Mình gần đây sắp trở thành Ms Biết Tuốt trong vấn đề hoa hoét rồi, khi mà bạn bè khách khứa ai cũng nhờ tư vấn về việc trồng cây và hoa cảnh. Trong đó, câu hỏi mà mình gặp nhiều nhất là: loài hoa nào vừa dễ trồng dễ chăm lại ra hoa quanh năm. Nếu là trước khi gặp Diễm châu, mình sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng loài hoa ấy là hoa giả (hoa giấy, hoa lụa, hoa đất đó mọi người). Nhưng biết đến loài hoa này rồi, mình đã có một câu trả lời đúng đắn và nghiêm túc, đó chính là Diễm châu.
Giới thiệu về hoa diễm châu
Diễm châu, tên khoa học là Pentas lanceolata (Còn gọi là Egyptian Starcluster, có thể dịch thành Chùm sao Ai Cập), là một loài cây có hoa thuộc chi thiên thảo, họ cà phê (rubiaceae), sinh sống ở Châu Phi và Yemen. Vì cây có hoa rất đẹp mắt nên được nhiều người trồng trong vườn làm cây cảnh.
Zone phù hợp: 10-11 (khá hợp với miền Bắc, Việt Nam nhé)
Chiều cao: 30-60cm
Tán rộng: 30-60cm
Thời gian nở hoa: Theo mùa (Nhưng theo như một số người đã trồng tại Việt Nam, thì Diễm Châu, Egyptian Starcluster nở hoa quanh năm, liên tục, và khá dễ tính so với nhiều loài hoa nhập khẩu). Hoa rất hấp dẫn ong bướm.
Màu sắc: Hiện tại mình đã thấy có 5 màu: hồng đậm, hồng nhạt, tím, trắng, đỏ
Ánh sáng: Trực tiếp
Nước: Vừa phải
Lá: Xanh quanh năm
Hợp với khí hậu zone 10-11, ở những zone này thì cây có thể được trồng quanh năm. Trồng bằng đất tơi xốp, dễ thoát nước, và có ánh nắng trực tiếp. Có thể chịu được bóng râm, nhưng nếu có nhiều nắng thì sẽ nở nhiều hoa hơn. Cần đất có nhiều dinh dưỡng (khá tham ăn).

Egyptian Starcluster có thể trồng đất, có thể trồng chậu (nếu trồng chậu thì nên cho bạn ấy ăn thường xuyên. Ở Việt Nam là zone 11, cây có thể sống khá tốt cả mùa đông lẫn mùa hè.
Sâu bệnh: Chú ý rệp và phấn trắng nếu trồng cây trong mái hiên và những nơi thiếu nắng.
Diễm châu là một loài hoa bụi vùng cận nhiệt đới, loài hoa này dường như xuất hiện là để dành cho ong bướm. Những bông hoa giàu mật ngọt sinh ra từ những chùm sao rực rỡ đủ sắc màu giống như những bảng đèn hiệu của loài bướm. Những chùm hoa diễm châu có nhụy hoa rất nông, khiến cho các loài ong bướm dễ hút mật. Không chỉ loài bướm thích diễm châu, ong cũng rất thích loài hoa này do những đặc điệp đáng yêu như thế!
Những chùm hoa diễm châu trông như những ngôi sao nhỏ nhiều màu sắc (hiện tại mình đã đếm được có 5 màu: trắng, đỏ, hồng nhạt, hồng đậm, tím), lại vô cùng dễ tính và chịu nhiệt tốt. Vì thế, bạn ấy có thể là lựa chọn rất tốt cho khu vườn hoặc ban công nhà bạn. Loài hoa này không khó tính như những loại hoa du nhập từ xứ sở ôn đới như Dạ yến thảo, ngọc thảo, phong lữ thảo…, Mặc dù diễm châu cũng là loài hoa mới xuất hiện (do nhập từ nước ngoài vào) nhưng bạn ấy sinh sống ở Việt Nam cứ như là bạn ấy là giống bản địa vậy, rất dễ tính, rất hào phóng, rất rực rỡ. Bạn ấy chỉ cần vừa đủ dinh dưỡng, vừa đủ nước, vừa đủ nắng là có thể ra hoa suốt cả năm, không cần chăm sóc cầu kỳ bạn cũng có thể nuôi dưỡng được một chậu diễm châu xinh đẹp.
