Ở bài viết trước, mình có giới thiệu đến các bạn cây mẫu tử, hay còn gọi là lục thảo trổ. Ở bài này, mình sẽ giới thiệu đến các bạn giống cỏ lan chi, còn gọi là lục thảo thưa, loài mà cứ 10 người thì hết 9 người nhầm với cây mẫu tử. Vậy chúng khác nhau ở những điểm nào, cùng mình tìm hiểu để rõ hơn nhé!

Giới thiệu các tên gọi của cỏ lan chi
Cỏ lan chi hay còn có nhiều tên gọi khác như lục thảo thưa, cỏ nhện, cỏ điếu lan,… thường được gọi với tên tiếng Anh là Spider Plant (dịch từ tên gọi cây cỏ nhện). Đây là một loài thực vật có hoa thuộc họ Asparagaceae (họ Măng tây). Cỏ lan chi có tên khoa học là Chlorophytum laxum. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào 1810, nguồn gốc được ghi chép là từ châu Phi.
Đặc điểm thực vật của loài cỏ lan chi
Cỏ lan chi là loài cây thân thảo, thường mọc thành từng bụi nhỏ. Chiều cao trung bình của bụi cây thường rơi vào khoảng 15 – 40cm.
Phần chủ yếu của cây cỏ lan chi chắc chắn là lá. Thân cây lan chi là sự kết hợp của nhiều bẹ lá, mọc thành nhiều tầng từ gốc lên đến ngọn. Lá cây thuôn dài, có bề rộng khoảng 1cm trở lên, chiều dài từ 10 – 30cm. Bề mặt lá lan chi bóng mịn, phiến lá mỏng. Hầu như lan chi không có cuống lá mà lá mọc sát từ gốc thân, khi dài là buông rủ xuống trông rất đẹp. Điểm khác biệt cơ bản để phân biệt cỏ lan chi với cây mẫu tử là lá cỏ lan có một dải màu trắng chạy dọc ở giữa, 2 bên là hai đường viền màu xanh chạy dài từ đầu đến cuối lá. Đặc điểm này là đối lập với cây mẫu tử (cây mẫu tử có màu xanh ở giữa và màu trắng ở hai bên viền).
Bên cạnh đó, cỏ lan chi cũng có hoa, hoa lan chi có kích thước nhỏ xinh, khi nở tựa như một ngôi sao bừng sáng, hoa thường mọc lấp ló trong các kẽ lá nên phải nhìn kỹ mới có thể bắt gặp.
Về phần rễ, lan chi có bộ rễ khá to so với kích thước của cây, chiều dài rễ ngắn. Càng trưởng thành, rễ cỏ lan chi sẽ phát triển thành các củ nhỏ mang màu trắng ngà đến vàng nhạt.
Phải nói loài này cực kỳ giống với cây mẫu tử, giống nhau đến 90% luôn ấy. Sau khi đọc thông tin trên và nhìn lại 2 hình ảnh dưới đây thì chắc là bạn sẽ phân biệt được rồi.


Ý nghĩa của cây cỏ lan chi
Cỏ lan chi dễ sống, sinh trưởng tốt trong mọi điều kiện nên cây là biểu tượng cho sự kiên cường, vững tin, sẵn sàng đón đầu mọi thử thách trong cuộc sống để vươn lên, để khẳng định mình.
Người ta thường trồng lan chi trong nhà với một hy vọng mang lại sự thuận lợi, thịnh vượng trong công việc và cuộc sống, bởi cây được tin là mang lại tài lộc, may mắn đến mọi nhà. Đặc biệt, những người mệnh Thủy cực kỳ phù hợp với loài cây này, khi trồng cây có thể giúp gia chủ xua đuổi điều xấu, thu hút những điều tích cực và an lành.
Cỏ lan chi cũng có nhiều công dụng khác nhau
Với sự buông rủ dịu dàng, màu sắc thanh lịch, cỏ lan chi rất được ưa chuộng để trồng làm cảnh trong các gia đình. Đặc biệt là trồng vào các chậu nhỏ, treo ở ban công trông rất thu hút. Gia chủ có thể trồng cây vào các chậu đất nhỏ xinh, hoặc trồng vào lọ thủy sinh (cỏ lan chi có thể trồng thủy sinh trông rất tuyệt nhé) và đặt ở phòng khách, bàn làm việc, bàn ăn hoặc bất cứ nơi nào bạn thích. Khi trồng cỏ lan chi trong nhà, vừa tăng tính thẩm mỹ vừa có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt. Cỏ lan chi có thể hút bớt bụi bẩn, hấp thụ các tia có hại từ các thiết bị điện tử để giảm gây hại đến con người.
Ngoài ra, loài cỏ này còn có vai trò vô cùng quan trọng trong đông y. Cây được sử dụng để điều chế các phương thuốc trị bệnh tiêu chảy, khó tiêu, giúp thanh nhiệt giải độc, làm mát gan rất tốt.

