Ở dưới gốc cây lộc vừng nhà mình có một bụi dừa cạn nở rộ hoa quanh năm, thú thật là mình cũng chẳng biết cây từ đâu mà có, vì nhà mình không hề gieo hạt chúng =)) Cứ vậy mà cây cứ phát triển, không cần tốn nhiều công chăm sóc, mà lại ra hoa rực rỡ, đậm màu, lá xanh tươi tốt quanh năm nên nhà mình cũng yêu lắm. Cứ để như vậy mà dừa cạn lại lan ra cả bụi, tăng thêm vẻ đẹp cho cả khu vườn nhà mình.

Tên gọi, nguồn gốc của hoa dừa cạn
Hoa dừa cạn, hay còn gắn liền với nhiều tên gọi khác như: hải đằng, bông dừa, hoa tứ quý. Cây có tên khoa học là Catharanthus roseus, tên tiếng Anh là Periwinkle. Đây là một loài thực vật thuộc họ Trúc Đào (La Bố Ma), bắt nguồn từ vùng Madagascar – một hòn đảo nằm trên Ấn Độ Dương. Loài hoa này cũng được trồng khá phổ biến tại Việt Nam hiện nay với mục đích chủ yếu là làm cảnh cho sân vườn và điều chế thuốc trong y học.

Đặc điểm đáng chú ý của hoa dừa cạn
Dừa cạn được chia thành hai loại là dừa cạn đứng và dừa cạn rũ. Khi quan sát đặc điểm hình thái bạn cũng có thể nhận biết và phân loại cây một cách dễ dàng, đúng như tên gọi vậy.
Dừa cạn mọc thành bụi không quá cao, chỉ cao khoảng 30 – 80cm. Đây là loài cây thân thảo, có nhiều cành xum xuê chùm lại thành bụi khá rậm rạp, giống với những loại cây thuộc họ Trúc Đào khác, thân cây dừa cạn có nhựa mủ màu trắng, tương tự như thân ở phần lá cũng xuất hiện chất nhựa mủ này. Quá trình sinh trưởng của cây cũng sẽ ảnh hưởng đến sắc thái của cây, đặc biệt đối với thân cây, khi còn non phần thân có sắc tố xanh nhạt qua quá trình sinh trưởng và phát triển thân cây sẽ chuyển dần sang màu hồng tím, đồng thời xuất hiện lông ngắn.

Các lá có dạng hình bầu dục hay hình trứng, nhẵn bóng và xanh mướt quanh năm, dài khoảng 3 – 8cm với bề ngang rộng 1 – 3cm và có đường gân giữa nhạt màu, mọc thành những cặp đối nhau.

Về hoa dừa cạn
Hoa dừa cạn có rất nhiều màu, tiêu biểu như đỏ, hồng, trắng, mọc xen kẽ từ các kẽ lá và có cuống hoa. Hoa có 5 cánh gần như đều nhau, mỏng mịn. 5 cánh hoa xếp gọn vào nhau như hình cánh quạt thu nhỏ, ở giữa có một tâm hoa nhỏ khác màu nổi bật, có nhị.
Quả cây dừa cạn có kích thước dài khoảng 2 – 4mm, rộng khoảng 1 – 3mm, quả màu nâu hoặc đen, trong quả chứa khoảng 10 – 15 hạt nhỏ li ti, tròn vo và có màu đen.

Dừa cạn là loài cây xanh tốt quanh năm, cho hoa 4 mùa mà không cần phải chăm sóc quá nhiều. Nhà mình có trồng vài khóm nhỏ, cây tươi tốt và nở hoa quanh năm, đẹp lắm mà nhà mình cũng không chăm bón gì nhiều.
Dừa cạn có ý nghĩa gì không?
Mỗi loài hoa xinh đẹp đều sẽ mang trong mình những ý nghĩa đặc biệt khác nhau. Với dừa cạn, đây là món quà của sự dân dã, chân quê, bình dị. Còn nhớ lúc nhỏ, mỗi khi đến ngày 8/3 là chị em nhà mình lại thi nhau hái hoa tặng mẹ, và khóm dừa cạn ngay trước nhà chắc chắn sẽ là một trong số đó ^^.
Người ta còn tin rằng dừa cạn đại diện cho sự thành công, thăng tiến, dù xuất phát điểm từ đâu, nếu cố gắng thì ắt hẳn sẽ thành công.

Lợi ích của cây dừa cạn
Một trong những công dụng đầu tiên chắc chắn phải kể đến là trồng làm cảnh, trang trí rồi. Cây dừa cạn dễ trồng, sắc hoa tươi tắn rực rỡ, không tốn công chăm sóc nhiều mà lại cho hoa quanh năm nên cây được yêu thích trồng cảnh lắm. Với dừa cạn thẳng đứng, chúng thường được trồng thành bụi để trang trí sân vườn, sảnh nhà,… Còn đối với loại dừa cạn buông rủ thì người ta hay trồng vào chậu và treo ở ban công, các quán cà phê, nhà hàng,… để trang trí.

