Cây tùng thơm là loại cây mang mùi hương dịu nhẹ, có tác dụng thanh lọc không khí và xua đuổi muỗi rất tốt, giống như cây nhất mạt hương hôm trước mình có giới thiệu vậy. Nhà mình cũng trồng một bụi tùng thơm ở trước luống cây ngay cổng vào, cây có màu xanh non mát mắt, hương thơm dịu nhẹ, mang nhiều công dụng và ý nghĩa nữa nên gia đình mình rất thích. Cây còn dễ trồng, dễ chăm sóc nữa nên nếu bạn nào muốn trồng thì tham khảo bài này để nắm thông tin và trồng cây thật tốt nhé!

Hình ảnh cây tùng thơm
Hình ảnh cây tùng thơm

Tên gọi và nguồn gốc của cây tùng thơm

Cây tùng thơm hay còn có các tên gọi khác như cây tùng hương, cây tùng chanh, sở dĩ cây có các tên gọi như vậy là bởi mùi hương dịu nhẹ mà cây tỏa ra. Cây có tên khoa học là Cupressus macrocarpa, thuộc họ Tùng. Tùng thơm có nguồn gốc xuất xứ từng vùng Nam Mỹ. Bởi hình dạng bên ngoài bắt mắt, hệt như một cây thông Noel thu nhỏ, cùng đặc tính dễ trồng, dễ thích nghi với điều kiện môi trường, cây được nhân giống mạnh mẽ khắp các khu vực ở nhiều nơi trên thế giới.

Những năm gần đây, cây cũng đã được du nhập vào Việt Nam và trở thành một loại cây cảnh, trang trí nội thất khá phổ biến ở nước ta.

Cây được trồng khá phổ biến
Cây được trồng khá phổ biến

Đặc điểm thực vật của cây tùng thơm

Cây tùng thơm là loại cây thân gỗ, gỗ cây cũng mang một mùi hương nhẹ, họ tùng cũng là họ có nhiều loài cây được trồng lấy gỗ. Thân cây có kích thước nhỏ, chiều cao trung bình vào khoảng 30 – 80cm. Tuy nhiên nếu điều kiện quá thuận lợi cho cây phát triển, được chăm sóc tốt thì cây có thể lên cao hơn 1m. Điểm đặc biệt ở thân cây tùng hương là cây có chứa tinh dầu bên trong thân, cũng vì vậy mà đây là loại cây có hương thơm được yêu thích bậc nhất, hơn nữa còn được tận dụng để chế xuất tinh dầu nữa đó.

Toàn cảnh thân cây tùng thơm
Toàn cảnh thân cây tùng thơm

Cây tùng thơm có lá thuộc dạng lá kim, màu sắc của lá là màu xanh non tươi tắn, khi còn non thì lá cây có hơi hướng xanh vàng, khi lá già thì chuyển sang màu xanh đậm hơn. Cây tùng thơm có lá mọc xum xuê, um tùm, phủ kín khắp cả thân cây. Lá mọc theo dạng hình tháp (tỏa tròn ở phần gốc và tóm gọn lại dần ở phần ngọn cây), hệt như một cây thông thu nhỏ vào mỗi dịp Noel vậy. Mình cũng hay thấy có một số gia đình tận dụng cây tùng thơm, trang trí thêm các vật dụng như chuông noel, quả lắc, thiệp,… và để trưng như một cây thông vào mỗi dịp Noel vậy. Nếu nhà bạn không có cây thông thì có thể trang trí cây tùng thơm và chơi Noel theo kiểu vậy nhé, cũng rất lung linh và có không khí đấy ^^.

Cây tùng thơm được trang trí trong dịp Noel
Cây tùng thơm được trang trí trong dịp Noel

Rễ tùng thơm thuộc dạng bộ rễ chùm, rễ cây thường bò ngang và mọc lan xung quanh cây. Điểm đặc biệt là bộ rễ mọc rất mạnh, nhiều rễ con, có khả năng hút nước rất tốt.