Cách trồng và chăm sóc hoa diễm châu
Mặc dù dễ dàng, nhưng tất nhiên là Diễm châu cũng cần phải được chăm sóc ở một mức độ nào đó thì mới trở nên xinh đẹp được đúng không các bạn? Vì thế, mình sẽ giới thiệu với các bạn cách trồng và chăm sóc Diễm châu nhé! Mình sẽ nói thật đầy đủ để giúp chúng ta có một chậu, hoặc một vườn Diễm châu xinh đẹp.
Diễm châu là một loài dễ chăm sóc, dù cho bạn trồng chậu, trồng bồn, hay trồng trực tiếp ngoài đất
Nhu cầu về nước, nhiệt độ và ánh sáng
Như ở phần trên đã đề cập đến, diễm châu phù hợp với zone 10-11, đây là zone khí hậu cận nhiệt và nhiệt đới, và không có tuyết. Thế nên diễm châu không chịu được băng và tuyết vào mùa đông lạnh ôn đới. Ở miền Bắc Việt Nam, diễm châu có thể tồn tại xinh đẹp suốt bốn mùa, dù là mùa đông lạnh giá hay mùa hè nóng nực. Vì thế, chúng ta có thể xếp diễm châu vào loại cây thích nghi khá tốt, cây phát triển tốt nhất ở khung nhiệt độ 15-35 độ C, nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn thì chúng ta cần có chế độ chăm sóc tốt hơn.
Khi trồng diễm châu, chúng ta chọn nơi có nhiều ánh nắng, bởi vì mặc dù diễm châu có thể sống được chỗ râm mát, nhưng muốn để bạn ấy chăm chỉ ra hoa, chúng ta cần trồng nơi có nhiều nắng, khoảng 6-8h trở lên mỗi ngày. Lượng ánh nắng tối thiểu để cây có thể nở hoa là 4h, nếu nơi trồng ít nắng (dưới 4h mỗi ngày) thì cây sẽ không có hoặc rất ít hoa. Cây rất khỏe nên khả năng sống sót là rất cao.
Diễm châu chịu nhiệt khá tốt, vì cây của mình để ngoài nắng mùa hè 100%, chỉ cần đủ nước là cây có thể phát triển và nở hoa liên tục, chỉ có hiện tượng cháy lá vào những dịp thời tiết khô và nắng nóng mức độ cực kỳ cao (38-40 độ C, nắng nóng cả ngày).
Yêu cầu về đất và dinh dưỡng
Trồng đất
Nếu trồng diễm châu trực tiếp xuống đất, chúng ta cần chuẩn bị đất: đào một hố sâu khoảng 25-30cm, loại bỏ đá, cành khô hoặc bất kỳ tạp vật trong đất. Đổ một lớp phân tổng hợp bón lót và trộn với đất trồng, đập đất thật nhỏ trước khi trồng. Nếu đất bạn trồng là đất thịt hoặc đất sét thì nên đào hố sâu và rộng hơn một chút, trộn thêm một chút trấu hoặc phân mùn đã ủ (hoặc các chất trồng giúp đất tơi xốp khác).
Sau khi làm đất cẩn thận thì trồng cây giống xuống hố đã chuẩn bị, lấp đất vừa phải, không vùi gốc cây quá sâu, sau đó thì tưới nước thật đẫm, nếu cây còn yếu thì che nắng trong mấy ngày đầu tiên (nếu chỗ trồng quá nắng).
Trồng chậu hoặc bồn
Nếu trồng cây trong chậu, chúng ta chọn chậu lớn một chút, mỗi một gốc diễm châu nên trồng trong chậu ít nhất khoảng 2-3 gallon, đường kính chậu từ 25-35cm, tùy theo kích cỡ cây lúc trồng.
Khi trồng chậu, chúng ta cần làm đất kỹ hơn để kiểm soát độ ẩm, dinh dưỡng cũng như độ tơi xốp của đất. Vì tất cả các loại cây trồng hầu hết là cần đất tơi xốp (giúp rễ thoáng khí và hô hấp), dinh dưỡng vừa phải phù hợp với cây trồng, thoát nước tốt… Hiện nay ở các cửa hàng thiết bị cây trồng có bán cả các loại đất đã được trộn sẵn, chúng ta mua loại đất đó về chỉ việc đổ vào chậu và trồng cây thôi. Sau khi trồng thì tưới nước đầy đủ, mấy ngày đầu để chỗ râm mát rồi chuyển dần chậu cây ra chỗ càng nhiều nắng càng tốt (vì diễm châu thích nắng mà)
Dù trồng chậu hay trồng đất thì chúng ta cũng nên bón phân định kỳ cho cây nhé! Trồng đất thì 3-6 tháng bón phân một lần, trồng chậu thì nên bón phân 1 tháng 1 lần, tốt nhất là sử dụng phân hữu cơ để đất không bị trơ. Hiện nay có rất nhiều lựa chọn cho những người yêu cây cảnh, chỉ cần quan tâm một chút là chúng ta sẽ có được rất nhiều thông tin hữu ích để chăm sóc cây trồng của mình.
