Vạn lộc là một loài cây có lá mang sắc đỏ tươi tắn. Sắc đỏ cùng màu xanh tươi tắn của thân làm cây nổi bất, bắt mắt nên rất được ưa chuộng trồng để trang trí nội thất. Không chỉ đẹp, mà cây vạn lộc còn mang ý nghĩa phong thủy tích cực cùng tác dụng thanh lọc không khí rất tốt nên ngày càng được ưa chuộng trồng làm cảnh trong các gia đình.
Tìm hiểu về tên gọi và phân bố của cây vạn lộc nhé
Đầu tiên mình cùng tìm hiểu rõ hơn về tên gọi của vạn lộc nhé. Cây vạn lộc hay còn được gọi với cái tên rất “sang chảnh” là cây Thiên phú, có tên khoa học rất dài là Aglaonema rotundum pink, thuộc họ Araceae (Hay còn gọi là họ Ráy).
Cây được biết đến là một loài thực vật có xuất xứ Châu Á, đặc biệt trồng rất phổ biến ở Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, mình thấy cây vạn lộc có nét rất giống cây lan ý và cây phú quý (chắc lo do cùng 1 họ ^^), đặc biệt là giống phú quý hơn cả. Tuy nhiên thì các bạn lưu ý rằng hai cây này khác nhau nhé. Đặc điểm nhận dạng của vạn lộc là lá đỏ viền xanh, ngược lại cây phú quý là lá xanh viền đỏ. Thân cây vạn lộc và phú quý đều là dạng thân thảo mỏng manh, nhưng khác nhau ở chỗ thân cây phú quý có màu hồng nhạt nhẹ nhàng, còn thân vạn lộc mang màu xanh lục cứng cáp. Chỉ có hai đặc điểm đó là khác biệt để phân loại cây, còn về hình dạng lá, thân, cách mọc và cách sinh trưởng thì hai loài này cực kỳ giống nhau. Bạn nên lưu ý để tránh nhầm lẫn nhé.
Đặc điểm của cây vạn lộc
Vạn lộc là loài cây thân thảo khá nhỏ nhắn, nên thường được trưng dụng để trang trí ở các góc gia đình, bàn ăn, bàn làm việc đều được nhé. Thân cây có màu xanh lục, dù nhỏ nhưng trông rất cứng cáp, mọc thẳng tắp từ gốc và không có cành nhánh gì cả. Thân có hình trụ tròn, đường kính chỉ khoảng 1 – 2cm thôi. Cây có chiều cao trung bình vào khoảng 30 – 50cm, rất phù hợp để làm tiểu cảnh.
Điểm đặc biệt nhất của cây chắc chắn là ở phần lá. Lá vạn lộc mang một màu đỏ trông rất bắt mắt, màu đỏ tươi pha chút sắc hồng nhẹ nhàng, viền lá màu xanh. Tuy nhiên mặt lá thông thường sẽ có vài vết màu xanh loang lổ không đều, này là đặc điểm bình thường của cây, không phải sâu bệnh hại gì đâu nhé. Lá vạn lộc có hình dạng khá giống hình trái tim đẹp mắt, phần gần cuống viền hơi tròn, nhọn dần về phía đầu lá. Phiến lá trơn, nhẵn bóng, có các vân khá đều nhau. Lá mọc thẳng từ gốc và mỗi nhánh chỉ có duy nhất một lá thôi nhé, đặc điểm này khá giống với cây lan ý. Cụm lá tươi tốt, đỏ rực cũng là điểm nổi bật, thu hút nhất của loài cây này.
Vạn lộc cũng cho hoa, nếu chăm sóc tốt thì cây cho hoa trung bình 3 tháng 1 lần và nở rất bền. Nụ hoa sẽ mọc thẳng từ một nhánh đâm từ gốc lên, thẳng tắp. Nụ có màu xanh non nhạt, mũm mĩm. Khi nở thì lớp vỏ bao bọc bên ngoài sẽ bị xé ra và hoa nở bung ra một màu trắng tinh khiết. Hoa trắng trên nền lá đỏ, thân xanh thu hút vô cùng ^^.