Ý nghĩa cây tùng thơm

Chắc hẳn là mỗi người trong chúng ta đều đã biết về bộ tứ quý “Tùng – Cúc – Trúc – Mai”, hay những câu thơ ca nhắc đến cây Tùng như “Ai chơi ta cũng chơi cùng/ Chơi sen quân tử, chơi tùng trượng phu”. Dù là xuất hiện ở dạng thơ ca, lời nhạc nào thì cây tùng vẫn xuất hiện như một loài cây mang ý nghĩa vô cùng cao quý, tốt đẹp. Cây tùng thơm cũng vậy, cây mang trong mình một ý nghĩa của sự cao đẹp, trượng nghĩa, dù phải trải qua nhiều gian khó, sóng gió của cuộc đời thì cây vẫn kiên định, đứng vững và mọc thẳng tắp, như một người chính nghĩa không khuất phục trước bão táp. 

Hơn nữa, tùng thơm còn được tin rằng giúp xua đi điều xấu, thu hút tài lộc, may mắn và thịnh vượng về cho gia chủ.

Tùng thơm hợp với mọi gia đình và mọi mệnh, tuổi. Tuy nhiên cây sẽ hợp nhất với tuổi Thân. Còn về mệnh, cây tùng thơm rất hợp với người mệnh Kim nhé.

Cây tùng thơm mang nhiều ý nghĩa
Cây tùng thơm mang nhiều ý nghĩa

Công dụng của cây tùng thơm

Không chỉ có công dụng về trang trí đâu nhé, tùng thơm có rất nhiều công dụng khác nữa đấy. Giống như cây nhất mạt hương, cây tùng thơm có khả năng xua đuổi muỗi, côn trùng rất tốt, cũng chính là nhờ mùi hương của cây đấy. Cũng chính nhờ công dụng này, mà bạn có thể thấy cây tùng hương được nhiều gia đình trồng ở các góc vườn, hay ngay góc cửa nhà để tận dụng tối đa lợi ích. Cây tùng hương đặc biệt an toàn và có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt, còn có cả mùi hương nữa, nên do đó cây có thể được trồng ở mọi góc nhà, từ phòng khách, bàn làm việc, phòng đọc sách,… vừa đẹp vừa thơm, quá là tuyệt vời ^^

Cây giúp tạo cảm giác thư giãn, giải tỏa stress sau những giờ làm việc căng thẳng, giúp con người tập trung vào làm việc hơn.

Cây thường được đặt ở phòng sách, bàn làm việc giúp thư giãn
Cây thường được đặt ở phòng sách, bàn làm việc giúp thư giãn

Ngoài trang trí ở gia đình, cây còn được trồng để trang trí nội thất ở quán cà phê, sảnh khách sạn, nhà hàng, cơ quan,… Đây cũng là một trong những loại cây cảnh rất thích hợp để chọn làm quà tặng cho người thân, bạn bè đấy nha <3.

Phương pháp nhân giống cây tùng thơm

Bạn có thể trồng tùng thơm từ cây con hoặc nhân giống bằng cách giâm cành.

Đối với cây con thì bạn có thể hỏi mua ở các cửa hàng, trại giống, cây được bán rất nhiều.

Đối với phương pháp giâm cành, bạn cần chọn những cành già, gần gốc, cành mạnh khỏe, mập ú, không bị sâu bệnh hại, cắt một đoạn khoảng 10 – 15cm.

Sau khi cắt cành xong, bạn ngâm cành vào dung dịch kích rễ, sau đó nhẹ nhàng giâm cành vào hỗn hợp đất, dùng tay lấp nhẹ phần đất quanh gốc. Sau khi giâm cành xong thì bạn tiến hành phun sương vào phần đất quanh cành cắm, và lưu ý phải tưới phun sương mỗi ngày cho cây. Nên đặt trong môi trường bóng râm, mát mẻ, không đặt trong môi trường nắng quá gắt nhé. Sau khoảng vài tuần thì cây sẽ ra rễ con và phát triển.

Video hướng dẫn giâm cành tùng cối – Bạn thực hiện tương tự đối với tùng thơm nhé

Tuy nhiên mình vẫn khuyến khích nhân giống từ cây con giống nhé, như vậy tỷ lệ sống và phát triển sẽ cao hơn. Khi cây con đã phát triển vững vàng thì có thể đặt cây ở bất cứ vị trí nào bạn thích, nhớ tưới nước thường xuyên để cây phát triển tốt nhé.

