Lilium (true lily – lily thuần), Việt Nam chúng ta gọi là lily, là một loài hoa được trồng từ củ, với những bông hoa rất lớn và xinh đẹp, có hương thơm rất đặc trưng họ nhà lily.

Hầu hết các loài trong họ lily đều bắt nguồn từ khu vực ôn đới bán cầu Bắc mặc dù sau đó thì chúng phát triển đến những vùng cận nhiệt đới. Rất nhiều loài khác cũng có tên lily, nhưng nó lại không hề liên quan gì đến giống lily thuần cả, người ta gọi đó là “false lily”(có thể hiểu là lily giả mạo).

Ở bài viết này, mình chỉ nhắc đến loài ‘true lily’ thôi nhé, những loài khác được gọi là lily, nhưng thực tế nó lại không hề liên quan đến loài này, và điều ấy mình sẽ giới thiệu với các bạn trong những bài viết khác.

Ở vùng bản địa của mình, tức là ở vùng ôn đới, thì lily là một loài cây lâu năm, củ hoa được trồng từ mùa thu, ngủ dưới lòng đất trong mùa đông lạnh giá đầy băng tuyết, đến khi tia nắng đầu tiên làm băng tuyết tan thì củ lily ở dưới đất tỉnh giấc, và nảy mầm, cuối xuân và đầu hè sẽ nở những bông hoa đầu tiên.

Sau khi ra hoa, người làm vườn sẽ cắt bỏ cành hoa, chỉ để lại một nửa thân cây để lấy lá quang hợp nuôi dưỡng cho củ dưới đất, rồi lại thành một vòng tuần hoàn, sau khi lá rụng, cành khô, củ ngủ dưới đất hết mùa đông, mùa xuân lại nảy mầm, hoa lại nở…

Nhưng đến khi hoa lily được du lịch xuyên thế giới, đến những vùng đất khác thì bạn ấy không còn dễ tính như vậy. Lý do không có gì to tát, chỉ là bạn ấy không hợp với khí hậu những nơi đó mà thôi. Mặc dù không hợp lắm, nhưng chỉ là bạn ấy không còn là hoa lâu năm như ở quê hương mình mà thôi, còn bạn ấy vẫn có thể được trồng rất dễ dàng nhé!

Lily rất đáng được yêu thương, và thực tế là bạn ấy rất được yêu thương bởi sắc đẹp và mùi hương của mình. Nhờ thế, hầu như ở bất cứ nơi đâu trên thế giới bạn ấy đều có mặt. Chúng ta có thể tìm hiểu một chút về bạn ấy nhé! Trong bài này, mình sẽ gọi bạn ấy bằng hai cái tên là lily và ly, tuy hai mà một nhé.

Sự tích và ý nghĩa của hoa lily

Có một truyền thuyết kể về loài hoa này, rằng thần Zeus, chúa tể của đỉnh Olympia muốn con trai ông là Hercules được uống sữa của nữ thần Hera, vợ ông. Nhưng bởi vì Hercules là con của một người phụ nữ khác (là người phàm), nên dĩ nhiên là Hera không đồng ý. Không từ bỏ ý định, thần Zeus vụng trộm cho Hercules bú sữa của Hera khi bà đang ngủ. Khi nữ thần Hera đột nhiên tỉnh dậy và nhận ra điều đó, bà đã đẩy ra, và những giọt sữa bị rớt ra nền đất mọc lên một loài hoa xinh đẹp, đó là lily.

Đó là lý do bởi vì sao ngày nay lily mặc dù có rất nhiều ý nghĩa và biểu tượng, thì ý nghĩa gắn liền với loài hoa này nhiều nhất là sự tái sinhsung túc. Ngoài ra, lily còn có rất nhiều ý nghĩa khác nữa, mà một trong số đó là biểu trưng cho sự ngây thơ và trong sáng.

