hơn. Thân cây tiệp màu lá, cây có khả năng chịu hạn khá tốt và sinh trưởng khá mạnh.

Cây trầu bà thái
Không giống như những loại khác, lá trầu bà thái không có hình dạng trái tim mà thuôn dài. Đây là loại có màu khá đặc biệt, nghiêng về xanh dạ quang. Lá non có xu hướng sáng màu hơn lá già. Thân cây cũng tiệp màu lá, và có thể nổi bật giữa rừng cây, không sắc xanh nào có thể chèn ép được.

Cây trầu bà chân vịt
Trầu bà chân vịt là loại cây bụi nhỏ, thân thảo. Lá mọc thành nhóm rất đẹp, lá chia thùy, mọc xen kẽ nhau quanh thân tạo thành một tán trầu bà tròn tự nhiên. Lá non có màu xanh nhạt, sẽ chuyển dần sang xanh thẫm khi già, mặt lá nhẵn bóng. Loại cây này còn có mùi thơm độc đáo.

Cây trầu bà hạnh phúc
Là cây thân thảo có dạng dây leo lớn và dày, cả thân và lá có màu xanh đậm bóng, viền lá gợn sóng nhẹ, gân lá nổi trên bề mặt lá. Bề mặt lá có hình hoa văn nhăn nheo không rõ ràng hình thù, trông rất độc đáo và đặc trưng.

Cây trầu bà đế vương
Như đã đề cập ở trên thì mình sẽ nói chi tiết hơn về loại trầu bà này.
Trầu bà đế vương hay còn được biết đến với những tên khác như cây đại hoàng đế, cây đế vương; có tên tiếng Anh là Philodendron Imperial. Cây có dạng thân thảo lớn, đối với trồng trang trí trong nhà, cây thường được trồng trong chậu, có thể phát triển cao tới 1 – 1,5m. Lá cây có hình bầu dục, thuôn dài nhọn ở đầu lá, màu sắc khác nhau tùy từng loại (Trầu bà đế vương có ba loại đặc trưng với ba màu cơ bản là xanh, đỏ và vàng). Hoa nở thành từng cụm mang màu đỏ tươi hoặc trắng ngà, có mo hoa bao bọc xung quanh.

- Hoa Rum – Loài hoa thủy vu mang nét đẹp sang trọng, độc đáo
- Hoa son môi – Loài hoa mang sắc đỏ may mắn rất dễ nhân giống
Cách trồng cây trầu bà đơn giản
Như mình đã nhắc đến ở trên, trầu bà là loại cây rất dễ trồng và cũng sinh trưởng nhanh không tốn thời gian chăm sóc.
Một trong những cách nhân giống trầu bà đơn giản nhất là giâm cành. Để cây nhanh mọc rễ và phát triển tốt, bạn nên chọn những cành mập khỏe, không sâu bệnh để giâm. Thời gian phù hợp nhất để thực hiện việc giâm cành là vào mùa xuân hoặc hè.
Đầu tiên, bạn cần cắt đoạn cành trầu bà khoảng 7 – 15cm có chứa phần đốt rễ, để khô phần gốc cắt khoảng từ 30 – 60 phút rồi giâm vào đất ẩm (Nếu được thì bạn nên trộn đất theo tỷ lệ 30% đất thịt sạch + 30% xỉ than/ sỏi nhẹ + 30% trấu hun, xơ dừa đã xử lý + 10% phân hữu cơ , trùn quế hoặc NPK.). Sau khi giâm thì bạn đặt chậu cây ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng gay gắt.
Sau khi giâm, bạn tưới nước phun sương cho cây tần suất 1 – 2 ngày/ 1 lần. Chỉ đơn giản vậy thôi sau một thời gian ngắn cây sẽ ra rễ và phát triển tốt thôi nè.
Video tham khảo cách trồng trầu bà bằng đất
Ngoài ra, bạn cũng có thể trồng trầu bà thủy sinh nữa nhé =))
Tương tự đối với trồng thủy sinh, nhưng bạn cần cắt đoạn cây dài hơn một chút để có thể sống dưới nước (khoảng 15 – 20 cm). Tuy nhiên để cây thủy sinh phát triển ngay thì bạn nên cắt đoạn có chứa rễ và lá.
Video tham khảo cách trồng trầu bà thủy sinh
Cách chăm sóc cây trầu bà
Để trầu bà phát triển mạnh mẽ và xanh tươi nhất thì bạn nên lưu ý một chút về ánh sáng, nhiệt độ cũng như nước tưới cho cây nhé!
Về ánh sáng
Cây trầu bà không cần ánh sáng quá mạnh, cây sẽ phát triển tốt nhất trong môi trường ánh sáng bán phần hoặc bóng râm. Do đó cây thích hợp nhất khi trồng ở phòng khách hoặc bên cửa sổ có màn che.
Về nhiệt độ
Cây trầu bà phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 20 – 30 độ C. Ở nhiệt độ thấp hơn 10 độ C, lá cây thường chuyển màu vàng và có đốm trắng.
Về nước tưới
Cây trầu bà là loại cây dễ chăm, bạn chỉ cần tưới nước nhẹ nhàng khoảng 2 – 3 lần/ tuần là cây có thể sống tốt rồi.
Trên đây là tất cả những thông tin và lưu ý khi trồng cây trầu bà mà mình tìm hiểu được.
Ngoài những lợi ích kể trên thì nên lưu ý nhắc nhở các em nhỏ khi tiếp xúc với cây trầu bà, đặc biệt cấm ăn lá cây này. Bởi vì cây trầu bà có độc ở phần lá và thân. Chất calcium oxalate trong cây sẽ có thể gây bỏng rát miệng, buồn nôn, tiêu chảy,…
Một số hình ảnh đẹp khác của cây trầu bà