Về rễ thì cây vạn lộc có rễ chùm, màu trắng ngà. Bộ rễ của cây rất đẹp nên đây cũng là một loài cây được ưa thích để trồng thủy sinh, nhằm tôn lên vẻ đẹp của bộ rễ vạn lộc.
Vậy cây vạn lộc có ý nghĩa gì đặc biệt
Cũng giống như bao loại cây phong thủy khác, vạn lộc tượng trưng cho những nguồn năng lượng tích cực. Người ta tin rằng khi trồng vạn lộc trong nhà sẽ mang lại sự thành công, thịnh vượng cho gia chủ, giúp con đường sự nghiệp hanh thông và như ý.
Bạn biết đấy, cây còn có tên gọi khác là thiên phú, bởi lẽ hoa vạn lộc mang niềm tin là sự báo hiệu của may mắn, mang sung túc, tài lộc về cho gia chủ.
Cây còn được tin rằng giúp xua đuổi những điều tiêu cực, không hay vào nhà.
Về công dụng, vạn lộc là một loài cây đa công dụng
Đây là một loài cây rất được ưa chuộng trồng để trang trí nội thất và mang lại ý nghĩa phong thủy tốt đẹp cho gia đình. Cây thường được đặt ở bàn làm việc, văn phòng giúp người làm giải tỏa căng thẳng trong quá trình làm việc mệt mỏi.
Hơn nữa, vạn lộc có tác dụng rất tốt trong thanh lọc không khí. Cây có tác dụng hấp thụ những chất độc hại có trong không khí và trả lại bầu không khí trong lành. Bên cạnh đó, còn có thể hạn chế được tác hại của các tia độc hại từ các thiết bị điện tử truyền đến con người. Do đó, trồng một chậu vạn lộc nhỏ xinh ở góc làm việc là một lựa chọn tuyệt vời.
- Hoa Rum – Loài hoa thủy vu mang nét đẹp sang trọng, độc đáo
- Hoa son môi – Loài hoa mang sắc đỏ may mắn rất dễ nhân giống
Tiếp theo là đến phần quan trọng, cách nhân giống cây
Giống như một số loại cây khác thuộc họ Ráy, cây vạn lộc cũng được nhân giống bằng phương pháp tách cây con từ bụi. Phương pháp này cực kỳ đơn giản, bạn chỉ cần chọn những bụi cây mẹ mạnh khỏe, phát triển tốt không sâu bệnh, sau đó tách thành những bụi nhỏ từ 3 – 5 cây đem đi trồng là được, vạn lộc sẽ lan rất nhanh đó.
Đối với cây vạn lộc thì bạn có thể trồng trong môi trường đất hoặc nước (trồng thủy sinh) đều được nhé. Mình nói cụ thể hơn về cả 2 cách nha!
Đối với phương pháp trồng trong đất
Đầu tiên, cần chọn những loại đất có tỷ lệ dinh dưỡng cao và độ thông thoáng tốt. Trước khi trồng thì nên trộn đất với phân hữu cơ, xơ dừa, tro trấu đến có độ dinh dưỡng tốt nhất giúp cây phát triển tốt nhất nhé. Có một “tip nhỏ” là bạn nên chọn các chậu trồng màu trắng hoặc vàng nhạt, không hoặc ít họa tiết để tôn lên màu đỏ rực của lá nhé.
Sau khi chuẩn bị đất xong thì chọn bụi cây mẹ khỏe mạnh và tách nhẹ nhàng bụi con để trồng. Khi trồng thì bạn cần rải đều đất khoảng ⅓ chậu, sau đó đặt cây thẳng ngay ngắn vào, lấp đất lại và bồi thêm đất đến ngay mặt chậu là được. Lấp đất xong thì bạn dùng bình xịt tưới phun sương vào phần đất và lá để cung cấp thêm độ ẩm cho cây nhé.
Tiếp theo đó mang cây đem đặt ở những nơi mát mẻ, tránh ánh nắng gay gắt và nhớ tưới nước đầy đủ, khoảng vài ngày là cây phục hồi rễ và phát triển tốt rồi.