Mình nói lily có rất nhiều ý nghĩa, là bởi vì đối với mỗi màu hoa thì loài hoa này lại có một ý nghĩa khác nhau

  • Màu trắng tượng trưng cho sự ngây thơ trong sángsự tái sinh, vì thế hoa lily màu trắng được sử dụng rất nhiều trong cả đám cưới và đám tang. Lily trắng biểu tượng cho sự hồi sinh của linh hồn. Lily trắng tượng trưng cho sự ngây thơ trong sáng, sự cảm thông và sự hổi sinh, vậy nên, người ta vừa có thể dùng cho đám cưới, lại vừa cho đám ma là thế.

lily trắng

  • Lily hồng tượng trưng cho tình yêu, sự nữ tính sự ngưỡng mộ, vì thế, bạn có thể tặng hoa lily màu hồng cho cô gái mà bạn yêu quý, với thông điệp là tình yêu và sự ngưỡng mộ mà bạn dành cho cô ấy. Bạn cũng có thể tặng hoa lily cho gia đình cô ấy với ý nghĩa rằng bạn ngưỡng mộ họ, và muốn họ ủng hộ mình trong mối tình này.

lily hồng

  • Lily màu đỏ tượng trưng cho tình yêu đam mê, khi bạn tặng hoa lily cho một người, có nghĩa là bạn muốn nói với họ rằng bạn yêu họ rất nhiều, yêu đến cháy bỏng.

hoa lily đỏ

  • Hoa lily màu cam tượng trưng cho sự tự tintràn đầy năng lượng, vì thế, bạn có thể sử dụng hoa này để chúc mừng cho những người bạn có việc làm mới, nhà mới hay có những thành tựu cá nhân, bởi hoa lily màu cam có ý nghĩa vô cùng ấm áp và tràn trề năng lượng tích cực.

llily cam

  • Hoa lily màu vàng biểu tượng cho sự biết ơn, niềm vui tình bạn, vì thế hoa ly màu cam có thể được dùng để cảm ơn. Màu sắc tươi tắn của nó đem đến cảm giác vui vẻ hạnh phúc, nhất định sẽ đem đến nụ cười trên khuôn mặt người mà bạn yêu quý.

lily vàng

Lily xinh đẹp, có mùi hương nồng nàn, lily biểu tượng cho nhiều ý nghĩa, lily lại rất phong phú về màu sắc và hình dạng, là một loài hoa được yêu thích rất nhiều, và dĩ nhiên là bạn ấy khiến chúng ta có một khao khát được sở hữu.

Và thật tốt, ở Việt Nam có thể trồng được loại hoa này, không những có thể trồng, mà còn có thể trồng thật đẹp. Chỉ tiếc là ở Việt Nam thì bạn ấy không thể đơn giản mà trở thành một loài hoa lưu niên được. Nhưng không sao, hiện nay giống hoa lily rất phổ biến ở Việt Nam mà chúng ta có thể đơn giản trồng một chậu, một luống, thậm chí một vườn, một ruộng hoa lily, tùy vào mục đích của chúng ta là gì.

lily miền bắc trồng dịp tết
Vườn ly tết

Từ nhiều năm trước, thì ở miền Bắc Việt Nam, người nông dân đã trồng loài hoa này thành hoa thương phẩm vào thời điểm thu đông, khiến cho rất nhiều người có thể chơi được loài hoa này (trước đó hoa chỉ được trồng tại Đà Lạt, vì thế giá khá đắt đỏ).

Mấy năm gần đây đây, hoa lily còn có thể trồng được ở Miền Nam, thỏa mãn nhu cầu của rất nhiều người yêu hoa, mặc dù có khó khăn một chút so với ở khu vực miền Bắc có khí hậu mát mẻ vào mùa đông, nhưng việc trồng được cây lily đã khiến cho họ cảm thấy vô cùng vui sướng rồi. Cỏ vẻ đó là cảm giác của một người chinh phục thành công.