Cắt tỉa cành và hoa tàn
Một trong những vấn đề rất quan trọng trong việc chăm sóc cây và hoa là cắt tỉa cành và hoa tàn. Để cây hoa luôn xinh đẹp và mỡ màng, thì chúng ta cần phải cắt bỏ phần đài hoa ngay sau khi hoa rụng. Bởi vì nếu không cắt, cây sẽ phải cung cấp cho phần đài hoa rất nhiều để tạo quả và hạt (một phản ứng tự nhiên trong quá trình sinh tồn của hầu hết các loài thực vật). Sau khi cắt hoa tàn, hoa sẽ tiếp tục phân nhánh và ra hoa mới.
Nếu cành cây phát triển quá cao hoặc phá mất hình dạng mà bạn yêu thích, bạn có thể cắt bỏ phần thừa để cây có thể phân nhánh mới. Bởi diễm châu cực kỳ dễ phát triển và tăng trưởng, sau khi được tỉa cành thì sẽ lên rất nhiều mầm tạo nhánh mới.
Diễm châu phát triển rất nhanh về chiều cao cũng như tán. Nếu muốn giữ hình dạng ban đầu thì chúng ta càng cần phải cắt tỉa thường xuyên. Không cần tiếc nuối, vì cây sẽ lên mầm mới rất nhanh, và phần bị cắt bỏ chúng ta có thể giâm cành để tạo những cây diễm châu mới, thay thế cho những cây đã quá già nếu chúng ta muốn trẻ hóa vườn hoa của mình.
Nhân giống diễm châu
Chúng ta có thể nhân giống diễm châu bằng hai cách: gieo hạt và giâm cành. Giâm cành diễm châu rất đơn giản, chúng ta chọn những cành bánh tẻ được tỉa từ cây lớn rồi cắm vào giá thể trồng cây (sạch, tơi xốp, thoát nước tốt), luôn luôn giữ độ ẩm nhất định. Cành giâm sẽ rất nhanh ra rễ, và lúc đó chúng ta có thể trồng ra chậu mới và chăm sóc với chế độ bình thường.
Hiện nay, diễm châu là một loài hoa khá phổ thông nên chúng ta có thể gặp ở hầu hết các hàng hoa. Nếu như nơi bạn ở không bán cây này thì chúng ta có thể chọn cách mua hạt về để gieo. Trồng cây diễm châu từ hạt có thể thực hiện theo các bước sau:
- Cho đất gieo hạt vào chậu hoặc khay
- Gieo hạt vào chậu hoặc khay. Không lấp đất bởi vì hạt này cần ánh sáng để nảy mầm
- Phun sương vào khay giá thể vừa gieo hạt.
- Đậy khay gieo hạt bằng bao nilon để giữ ẩm
- Nhiệt độ phù hợp cho khay gieo hạt là 22-28 độ C. Trong suốt thời gian gieo hạt, nên giữ ở nhiệt độ này, cộng với để nơi có ánh sáng phù hợp, tốt nhất là để chỗ có nắng buổi sáng
- Giữ ẩm vừa phải cho khay đất gieo hạt, nhưng không được để quá úng nước
- Mầm cây sẽ xuất hiện sau 7-15 ngày
- Sau khi cây lên mầm, để cây chỗ có thật nhiều nắng và sáng
- Sau khi cây phát triển đến cặp lá thật thứ hai (nghĩa là khi cây có 4 lá thật), thì chúng ta chuyển cây sang chậu mới.
- Khi cây lớn một chút thì sẽ trồng cây ra đất, hoặc trồng vào chậu lớn để cây phát triển tốt hơn.
Như vậy, chúng ta đã có những cây diễm châu xinh đẹp trồng từ hạt rồi đó.
Bài viết được tổng hợp từ kinh nghiệm thực tế của người viết (Cammy)