Hoa Mộc Lan không chỉ là tên của nữ anh hùng giả nam nhi suốt 12 năm để thay cha tòng quân mà còn là loài hoa có hương thơm và vẻ đẹp thanh nhã. Lý Thanh Chiếu, nhà thơ nữ được xưng tụng “Thiên cổ đệ nhất tài nữ” của Trung Hoa đã viết về hoa mộc lan một cách tinh tế, đầy tình tứ như sau:
“Nâng hoa lên chọn lựa
Được một cành sắp nở Nét lạnh lùng, hài hòa, yểu điệu Là nhờ ngấn sương mai vương trên màu ráng đỏ.”
(Giảm tự mộc lan hoa) (1)
Đặc điểm cây hoa mộc lan
Hoa mộc lan là loài thân gỗ, cao khoảng 2 – 10 m, cho bóng mát tốt với tán lá, tán hoa rậm rạp. Lá mộc lan hình bầu dục, thuôn dài, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông tơ và rụng vào mùa đông. Các cánh hoa mộc lan rời nhau, khá dày và bóng.
Hoa mộc lan có nhiều màu khác nhau nhưng thường thấy là trắng, vàng, hồng, tím. Đặc biệt, đến mùa hoa thì lá rụng và hoa nở rất sai, nhìn rợp cả mắt. Hơn nữa, so với các loài khác, hoa mộc lan lâu tàn hơn nên trồng hoa mộc lan làm cảnh là một lựa chọn tuyệt vời. Cây trồng lâu năm thì hoa càng nhiều, tán càng rợp và càng đẹp, trông vào chỉ thấy hoa và hoa!


Mộc lan, món quà thanh lọc tâm hồn từ thiên nhiên
Thật vậy, còn gì tuyệt vời hơn một nhành hoa mộc lan kết hợp với những sắc hoa khác được trưng bày trang trọng trong bình hoa giữa nhà!. Và trong văn phòng, bên hành lang, trên bàn làm việc…, một chậu hoa mộc lan xinh xinh nở những đóa hoa thuần khiết sẽ là điểm nhấn cho cả ngôi nhà. Thi thoảng, bất chợt đưa mắt ngắm nhìn những cánh hoa trắng, vàng, hồng, tím… mỹ lệ và xinh xắn, tự dưng quên đi những bộn bề của cuộc sống và thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhõm lạ thường! Hoa mộc lan giờ đây đích thực là cầu nối giữa con người với thiên nhiên bằng sự nhẹ nhàng và thanh tao vô hạn.

Và bây giờ, hãy tưởng tượng đang ngồi dưới một tán hoa mộc lan đang nở rợp. Bạn có nghe thấy gì không?

Mộc lan, từ tên gọi đến giá trị sử dụng
Thực chất, mộc lan là tên gọi chung của các loài thuộc chi Mộc lan (tên tiếng anh của hoa Mộc Lan là Magnolia), họ Mộc lan (Magnoliaceae). Chi này có khoảng 210 loài. Tuy nhiên, ở Việt Nam, người ta thường gọi tên một số loài hoa mộc lan dựa theo màu sắc như: mộc lan tím, mộc lan trắng, mộc lan vàng… Trong nghiên cứu và đặc biệt là trong y học, hoa mộc lan còn có tên là “Tân di” để ám chỉ loài cây có vị cay nhẹ (làm thuốc).
Theo chiết tự, “mộc lan” nghĩa là loài lan có thân gỗ. Đặc biệt, gỗ của cây mộc lan là loại gỗ thơm, bền chắc nên được ứng dụng để làm đồ mỹ nghệ, nội thất và phương tiện sinh hoạt. Tương truyền, vua Ngô Hạp Lư (trị vì từ 514 TCN đến 496 TCN, thời Xuân Thu) đã cho trồng cả một rừng mộc lan bên sông Tầm Dương để lấy gỗ xây cung điện và Lỗ Ban (ông tổ nghề thợ mộc Trung Hoa) cũng từng dùng gỗ mộc lan để đóng thuyền, về sau các thi gia hay gọi là “mộc lan chu” (2). Ngoài ra, hoa mộc lan còn được dùng để làm nước hoa và ướp trà với mùi hương thanh tao, quý phái.
Ngoài ra, hoa mộc lan còn có các tên gọi khác như: mộc bút hoa (loài hoa có thân gỗ thẳng đứng), ngọc đường xuân (loài cây đẹp rực rỡ), khương phác hoa (hoa giúp khỏe mạnh)…
Mộc lan, từ món ăn đến bài thuốc quý
Không chỉ là loài hoa đẹp, có hương thơm quyến rũ, ở một số nơi, hoa mộc lan trắng (Magnolia grandiflora) còn được dùng để ướp hoa, làm gia vị. Lá mộc lan non và nụ hoa còn được ăn như một loại rau ở Nhật Bản (3).
Đặc biệt, mộc lan tím (Magnolia liliiflora, còn có các tên khác như Mộc lan tulip, Lily mộc lan) được xem như “thần dược” cho bệnh nhân viêm xoang, vốn là cây bản địa ở Trung Quốc nhưng ngày nay đã được nhân giống rộng rãi. Bộ phận được dùng làm thuốc của cây mộc lan tím thường là hoa, đặc biệt là búp hoa với công dụng giảm stress, giảm đau, an thần và điều trị viêm xoang (cũng như các bệnh về đường hô hấp). Cách dùng phổ biến là hái búp hoa rồi phơi khô, chùi sạch lông mao, sau đó sao vàng (khoảng 5 g) rồi sắc lấy nước, chia ra uống ba lần trong ngày. Ngoài ra, nước sắc từ vỏ cây mộc lan tím còn giúp mát gan, sáng mắt.