Một vườn hoa Ly tại Đà Lạt

Cũng từ khoảng 10 năm gần đây, lily trở thành một loài hoa quen thuộc ở Việt Nam. Mỗi khi tết đến, phải gần nửa số gia đình đều cắm hoa bàn hoặc mua một chậu hoa lily trong nhà, thay cho quất, đào truyền thống.

mua hoa lily ngày tết
Chợ hoa tết miền bắc

Gần đây nữa, nhiều người đã biết tự trồng lily từ củ, để có được những chậu hoa của riêng mình. Chậu hoa tự trồng này có rất nhiều ưu điểm, như là tươi lâu hơn, xinh đẹp hơn, có thể giữ củ đến mùa sau (cái này là hên xui). 

Cách tự trồng lily tại nhà hiệu quả

Đã có rất nhiều bài viết hướng dẫn cách trồng hoa lily thương phẩm, nên mình sẽ không viết về vấn đề đó nữa, chỉ hướng dẫn cách trồng ly trong chậu hoặc trong bồn đất nhỏ, với sự chăm sóc tỉ mỉ của chúng ta, để mỗi người chúng ta đều có thể trồng được những chậu lily theo ý mình, cho dù các bạn ở quê hay ở phố, có vườn hay sân thượng, hay chỉ có một mảnh ban công nho nhỏ để thỏa mãn đam mê trồng trọt của riêng mình.

Như mình đã nói ở trên, trồng hoa ly ở nước ngoài vô cùng vô cùng dễ dàng, chỉ đơn giản là lấp củ xuống đất, tưới nước bón phân, rồi… chờ đợi, thế là đến mùa hoa sẽ tự lên mà thôi. Còn ở nước ta, những điều lưu ý không chỉ có thế. Vì vậy mới cần thiết phải hướng dẫn chứ. Và để trồng một loài cây nào đó thật tốt, chúng ta nên hiểu thật kỹ thật kỹ về nó trước khi trồng, thành quả tuyệt vời sẽ đến với bạn.

Cách trồng lily trong chậu

Tùy vào loại lily (cao, lùn, thơm, kép…) mà thời gian sinh trưởng và ra hoa khá là khác nhau. Thời gian khác nhau nhưng cách chăm sóc thì khá giống nhau. Chúng ta thường trồng ly lùn vào chậu (thường thì các loại hoa lùn lùn thường được trồng chậu, các loại cao thì thường được trồng cảnh quan hoặc cắt cành) và ly cao thì hay trồng cắt cành, nhưng ở mình thì ly cao vẫn được trồng kết hợp để làm hoa cắt cành và hoa chậu bán tết.

chậu lily lùn
Chậu ly giống lùn

Chọn chậu: Mình trồng bằng chậu nhựa cho tiện bê đi bê lại đỡ nặng (vì mình hay phải thay đổi chỗ đặt chậu ly tùy từng thời điểm và thời tiết. Với những loại củ to (cỡ 18-20 hoặc hơn) thì mình dùng chậu có đường kính 35cm. Củ nhỏ hơn (khoảng cỡ 16 đổ xuống) thì mình dùng chậu đường kính 25-30cm. Mỗi chậu mình trồng 5 củ. Vì lily không chịu được úng nên chúng ta cần chọn chậu có lỗ thoát nước thật tốt nhé. Nếu cẩn thận hơn, hãy lót dưới đáy chậu một lớp than, hoặc xỉ than, hoặc các loại sỏi to và nhẹ. 

