Đợt trước mình có ghé thăm Đà Lạt vào đúng dịp những cánh rừng hoa dã quỳ ở đây nở rộ. Phải nói là một dịp mở mang tầm mắt và ấn tượng thật sự. Những khóm hoa dã quỳ vàng rực, chạy dài khắp các triền đồi, thấp thoáng dưới những cánh rừng làm con người ta mê mẩn, ngơ ngẩn mãi không thôi <3.

Tên gọi và phân bố của loài hoa dã quỳ
Hoa dã quỳ, còn có nhiều tên gọi khác như cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại, hướng dương dại, hướng dương mexico, cúc Nitobe, quỷ già (do nói lái từ dã quỳ) là một loài thực vật họ cúc (asteraceae), hiên nay phân bố rộng khắp các khu vực cận nhiệt và nhiệt đới như Trung Mỹ, Đông Nam Á và Châu Phi.

Đặc điểm hình thái của hoa dã quỳ
Dã quỳ, tên khoa học (danh pháp hai phần tithonia diversifolia) là thực vật họ cúc (asteracaea), có chiều cao từ 2-3m, thân cây mọc thẳng và đôi khi mọc thành dạng bụi, thân thảo hóa gỗ.
Hoa dã quỳ có đường kính 5-15cm, có màu sắc từ vàng đến cam (và có một số ít loài màu trắng).
Lá dã quỳ có hình oval, có khía nhọn, dài khoảng 10 đến 40cm, thường chia khoảng 3-7 thùy, đôi khi có gân và phía dưới lá có màu xám nhạt. Hạt dã quỳ thuộc dạng quả bế, có 4 cạnh, dài khoảng 5mm. Hạt được phát tán bởi gió. Lá dã quỳ thay đổi hai bên khi chúng lớn lên, vì thế nên tên gọi của loài cây này được gắn thêm phần diversifolia (có thể hiểu đơn giản là lá thay đổi). Dã quỳ có thể là cây lưu niên hoặc cây theo mùa, tùy thuộc vào khí hậu nơi nó sinh sống, hạt dã quỳ có thể được phát tán bởi gió, nước hoặc các loài động vật.

Dã quỳ theo lịch sử và địa lý
Dã quỳ là loài bản địa và ban đầu thuộc nội địa Mexico, sau đó phát tán ra những khu vực khác thuộc Trung và Nam Mỹ, sau đó cũng phát tán cả về Bắc Mỹ. Sau này, dã quỳ được đem về trồng ở Châu Phi và Châu Á như một loài cây cảnh, và sau đó nó trở thành một loài cỏ xâm lấn và phát triển rất rộng, chỉ cần nơi đó có khí hậu phù hợp. Dã quỳ khá phổ biến ở những khu vực có độ cao 550-1950m so với mực nước biển. Chúng ta có thể thấy dã quỳ phát mọc rất nhiều ở ven sông hoặc ven đường. Ở những khu vực khác nhau, dã quỳ cũng có những tên gọi khác nhau như kembang bulan (Indonesia), nitobegiku (tiếng Nhật) jalacate (tiếng Tây Ban Nha), buatong (tiếng Thái Lan).

Biểu tượng và lợi ích khi trồng dã quỳ
Ở Nhật Bản, cuối thời kỳ Minh Trị, dã quỳ được nhập khẩu vào nước Nhật làm hoa cảnh mặc dù không được trồng phổ biến. Vì dã quỳ có vị đắng đặc trưng, nên nó được dùng để tránh bị đầu độ. Tuy vậy, nó không được sử dụng làm thuốc. Loài dã quỳ được Nitobe Inazo đem về trồng ở Nhật bản, vì thế, tên tiếng Nhật của nó là nitobegiku (có nghĩa là cúc Nitobe)
Dã quỳ là biểu tượng của thành phố Đà Lạt, Việt Nam. Đó là bởi vì Đà Lạt là một khu vực có khí hậu vô cùng ôn hòa và được rất nhiều loài thực vật yêu thích. Dã quỳ là một trong những loài ấy. Như mình đã viết ở trên thì dã quỳ là loài cây xâm lấn ở những nơi có khí hậu phù hợp. Vì vậy, những nơi hoang dã ở Đà Lạt đều có cây dã quỳ.