Cách trồng cỏ lan chi như thế nào?
Bạn nào quan tâm và có hứng thú với loài cây này thì chắc hẳn đây là câu hỏi mà các bạn quan tâm số một đúng không?
Bạn biết đấy, cỏ lan chi là loài cỏ bụi và sinh trưởng rất nhanh, do đó phương pháp nhân giống được áp dụng phổ biến nhất và tách bụi.
Trước tiên, bạn cần chọn bụi cỏ lan chi mẹ khỏe mạnh, xanh mướt, không bị sâu bệnh hại. Từ phần gốc cây, bạn tách ra các bụi nhỏ, đảm bảo có khoảng 3 – 5 lớp lá là được, lưu ý thao tác tách cần nhẹ nhàng để tránh làm đứt rễ và tổn thương cây. Sau đó, đem các bụi cỏ vừa tách đem trồng vào hỗn hợp đất đã chuẩn bị (Yêu cầu về đất như thế nào mình sẽ hướng dẫn chi tiết hơn ở bên dưới nhé). Sau khi trồng xong, dùng bình xịt tưới phun sương nhẹ nhàng vào phần đất cây, tưới ướt toàn bộ mặt đất.
Đem đặt chậu cây ở nơi thoáng mát, có ánh sáng nhẹ và lưu ý những ngày sau đó cũng phải thường xuyên tưới nước nhẹ nhàng cho cây, tần suất tưới 1 ngày/ 1 lần. Cứ chăm sóc như vậy trong khoảng 1 – 2 tuần là cây đã bén rễ, cho rễ mới và bắt đầu phát triển rồi.
Video tham khảo cách nhân giống cỏ lan chi
Bên cạnh phương pháp tách bụi, cỏ lan chi còn có thể được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt, tuy nhiên hạt lan chi khó tìm (có thể tìm mua ở các tiệm hạt giống) và thời gian cây nảy mầm đến khi trưởng thành cũng khá lâu nên phương pháp này ít được ưa chuộng.
Cụ thể, khi có hạt giống, bạn ngâm hạt vào môi trường nước ấm khoảng 10 – 12 giờ là có thể đem đi gieo. Bạn rải hạt lên bề mặt đất, sau đó rải nhẹ thêm một lớp đất lên trên tầng hạt vừa mới gieo, sau đó tưới phun sương nhẹ vào đất và đem đặt cây ở mới thoáng khí. Khoảng 1 – 2 tuần sau là hạt sẽ bắt đầu nảy mầm và phát triển.
- Hoa Rum – Loài hoa thủy vu mang nét đẹp sang trọng, độc đáo
- Hoa son môi – Loài hoa mang sắc đỏ may mắn rất dễ nhân giống
Hướng dẫn cách trồng cỏ lan chi thủy sinh
Ngoài phương pháp trồng vào đất, cỏ lan chi có thể phát triển rất tốt ở môi trường thủy sinh. Để trồng thủy sinh, bạn cần chọn những cây cỏ lan chi chắc khỏe, xanh tốt, có kích thước trung bình, đem đi rửa nhẹ để sạch hết đất và lau qua để không gây úng cây.
Trước khi trồng, nên pha 1 nắp dung dịch Trimix với 1 lít nước để tăng độ dinh dưỡng khi trồng cây. Nên dùng nước giếng, nước suối để trồng cây, đảm bảo không có tạp chất gây hại. Nếu không có nước giếng, bạn vẫn có thể dùng nước máy, tuy nhiên nên để qua đêm trước khi trồng để các chất hóa học có trong nước bay hơi bớt.
Đổ dung dịch nước đã chuẩn bị vào lọ thủy tinh yêu thích. Sau đó nhẹ nhàng đặt cây lan chi vào bình sao cho nước ngập phần rễ là được. Tiếp theo, bạn cần cố định cây để tránh cây nghiêng ngả, xiêu vẹo. Để tăng tính thẩm mỹ, bạn có thể cho thêm sỏi trắng vào, điều này còn có thể cố định cây vững vàng hơn. Đối với trồng thủy sinh, bạn nên lưu ý thay nước khoảng 2 lần/ tháng để nước trong, vừa đẹp lại vừa đảm bảo cây sống khỏe.
Video tham khảo cách trồng cỏ lan chi thủy sinh
Bạn lưu ý hình ảnh trong video trên là cây mẫu tử bạn nhé, chúng rất giống cỏ lan chi nên rất dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên phương pháp trồng thủy sinh của hai giống cây này giống hệt nhau nên bạn yên tâm mà tham khảo nhé.
Khi chăm sóc cỏ lan chi cần lưu ý một số điểm sau
Về đất trồng
Cỏ lan chi không kén đất, cây có thể phát triển ở mọi môi trường đất. Tuy nhiên vẫn nên chọn những môi trường đất giàu chất dinh dưỡng, tơi xốp và độ thoát nước cao để tạo điều kiện tối ưu cho cây. Trước khi trồng thì bạn cần trộn đất với xơ dừa, tro trấu, rễ bèo hoặc phân chuồng hoai mục để tăng độ dinh dưỡng cho cây.
Về ánh sáng
Lan chi là loài cỏ ưa sáng nhẹ, bạn nên đặt cây ở những nơi như ban công, sảnh, cạnh cửa sổ hoặc các vị trí khác trong nhà. Nếu trồng cây ở ngoài sân vườn thì nên có lưới che nắng để tránh cây bị ánh nắng gay gắt làm héo lá, cằn cỗi.
Về nước tưới
Cỏ lan chi là loài cây khá ưa ẩm, tuy nhiên cây không quá khó khăn trong khâu chăm sóc. Do đó bạn có thể tưới cây khoảng 2 – 3 lần/ tuần là được.
Về sâu bệnh hại
Cỏ lan chi sống khỏe mạnh, phát triển rất tốt mà ít bị sâu bệnh hại. Dù vậy nhưng thỉnh thoảng cây cũng gặp tình trạng thối rễ, vàng lá hoặc rệp trên lá. Khi cây thối rễ nghĩa là phần rễ cây không thoát nước được gây ngập úng. Vàng lá có thể do tình trạng nắng quá gay gắt gây ra. Còn đối với rệp sáp, bạn có thể mua thuốc chuyên dụng về phun để phòng trừ sâu bệnh.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất bạn cần biết khi trồng cỏ lan chi. Chúc bạn sẽ sớm trồng được những bụi cỏ lan chi xanh mướt nhé <3
Một số hình ảnh khác của cỏ lan chi
Nguồn tham khảo thông tin:
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Lục_thảo