Trộn đất: lily và các loại hoa trồng từ củ nói chung đều rất thích đất tơi xốp, dễ thoát nước. Vì thế, chúng ta nên trộn giá thể thật tơi, thật xốp, và đủ dinh dưỡng. Cá nhân mình, giá thể trồng ly (và hầu hết các loại củ khác) chỉ gồm có 1/5 là đất, còn lại là phân (1/5) và trấu hun, xơ dừa, xỉ than tổ ong (đã được ngâm nước), 3 loại này có thể bù trừ cho nhau trong trường hợp thiếu hụt một trong ba. Tuy nhiên, nên có hoặc là trấu hun, hoặc là xỉ than, vì hai loại này giúp thoát nước tốt và làm đất tơi xốp. Nếu như chỉ có xơ dừa không thì đất dễ bị bít, khó thoát nước. Nếu không có sẵn những loại này, các bạn có thể tìm mua những loại đất trộn sẵn để trồng ly nhé (nhớ là đất trộn sẵn chứ không phải các loại đất công nghiệp đóng sẵn như tribat đâu)

Trồng củ lily: Khi trồng lily, chúng ta kê một lớp xỉ than (hoặc than hoa) ở cuối chậu để giúp chậu thoát nước. Đổ đất nửa chậu, sau đó đặt củ cách đều nhau, tiếp theo là phủ đất kín củ, nhưng để mầm củ hướng lên trên, và không lấp hết đất lên mầm củ. Để cho cây chắc không bị đổ thì chúng ta đợi cho đến khi mầm lên cao và lấp tiếp đất vào. Hơn nữa, các giống ly cao thơm còn ra rất nhiều rễ phía trên củ sau khi trồng, nên chúng ta nên chọn trồng chậu sâu lòng, khi trồng để chừa một khoảng để sau đó có thể lấp thêm đất vào phần rễ đó, giúp cây ly có thể tăng trưởng tốt hơn

Ở nước ta, giống củ ly phần lớn là được nhập từ Hà Lan, loại đã đươc kích mầm sẵn. Và việc của chúng ta chỉ là trồng vào và đợi cho mầm ấy lớn lên rồi nở hoa thôi. Chính vì vậy mình mới nói trồng ly rất là dễ.

Ánh sáng: ở xứ lạnh, thì lily thích được tắm nắng, càng nhiều càng tốt, vì ánh nắng giúp cho cây cứng, khỏe và cành mọc thẳng. Nhưng ở Việt Nam, vào những ngày nắng quá chói chang và nhiệt độ quá cao thì chúng ta nên để cây ở nơi râm mát nhưng lại nhiều sáng (hoặc che nắng cho cây bằng lưới đen). Nếu để trong bóng râm, thì cành hoa sẽ có xu hướng vươn ra tìm sáng, và cành khá cao nên dễ bị đổ cây. Ở miền Bắc Việt Nam, nên trồng ly ở nơi có mái che nilon, vì mùa đông có rất nhiều sương muối, nếu gặp sương muối thì nụ ly rất dễ bị hỏng và bệnh.

Lưu ý ở miền Nam chúng ta vẫn trồng được hoa ly, nhưng vì hoa ly không chịu được nắng nóng, nên chúng ta cần phải để ý che nắng cho cây, và vẫn đảm bảo cây đủ sáng. Tuy là trồng được, nhưng các bạn cũng nên chấp nhận là cây hoa ly khó có thể đẹp bằng ở những nơi có khí hậu mát mẻ. Trong trường hợp ở xứ nóng, cây khá là khó khăn để đón nắng quang hợp, nên các bạn nên pha thêm phân tưới thường xuyên nhé!

Nước và phân bón: Mặc dù không chịu được úng, nhưng lily cũng không thích khô hạn, nên chúng ta cần phải tưới hàng ngày cho em ấy (nếu không tưới đủ nước thì lily sẽ còi, nhỏ và bị hỏng nụ. Do vậy chúng ta cần phải luôn tục bảo đảm độ ẩm vừa phải của giá thể trồng.