Bên cạnh đó, đây là loài cây có rất nhiều công dụng trong đông y, người ta dùng lá dừa cạn giã lấy nước đắp lên vùng đau nhức để giúp giảm đau, hoặc đem sao giòn rồi hãm nước sôi uống để điều trị tăng huyết áp, hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ.
Ở quê mình, khi bị bỏng mình vẫn thấy dùng lá dừa cạn tươi giã nát và đắp lên vết bỏng ngày 2 – 3 lần để để điều trị và hạn chế để lại sẹo.
Kể về công dụng trong đông y của dừa cạn thì rất nhiều, vì bất cứ thành phần nào của cây cũng dùng để điều chế thuốc và trị nhiều bệnh. Tuy nhiên bạn không nên sử dụng quá nhiều dừa cạn trong ngày (50g/ ngày) vì loài cây này cũng có độc tính, sử dụng nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt không nên dùng cho người huyết áp quá thấp và phụ nữ đang mang thai. An toàn hơn hết là bất cứ ai khi dùng cũng phải tham khảo qua ý kiến bác sĩ nhé.

- Hoa Rum – Loài hoa thủy vu mang nét đẹp sang trọng, độc đáo
- Hoa son môi – Loài hoa mang sắc đỏ may mắn rất dễ nhân giống
Cách nhân giống cây dừa cạn
Dừa cạn là loại cây thân thảo, do đó được nhân giống đơn giản và dễ dàng nhất bằng phương pháp gieo hạt.
Bạn chỉ cần lấy quả dừa cạn khô sẵn trên cây, sau đó tách lấy hạt để trồng là được. Cây này được trồng khá phổ biến, đặc biệt là ở các miền quê, nên thấy nhà ai có trồng dừa cạn thì bạn xin hạt giống là được nhé ^^.

Đối với đất trồng dừa cạn thì nên chọn đất thịt, hoặc đất cát, trộn với xơ dừa và tro trấu để tăng chất dinh dưỡng.
Sau khi có hạt giống thì đem trải đều hạt lên một mảnh khăn giấy hoặc vải mỏng, buộc chặt lại để tránh rơi hạt ra trong quá trình ngâm, ngâm chúng vào môi trường nước ấm trong khoảng nửa ngày là được (bước này nhằm kích thích hạt nhanh nảy mầm, nếu muốn gieo ngay thì bạn cũng có thể bỏ qua nhé).
Vớt lấy hạt ra và đem gieo vào đất đã chuẩn bị, nếu bạn muốn trồng thành bụi thì vẫn nên đảm bảo khoảng cách giữa các hạt khoảng 3 – 5cm để cây có khoảng trống phát triển nhé, sau cùng rải một lớp đất mỏng lên bề mặt hoặc ủ bằng rơm rạ hoai mục và tưới phun sương nước để cấp ẩm cho hạt.
Nhưng ngày sau đó bạn vẫn phải lưu ý tưới phun sương cho hạt ngày 1 – 2 lần nhé. Khoảng 1 tuần là cây bắt đầu nảy mầm và phát triển rồi.
Video hướng dẫn cách gieo hạt hoa dừa cạn
Một số lưu ý khi chăm sóc dừa cạn
Dừa cạn là loài cây không cần tốn công chăm sóc quá nhiều, ở nhà mình vì cây mọc ngoài tự nhiên nên để cây dựa vào điều kiện tự nhiên mà sinh trưởng luôn. Thế nhưng cây vẫn sống rất tốt và cho hoa đều đặn.
Nếu bạn trồng cây trong chậu hoặc đặt cây ở những vị trí trong nhà thì nên lưu ý một số điểm nhé.
Về nhiệt độ
Cây dừa cạn sẽ sống tốt nhất khi có đủ ánh sáng, tuy nhiên nắng không quá gắt gỏng mà phải có ít bóng râm hoặc mái che.
Về nước tưới
Dừa cạn là loài cây rất dễ ngập úng, do đó chỉ nên tưới cây 1 ngày 1 lần và tưới phun sương hoặc vòi nhẹ để cây không bị nghiêng ngả hay úng rễ.
Về phân bón
Loài cây này không cần phải chăm bón nhiều như các cây khác, nếu có thì bạn chỉ cần bón phân dưỡng hoa là được, cách dùng thì bạn pha loãng với nước rồi tưới cây. Lưu ý không phun trực tiếp lên hoa và nên bón vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối nhé. Bón phân dưỡng hoa sẽ giúp hoa ra liên tục và màu đậm, sặc sỡ hơn.
Về bệnh hại hay gặp
Cây dừa cạn dễ bị nấm thân hoặc thối rễ, nếu thấy cây bị như vậy thì nguyên nhân chủ yếu là do cây bị ngập úng do nhiều nước. Điều cần làm lúc này là cắt cành bị bệnh đi, hoặc nhổ cây đem trồng ở nơi khác để cây không lây bệnh sang cả bụi.
Cây dừa cạn là loại cây rất dễ trồng, bất kì ai yêu hoa đều có thể trồng dễ dàng. Nếu bạn yêu một loài cây nở hoa quanh năm, dễ dàng chăm sóc thì chúc bạn thành công với dừa cạn nhé ^^
Một số hình ảnh đẹp chọn lọc của cây dừa cạn
Nguồn thông tin tham khảo