Chắc hẳn có rất ít người từng nghe về cây vối, tuy nhiên đây là một loài cây có rất nhiều lợi ích, không chỉ cho bóng mát, làm cảnh mà còn có công dụng vô cùng hữu hiệu trong chăm sóc sức khỏe con người. Ở bài viết này, mình sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về cây cũng như cách trồng, cách chăm sóc chúng. Đây là một loại cây rất đáng để bạn trồng ở vườn nhà luôn, rất nhiều lợi ích nhé!

Tên gọi, phân bố của cây vối
Cây vối, theo mình biết thì còn có nhiều tên gọi khác như cây lá vối, cây trâm nắp và có tên khoa học là Syzygium nervosum (ở một số nơi người ta dùng danh pháp là Cleistocalyx operculatus), cây thuộc họ Sim (Myrtaceae).
Cây vối có nguồn gốc từ châu Á, phổ biến ở Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Australia và các quốc gia Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cây vối được trồng trong các sân rộng, rừng rẫy hoặc mọc hoang ven bờ sông, bờ suối, cây xuất hiện nhiều hơn cả ở miền Trung và miền Bắc.

Đặc điểm thực vật của cây vối
Về đặc điểm thực vật, vối là loài cây thân gỗ cỡ vừa, chiều cao nếu trồng trong nhà rơi vào khoảng 4 -7m, tuy nhiên ở ngoài tự nhiên, những cây mọc hoang có thể cao tới 10 – 15m, đường kính của cây trung bình khoảng 40 – 60cm và có thể to hơn nữa nếu trong môi trường phù hợp và sống lâu năm. Vỏ của thân có màu nâu đen, xuất hiện nhiều đường nứt theo chiều dọc. Cây có nhiều cành nhánh, tỏa ra xum xuê bao quanh cả cây, cành cây tròn, đôi khi cũng có nhiều cạnh và nhẵn.
Lá vối có dạng thuôn dài, dạng như trái xoan hoặc bầu dục dẹp, nhọn ở phần cuống và ngọn lá. Hai mặt lá đều có màu xanh nhạt, đôi lúc có nhiều đốm màu trắng hoặc nâu, phiến lá dày. Lá cốm cứng, dai và có nhiều công dụng trong y học. Lá gắn với các cành nhờ vào cuống, cuống lá ngắn khoảng 1 – 2cm.

Về hoa, quả vối
Hoa vối nhỏ, màu trắng ngà, hoa mọc thành chùm từ 3 – 5 bông rất đẹp mắt. Hoa mọc trực tiếp từ nách lá chứ không có cuống. Nụ hoa vối khá dài, trung bình khoảng 1,5 – 2cm, có 4 cánh và nhiều nhị. Mỗi cụm hoa khi nở ra sẽ tạo ra hình tháp, thường mọc trải đều ra ở các kẽ của những chiếc lá đã rụng. Vối thường nở hoa vào khoảng cuối hè đầu thu.
Khi hoa tàn thì cho ra những chùm quả nhỏ xinh, có dạng hình trứng, có thịt bên trong, hơi lõm ở phần đầu quả. Khi mới mọc thì có màu xanh trắng, sẽ chuyển sang hồng đỏ và tím sim khi chín. Toàn bộ các thành phần của cây đều có mùi thơm rất dễ chịu.
Nếu bạn nào mới thấy quả cây lần đầu thì rất dễ nhầm lẫn với quả trâm (trâm bầu, trâm trâu) mà tuổi thơ chúng ta hay ăn đó nhé ^^.

Vậy loài cây đa công dụng này có những lợi ích cụ thể nào?
Ở vườn nhà mình cũng có trồng 1 cây. Đầu tiên phải kể đến là công dụng làm cảnh rồi nè. Cây có cành lá xum xuê, lại còn cao to nữa nên tạo được bóng mát cho cả một góc vườn. Bên cạnh đó, cây còn có tác dụng thanh lọc không khí, hút bớt và hạn chế các bụi bẩn, mang đến môi trường không khí trong lành, thanh mát cho khuôn viên.

Nhưng đối với nhà mình thì đây chưa phải là công dụng chính đâu, nhà mình trồng cây vối với mục đích chính dùng để làm thuốc trị bệnh. Phần chính được sử dụng là lá vối, trong lá có chứa rất nhiều chất, đặc biệt là tanin, có tác dụng chống lại các chất kích thích và bảo vệ niêm mạc ruột, điều trị các bệnh như viêm đại tràng, viêm loét dạ dày,… Hơn nữa, lá vối tươi đun lấy nước uống sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, từ đó làm lợi tiểu, ổn định đường huyết và chữa vàng da rất tốt.
Mẹ mình hay hái lá vối đem đi phơi khô rồi để dành, đun nước uống dần. Vừa giải khát, thanh nhiệt, mà còn bổ trợ sức khỏe rất tốt nữa. Những ngày hè mà uống ly nước lá vối cho thêm đá lạnh vào thì tuyệt hảo luôn, vừa bổ lại vừa thơm ^^>