Về phần đồ ăn của lily: các bạn ấy cũng cần một lượng dinh dưỡng cao để cây chắc khỏe, lá bóng đẹp. Chúng ta có thể pha loãng các loại phân NPK, Kali, Canxi… để tưới cho cây trong thời kỳ sinh trưởng. Nhớ là pha loãng thôi đừng để đặc quá mà xót cây

Chăm sóc sau khi nở hoa: Khi chơi xong hoa chúng ta cắt cành ly còn nửa gốc, và sau đó thì đợi cho cành và lá tự héo và rụng, sẽ đào củ lên và cất tủ lạnh để kích mầm.

Ở nước ngoài thì thật sự là người ta cứ trồng vứt đó và đến năm sau sẽ ra hoa. Nhưng ở nước ta (dù là Nam hay Bắc) củ ly sẽ ngủ vào mùa hè, và khi trời mát thì có thể sẽ nhú mầm để ra hoa. Tuy nhiên, nếu muốn làm đúng quy trình thì khi mùa thu đến phải đào củ lên để cho tủ lạnh kích mầm, rồi sau đó sẽ trồng ra ngoài như đã hướng dẫn. Phần này thực sự khá là phức tạp và kỳ công, nên mình thường không làm, bởi có làm thì cũng không thể chắc chắn được như khi người ta làm công nghiệp trồng hoa ở Hà Lan, nên mặc dù củ hoa được giữ lại và mùa sau có thể đơm bông, thì mình tin là hoa cũng không được đẹp như củ chúng ta mua lúc trước. 

Bản thân mình đã trồng hoa ly, và củ hoa ly của mình cũng có thể nảy mầm và nở hoa vào mùa sau nhờ may mắn, nhưng mình thực sự không khuyên các bạn dùng cách này, vì nó rất mệt. Nhất là nếu bạn ở những nơi chật chội như chung cư và nhà tập thể.

Mình đã tóm tắt cách chăm sóc và bảo quản củ cũng như kích mầm củ ly (theo lý thuyết – vì mình không có làm, mình chỉ vứt đó nó cũng ra hoa :”). Mặc dù chỉ là  lý thuyết nhưng lý thuyết này hoàn toàn có cơ sở, vì mình đã nghiên cứu rất nhiều đặc tính của hoa ly trong tự nhiên và sự phát triển của nó.

+ Cắt cành sau khi hoa tàn, để vài tầng lá để quang hợp giúp cây nuôi củ. Không nên cắt sát gốc quá!

+ Tưới nước giữ đất ẩm vừa phải, không được để úng vì nếu để quá úng thì với thời tiết và khí hậu của Việt Nam sẽ gây thối củ.

+ Khi lá và cành còn lại của cây héo đi, chúng ta hãy đào củ lên , cắt bớt rễ, để lại vài rễ khỏe thôi (vì bộ rễ của một cây ly rất là lớn), vệ sinh củ thật kỹ cho hết đất cát bẩn, cho vào hộp hoặc túi, phủ một lớp mùn (giống như loại mà khi chúng ta nhận củ về được phủ trong túi ấy, hoặc nếu không có thì chúng ta có thể dùng tạm mùn dừa), nhét vào tủ lạnh để kích mầm. Đến khi thấy mầm thì đem ra trồng, hoặc là đến lúc thấy thích thì bỏ ra trồng thôi.

Trước kia mình vẫn nghĩ chỉ có ở miền Bắc mới trồng được hoa lily, nhưng mấy năm gần đây, sau khi cây hoa ly của mình nở hoa vào tháng 9, nghĩa là trong thời kỳ tăng trưởng của bạn ấy hoàn toàn là những ngày nóng nực, thế nên mình đã tin rằng lily có thể trồng ở miền Nam, mặc dù là có khó khăn phức tạp hơn so với miền Bắc. Vì thế, mình đã đưa ra những hướng dẫn và đặc tính cơ bản để các bạn ở miền Nam trồng. Và thật sự là đem đến cho mình những điều ngạc nhiên, các bạn của mình đã trồng được những chậu hoa ly rất tuyệt vời.