Dã quỳ còn được nhiều người nông dân sử dụng làm phân xanh, nó cũng được sử dụng làm thức ăn cho gà, làm chất đốt, dùng làm thực vật chống xói mòn ở ven sông, và thậm chí làm nguyên liệu xây dựng. Thân cây dã quỳ được dải ở trên đất hoặc chôn xuống dưới đất để phân hủy thành phân, tăng năng suất cây trồng. Dã quỳ có thể tăng cường lượng phốt pho cho đất trồng. Phân xanh từ dã quỳ chứa 1.76%N, 0.82%P và 3.92%K, thấp hơn tỉ lệ ở phân gia súc nhưng lượng phốt pho lại cao hơn tỉ lệ trong phân gia cầm.
Điều kiện phát triển của hoa dã quỳ
Dã quỳ có thể sinh trưởng trong rất nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Loài dã quỳ chịu hạn vừa phải, điều kiện sinh trưởng lý tưởng của dã quỳ là những khu vực có lượng mưa trung bình 1000-2000mm trên năm và nhiệt độ khoảng 15-31 độ C. Loài này không cần nhiều dinh dưỡng vì bản thân nó cũng có thể tăng lượng dinh dưỡng cần thiết trong đất. Là một loài “cỏ” xâm lấn rất nhanh, vì thế nên nông dân cũng có thể thu hoạch thân cây dã quỳ để làm phân bón.

Giá trị kinh tế của hoa dã quỳ
Một nghiên cứu về cách sử dụng của phân xanh đối với loài cà chua đã chỉ ra rằng đây là một phương pháp vô cùng có lợi để tăng trưởng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, đó là không kể đến yêu cầu về sức lao động. Một nghiên cứu khác cho rằng với cây ngô, yêu cầu về sức lao động quá cao, không đáng với năng suất tạo ra, đặc biệt là ở những khu vực có mưa bất thường.
Dã quỳ có thể được sử dụng làm phân hữu cơ sinh khối. Sinh khối là nguyên liệu hữu cơ (từ thực vật) như là lá cây, dùng làm một loại phân hữu cơ khô. Bởi vì sử dụng nó làm phân yêu cầu sức lao động rất lớn nên chỉ dùng cho các loại cây có giá trị kinh tế cao.
Ở Việt Nam, dã quỳ giống như một loại biểu tượng của Đà Lạt bởi nó mọc dại rất nhiều, bên đường, ven sông, đến mùa hoa thì nở rực rỡ, rất có giá trị du lịch. Rất nhiều người đến Đà Lạt mà không quên chụp ảnh với những vạt dã quỳ rực rỡ mà họ đi qua. Dã quỳ có rất nhiều ở Đà Lạt, nhưng không chỉ Đà Lạt, mà ở một số khu vực có khí hậu tương đồng: mát mẻ, lượng mưa vừa phải, nhiệt độ trung bình 21-32 độ C, cũng có những vạt dã quỳ rất rộng để các bạn trẻ có thể đến và check in. Mấy năm gần đây, vườn quốc gia Ba Vì cũng là một điểm đến đối với nhiều bạn trẻ ở miền Bắc không có điều kiện đi Đà Lạt vẫn có thể chụp ảnh với loài hoa mà họ yêu thích.

Nên trồng dã quỳ ở đâu?
Vì cây dã quỳ khá lớn (chiều cao 2-3m), nên loài cây này không thích hợp trồng trong chậu. Vì thế, các tín đồ trồng hoa trên sân thượng hay ban công không cần nghĩ đến việc trồng loài cây này đâu, vì thực tế là nó không phù hợp trồng trong chậu bởi nó rất chiếm diện tích, mà thực tế là nhìn cả một vạt, một mảng, một trời hoa dã quỳ thì đẹp, chứ 1-2 cây đơn lẻ không đem lại giá trị thẩm mỹ cho diện tích trồng trọt hạn hẹp của người nông dân thành phố.

Ở Việt Nam, dã quỳ có thể trồng được ở miền Bắc vào mùa thu đông, nếu nhà bạn có bãi trồng, hoặc làm hàng rào (nhưng chú ý không nên để hạt phát tán sẽ trở thành một loài cỏ xâm hại đó ạ). Mà khi trồng dã quỳ trên đất, chúng ta không cần chú ý nhiều, chỉ theo như đặc tính của loài cây này, chỉ cần chọn chỗ đất cao và thoáng, dễ thoát nước, nên bón chút phân lót hữu cơ trước khi gieo hạt trực tiếp vào đất, sau đó chỉ tưới nước cho đất đảm bảo độ ẩm vừa phải, rồi chờ đợi thôi. 🙂 Theo như những đặc tính ở trên các bạn đã đọc, thì dã quỳ không cần nhiều dinh dưỡng, vì bản thân nó đã chứa rất nhiều dinh dưỡng.
Với tác dụng làm phân xanh, thì sau khi trồng dã quỳ, chúng ta có thể lợi dụng lá và thân sau khi cắt tỉa (hoặc cắt bỏ) dùng làm sinh khối hữu cơ, làm tăng dinh dưỡng cho đất trồng.
Cùng ngắm nhìn mùa hoa dã quỳ Đà Lạt qua video sau nhé
Một số hình ảnh khác của hoa dã quỳ
Bạch Trà
(Tổng hợp theo Wikipedia tiếng Anh và kinh nghiệm bản thân)