Phần thân của cây cũng sử dụng được nữa nhé, có nhiều nơi họ dùng gỗ vối để làm đồ nội thất hoặc cốp pha xây dựng.
- Hoa Rum – Loài hoa thủy vu mang nét đẹp sang trọng, độc đáo
- Hoa son môi – Loài hoa mang sắc đỏ may mắn rất dễ nhân giống
Cách trồng cây vối đạt hiệu quả cao
Phương pháp phổ biến nhất là trồng từ cây con
Vì là loại cây thân gỗ lớn nên người ta thường trồng cây vối từ cây giống con. Đối với chọn cây giống thì bạn cần chọn những cây giống khỏe mạnh, lá xanh tươi, thân cành chắc không bị sâu bệnh hại. Hơn nữa phải đặc biệt chú ý đến bộ rễ của cây nhé, rễ càng chắc khỏe, càng mọc nhiều thì sau này cây càng bám đất và phát triển tốt.
Cây vối có thể được trồng vào bất cứ khoảng thời gian nào trong năm, nhưng tốt nhất bạn nên chọn trồng cây vào mùa xuân khi tiết trời mát mẻ, độ ẩm cao hoặc vào mùa mưa phùn. Nên trồng ở những nơi rộng, thoáng, đủ ánh nắng vì cây vối rất ưa nắng. Trồng ngoài vườn, trước cửa hay ven đường, rừng rẫy đều được.
Khi trồng cây thì bạn cần đào hố to để cho bộ rễ của cây thoáng khí và có điều kiện phát triển (kích thước thường thấy là 30x30cm hoặc 40x40cm). Đào hố xong thì bạn bón lót phân hữu cơ và ủ phân khoảng nửa tháng. Sau đó mới đặt cây vào trồng, mục đích chính là khi cây bén rễ thì sẽ có chất dinh dưỡng để cây dùng.
Sau khi đặt cây vào rồi thì bạn lấp đất kín rễ, nhớ tưới nước cho cây đều đặn để cây có đủ điều kiện phát triển nha.
Video tham khảo cách trồng cây vối từ khi còn nhỏ
Bạn cũng có thể chiết cành cây vối để nhân giống.
Với cách nhân giống bằng phương pháp chiết cành thì bạn cần chọn cành giống khỏe mạnh, cây có tuổi đời từ 2 năm trở lên.
Chọn những vị trí cần chiết trên cây giống, bạn nên chọn những cành to khỏe, xanh tốt, không có những dấu hiệu bị mắc bệnh, có đường kính từ một ngón tay trở lên, rồi dùng dao lột đi lớp vỏ cây và loại bỏ đi một ít phần thân cây, kiểu khắc chữ V để lộ lõi.
Để chiết cành thành công thì bạn cần chuẩn bị hỗn hợp đất trộn với xơ dừa và làm ẩm nhé. Hoặc bọc vị trí chiết bằng xơ dừa ẩm thôi cũng được.
Lấy hỗn hợp đất đã chuẩn bị đắp đều quanh những phần đã cắt, sau đó dùng bọc nilon quấn chặt, bao phủ hết phần đất quanh vị trí chiết, rồi cố định hai đầu thật chặt, khoảng nửa tháng đến 1 tháng là vị trí đó sẽ bắt đầu ra rễ. Bạn nên để rễ phát triển tốt, để thêm trên cây khoảng 1- 2 tuần thì có thể cắt nhánh cây và đem trồng thành cây con được rồi.
Video tham khảo cách chiết cành cây vối
Điều kiện để cây vối phát triển tốt nhất
Vối là loại cây không cần phải bỏ công chăm sóc quá nhiều vì loại cây này có thể sống tốt dù mọc hoang không có sự chăm sóc của con người.
Nhưng bạn cũng nên lưu ý khi trồng cây thì nên trồng ở nơi nhiều nắng, ngày tưới 2 lần nước cho cây vào sáng sớm và chiều, để cây có đủ nắng và nước để phát triển.
Về phân bón cũng không cần bón phân quá nhiều, chỉ cần 1 – 2 tháng/ lần là được bạn nhé!
Cây vối thường gặp một số sâu bệnh hại như: bệnh nấm hại rễ, sâu cuốn lá, rệp hút nhựa ở các chồi con của cây. Đối với bệnh nấm gây hại, thối rễ thì bạn dùng thuốc Manco Xanh có chứa hoạt chất Mancozeb để phun vào phần gốc và cả lá. Đối với bệnh sâu cuốn lá và rệp thì dùng Solo 350wp hòa loãng với nước để phun cây nhé.
Trên đây là những thông tin mình biết được về cây vối. Với một loài cây tốt cho sức khỏe như này thì bạn đừng ngần ngại gì khi muốn trồng nhé!
Một số hình ảnh khác của cây vối
Nguồn thông tin tham khảo
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%91i
(2) http://tropical.theferns.info/viewtropical.php?id=Syzygium+nervosum