Một số lưu ý khi trồng hoa ly

–  Khi tưới nước, chúng ta không được để nước vương vào đầu ngọn của lily, nhất là trong thời kỳ mới hình thành nụ. Nước đọng ở mầm hoa rất dễ gây nấm nếu như thời tiết ấm áp. Vậy nên, ở miền Nam, các bạn bắt buộc phải tránh nước vào đầu nụ củ ly nhé. Chỉ đến khi nụ ly đã lớn và tách ra thì chúng ta mới nên để bạn ấy tắm mưa. Ngoài ra, ở trên mình cũng nói, khi nhiệt độ quá cao, chúng ta cũng không nên để nắng trực tiếp chiếu vào cây ly vì như vậy rất dễ cháy lá và thậm chí làm teo nụ.

– Ly thơm trong khoảng thời gian đầu trồng rất dễ bị nấm nếu như giá thể trồng của chúng ta không được xử lý kỹ. Nhưng khi nụ đã hình thành và tách ra rồi thì cây khá là khỏe và kháng bệnh rất tốt. Việc của chúng ta lúc đó là cung cấp dinh dưỡng cho cây để lá xanh tốt, cây cao khỏe hơn, hoa to hơn mà thôi. Nếu ở miền Bắc, thời kỳ này chúng ta hoàn toàn có thể cho cây tắm nắng tắm mưa rồi.

–  Riêng đối với ly lùn, ở miền Nam, các bạn đặc biệt đừng phơi nắng nhé, bởi ly lùn trồng trong đó mà phơi nắng thì nó vừa dễ bị hỏng nụ, vừa bị lùn cây. Ánh nắng tự nhiên là nguồn vitamin D quý giá cho không chỉ con người và động vật, mà còn vô cùng quan trọng đối với thực vật nữa, nhưng vì lily không thể chịu được nắng nóng nên chúng ta phải dùng cách khác để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Nên mình nói, ở miền Nam mặc dù khó trồng ly hơn ở miền Bắc, nhưng không phải là không được. Chỉ cần các bạn để ý cung cấp cho ly dinh dưỡng thật tốt là được. Trồng ly ở miền Nam chúng ta chỉ nên phơi nắng (nếu có) trước 9h sáng thôi nha.

Mình đã nói, ở vùng ôn đới, cây ly rất thích nắng, và hầu hết các loài hoa khác đều thích nắng. Nhưng ở chỗ chúng ta, cường độ nắng rất lớn, và nhiệt độ rất cao, nên chúng ta phải tránh nắng cho cây vì có nhiều loại cây và hoa, trong đó có ly, không chịu nổi nhiệt độ cao và cường độ nắng quá lớn. Muốn trồng một cây nào đó thành công, chúng ta cần phải hiểu được tập tính của nó, về nhiệt độ, về ánh sáng, về lượng nước… Và chúng ta cũng không thể áp dụng những cách giống nhau nếu như chúng ta ở vùng miền khác nhau, có khí hậu hoàn toàn khác nhau. Các bạn phải thực sự lưu ý những điều đó nhé.

Các loài hoa ly

Ở trên mình đã nhắc đến rất nhiều loại, nào là cao thơm, lùn thơm, cao không thơm, lùn không thơm, blah blah… Có thể có bạn đã hiểu, có thể có bạn không, nên mình giải thích thêm một chút về những “thuật ngữ” đó nhé! Khi hiểu được các thuật ngữ này, thì các bạn mới tiếp tục đọc phần tiếp theo của mình được. 