Video tham khảo cách trồng cây vạn lộc vào đất
Ở video trên, tác giả cũng hướng dẫn phương pháp nhân giống vạn lộc bằng cách giâm cành (bạn có thể xem từ 2:09), tuy nhiên tỷ lệ sống sót sẽ thấp hơn và thời gian ra rễ lâu hơn nên mình vẫn nghĩ nên ưu tiên phương pháp tách bụi hơn.
Đối với phương pháp trồng thủy sinh
Bạn thực hiện tách bụi tương tự nhưng trước khi đem trồng vào lọ thì nhớ rửa sạch bộ rễ để tăng tính thẩm mỹ cho cây nha, khoe được bộ rễ trắng ngần là tuyệt hảo luôn ^^.
Về môi trường nước để trồng thì bạn nên dùng nước giếng, sông, suối để đảm bảo không có tạp chất hại cây. Nếu phải dùng nước máy thì bạn nên để nước qua đêm để các chất có hại bay hơi bớt nhé.
Về chậu cây khi trồng thủy sinh thì chắc chắn nên chọn lọ thủy tinh rồi, để khoe bộ rễ cây ấy, về kiểu dáng thì bạn có thể chọn bất kì loại nào mình thích.
Sau khi chọn chậu, lấy nước và tách bụi xong thì bạn tiến hành đổ nước vào lọ trồng, có thể hòa thêm dung dịch thủy sinh, các chất dinh dưỡng vào nước để nuôi cây. Sau đó đặt cây vào bình sao cho cây đứng thẳng, rễ ngập trong nước và kích thước vừa vặn, không bị nghiêng ngả là được. Thường thì mình thấy mọi người hay cho thêm sỏi trắng để tăng độ chắc chắn cho lọ cũng như gia tăng tính thẩm mỹ. Bạn cũng có thể nuôi vài chú cá cảnh nhỏ trong đó nhé ^^
Mỗi tháng bạn nên thay nước 2 – 3 lần để đảm bảo nước trong, tính thẩm mỹ cao mà còn cung cấp đủ chất để cây phát triển nữa.
Đây là một phương pháp trồng ngày càng phổ biến và được rất nhiều bạn yêu cây cảnh ưa chuộng.
Video tham khảo cách trồng cây vạn lộc thủy sinh (từ 1:30 bạn nhé)
Khi trồng vạn lộc thì lưu ý một vài điểm như sau
Về ánh sáng, nên đặt cây ở những vị trí mát mẻ, thoáng mát, có nắng nhẹ, tránh nắng gay gắt. Những vị trí thích hợp nhất là bàn làm việc, phòng khách, hoặc có thể là ban công hoặc bên góc cửa sổ. Tuy nhiên bạn nên mang cây ra phơi nắng 1 tuần 1 lần để cây khỏe mạnh và có đủ chất nhé.
Về nhiệt độ, vạn lộc không có yêu cầu quá khắt khe về nhiệt độ, chỉ cần tránh điều kiện thời tiết quá nắng gắt hoặc lạnh giá là được. Cây sẽ phát triển tốt nhất ở nền nhiệt từ 20 – 35 độ C.
Về nước tưới, cây cũng khá dễ tính, chỉ cần tưới nước khoảng 2 – 3 lần/ tuần là cây có thể sống tốt rồi. Vào mùa khô thì nên cung cấp nhiều nước hơn chút, mỗi lần tưới nên tưới phun sương nhẹ nhàng để tránh ngập úng cũng như làm cây đổ ngã nhé.
Ngoài ra, bạn nên bón phân cho cây 1 tháng 1 lần để cây xanh tốt, có thể bón phân vi sinh, phân hữu cơ đều được nhé, chú ý bón thúc vào các giai đoạn mới trồng hoặc vào lúc cây ra hoa.
Trên đây là những thông tin quan trọng bạn cần biết để có thể trồng và chăm sóc vạn lộc thật tốt. Chúc bạn thành công nhé <3
Một số hình ảnh khác của cây vạn lộc
Nguồn tham khảo thông tin
(1) https://baokhuyennong.com/cay-van-loc-2/