Video tham khảo cách trồng cây tùng thơm vào chậu

Một số điều cần lưu ý khi trồng cây tùng thơm

Về đất trồng

Tùng thơm chịu úng rất kém nên khi trồng cây bạn cần sử dụng đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt và nhiều mùn. Nếu được bạn nên trộn thêm tro trấu, phân chuồng hoai mục, trùn quế hoặc than đen vụn để đất thoáng khí, thoát nước. Khi trồng bạn nên trồng trong chậu có lỗ thoát nước để cây thoát nước tốt nhất nhé.

Về ánh sáng

Cây tùng thơm có thể sống trong mọi môi trường, bạn có thể trồng trong nhà, nơi có bóng râm hoặc ngoài môi trường có ánh sáng đều được. Tuy nhiên nếu trồng cây trong nhà thì một tuần bạn nên đem cây ra ngoài 2 – 3 lần để cây lấy đủ chất để cây quang hợp nhé.

Về nhiệt độ

Cây tùng thơm ưa mát, chịu nóng kém hơn chịu lạnh, sống tốt trong môi trường điều hòa. Nhiệt độ phù hợp nhất cho cây phát triển nhất là từ 15 – 25 độ C. Nếu trời nóng quá dễ khiến cây bị khô cành, lá hoặc bị thối cây.

Về độ ẩm

Tùng thơm là loại cây ưa ẩm trung bình, cây có thể chịu được hạn nhẹ, tuy nhiên không thể chịu được ngập úng. Nhưng nếu ở trong môi trường khô hạn quá lâu thì cây khó sinh trưởng tốt được, do đó bạn lưu ý cấp đủ nước cho cây nhé.

Nếu thấy cây có hiện tượng lá vàng, rụng lá hoặc khô héo… thì cần xử lý kịp thời bằng cách trưng cây nơi mát mẻ, thoáng gió. Tránh nắng gay gắt trực tiếp có thể làm cho cây bị chết do mất nước.

Về nước tưới

Nếu trồng cây trong nhà thì bạn có thể tưới ít nước thôi, 2 – 3 ngày tưới 1 lần. Nếu trồng ở ngoài trời nắng nóng nhiều thì tưới thường xuyên hơn, có thể 1 ngày 1 lần. Bạn cần linh động tùy vào điều kiện thời tiết, chỉ cần chú ý khi đất trên mặt chậu se khô thì tưới là được. Có thể phun sương nước vào lá cây tăng cường độ ẩm và làm sạch lá, tăng cường quang hợp.

Có một tip để bạn tưới nước cho cây tùng thơm như sau:  Tưới một lượng nước bằng khoảng ⅓ phần đất trong chậu, tưới phun sương thêm phần lá để giữ lá luôn xanh tươi. Sau 30 phút tưới cây, bạn dùng ngón tay ấn nhẹ vào đất để xem tình trạng đất đã đủ độ ẩm chưa, nếu vẫn còn đủ ẩm thì bạn đã tưới nước khá tốt cho cây, còn nếu thấy còn khô thì bạn cung cấp thêm cho cây ít nước nhé.

Về phân bón

Khi mới trồng cây thì bạn có thể pha loãng phân NPK với nước để tưới cây, giúp cây nhanh thích ứng và sinh trưởng. Bạn có thể tưới thêm các phân vi sinh hàng tháng một lần để giúp cây phát triển tốt hơn nhé.

Video trình bày một số nguyên nhân cây tùng thơm bị héo và cách chăm sóc

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về đặc điểm, công dụng, ý nghĩa cũng như cách trồng, chăm sóc cây tùng thơm. Chúc bạn sẽ sớm trồng được những cây tùng thơm thật ưng ý nhé. Good luck ^^

Một số hình ảnh đẹp của cây tùng thơm

Hình ảnh cây tùng thơm Hình ảnh cây tùng thơm Hình ảnh cây tùng thơm Hình ảnh cây tùng thơm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here