Oriental: Khi có từ này đứng trong tên một loài hoa ly, thì chúng ta nên hiểu là loài ấy rất thơm

Cutting: Có nghĩa là cắt cành. Khi có từ này thì hoa ly là ly cao, bởi chỉ có ly cao mới dùng làm hoa cắt cành được

  • Potted: Pot có nghĩa là châu, potted có nghĩa là được trồng trong chậu, vì thế khi có từ này trong tên của một loại ly nào đó, chúng ta hiểu nó là loài thấp, loài thấp hay được trồng vào chậu để làm cảnh.
  • Roselily: Còn được dịch thành ly kép. Gọi là roselily vì bạn ấy có rất nhiều lớp cánh, đầy đặn như hoa hồng ấy. Loài này có mùi thơm, cách chăm sóc tương tự với ly cao thơm. Dù không viết ra bao giờ, nhưng chúng ta luôn hiểu Roselily nằm trong nhóm Oriental lily (ly thơm). Vì có rất nhiều loại ly kép khác mà không phải là roselily, nên mình sẽ gọi bạn ấy là ly kép nhé!
  • Asiatic: Cái tên này được đặt bởi vì loài hoa này bắt nguồn từ một số khu vực ở châu Á, (asiatic có nghĩa là thuộc về Châu Á). Loài này khác với hoa ly truyền thống ở chỗ nó không có mùi thơm, nên khi dịch sang tiếng Việt nó có nghĩa là không thơm. 

Như thế, sau khi hiểu những thuật ngữ, chúng ta có thể chia hoa ly ra thành những loại khác nhau, mà ghép vào thì các bạn sẽ hiểu như sau: 

  • Oriental Cutting lily: Ly cao thơm
  • Oriental Potted lily: Ly lùn thơm
  • Roselily: Ly kép
  • Asiatic Cutting lily: Ly cao không thơm
  • Asiatic Potted Lily: Ly lùn không thơm
Roselily Editha – Một loại hoa ly kép có màu sắc ngọt ngào

Số ngày ra hoa khi trồng lily

Trước kia, thông tin ở đâu khi nói về số ngày lily ra hoa cũng chỉ có ghi: 80-110 ngày, đối với loại nào cũng vậy và ở đâu cũng vậy, nhưng không phải thế. Về số ngày ra hoa thì mình cũng muốn nói một chút về một số loại như sau, nhưng chỉ là tương đối, vì mỗi mã lily sẽ có một thông số kỹ thuật khác nhau. Cùng là ly cao thơm, cùng điều kiện khí hậu, nhưng có thể có loại hơn 100 ngày ra hoa, có loại chỉ 70-80 ngày thôi.

Ở miền Nam, thời tiết nóng hơn nên ly nhanh nở hơn rất nhiều, những cái đó mình sẽ không viết chi tiết được. Nhưng mình cũng có một số điều kết luận sau khi trồng ly và nghiên cứu về bạn ấy: (mình chỉ nói số ngày tương ứng ở miền Bắc thôi nha)

  • Roselily: (ly kép) sẽ tùy vào từng loại mà ở miền Bắc sẽ nở sau khoảng 85-120 ngày
  • Oriental cutting lily: Hiện nay thì mình thấy mã lily có số ngày dài nhất là Lake Carey, nở hoa sau 90-120 ngày, có số ngày thấp nhất là Amarossi, số ngày nở hoa là 75-80 ngày ở miền Bắc
  • Oriental Potted Lily: Tùy vào từng loại, ly lùn có thể nở hoa sau 70-90 ngày, ở khí hậu miền Bắc
  • Asiatic Cutting Lily: 65-80 ngày
  • Asiatic Potted Lily: 45-65 ngày

Có rất nhiều rất nhiều điều thú vị cần chúng ta khám phá về loài hoa này, nhưng bài viết hôm nay mình muốn dừng lại ở đây. Mình không dùng nhữn từ hoa mỹ, không dùng cách viết phổ thông để viết về loài hoa này. Bởi những cái đó thì ai cũng biết, ai cũng hiểu, chỉ cần một từ khóa và một đường link. Mình ở đây là chỉ muốn cung cấp cho người đọc một cái nhìn thật đúng đắn và chi tiết về loài hoa này, không phải là những điều “phổ thông” mà ở đâu cũng có. 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here