Hoa mộc lan, sức sống mạnh mẽ từ vẻ đẹp dịu dàng
- Đằng sau vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính của hoa mộc lan là một sức sống mạnh mẽ đến bất ngờ. Bạn có biết, họ mộc lan có niên đại lên đến 95 triệu năm (4), được xem là một trong những loài hoa có mặt sớm trên trái đất còn tồn tại đến ngày nay. Mỗi cây có thể sống ngang tuổi thọ con người.
- Một điều thú vị nữa: hoa mộc lan nhờ hương thơm quyến rũ và màu sắc bắt mắt đã thu hút bọ cánh cứng đến giúp đỡ để thụ phấn. Do đó, để hoa mộc lan có thể bảo vệ chính mình, tạo hóa đã ban cho cánh và lá noãn của hoa độ cứng vừa phải để tránh bị hỏng, dập (do bọ cánh cứng cũng như các loài khác ăn hoặc bò quanh). (4)
Cách trồng và chăm sóc hoa mộc lan
Nâng niu, chăm sóc hoa là thú vui tao nhã của những người thích chơi cây cảnh nói riêng và yêu thiên nhiên nói chung. Mỗi ngày, từng chồi non nhú lên, cây lớn thêm ra và những cánh hoa nhu mì hé nở. Nó gợi cho người trồng không chỉ là niềm hy vọng về những đóa hoa rực rỡ mà còn nuôi dưỡng sự kiên trì, nhẫn nại của chủ hoa. Tuy nhiên, với những mục đích khác nhau và ở những vị trí gieo trồng khác nhau, cách trồng, chăm sóc hoa cũng không giống nhau.
Đối với cây được trồng trong chậu
- Chuẩn bị đất: việc lựa chọn đất là điều cần chú ý đầu tiên. Hãy chuẩn bị đất tơi xốp, màu mỡ (đất trộn với phân hữu cơ thì càng tốt) và thoát nước tốt để cây hấp thụ đủ chất dinh dưỡng hơn nhé. Hiển nhiên, lượng đất phù hợp với kích cỡ và nhu cầu của cây cũng là điều quan trọng không kém. Ngoài ra, chúng ta cũng nên chọn chậu có kích cỡ phù hợp và có lỗ thoát nước để không làm phí đất, diện tích trồng cũng như đảm bảo đủ điều kiện sinh trưởng cho cây.
- Chọn vị trí trồng: vị trí đặt để chậu hoa là điều cần chú ý tiếp theo. Cây mộc lan cần nguồn ánh sáng vừa đủ, không quá râm mát cũng không quá gắt để tránh mất nước qua lá. Đồng thời, cần tránh nơi có gió mạnh để cây không bị đổ ngã.

- Tiến hành trồng: để một ít đất nền vào chậu đã chuẩn bị rồi lấy cây giống ra khỏi bầu ươm nhưng cần chú ý, tránh động chạm mạnh làm ảnh hưởng đến rễ cây và bầu đất. Sau khi nhẹ nhàng đặt cây giống vào giữa chậu, các bạn để thêm đất vào chậu sao cho lớp đất cao hơn mức bầu đất một khoảng vừa đủ. Việc này giúp cây không bị trồi rễ (nếu lấp đất quá cạn). Tưới nước vừa đủ để cây kịp thời lấy sức lại và phát triển. Đối với cây con còn yếu, cần cắm cọc để làm giá đỡ cho cây đứng vững.
- Chăm sóc: sau khi trồng, cần chú ý tưới nước đều đặn, vừa đủ và nhổ một số cỏ dại xung quanh gốc để cây không bị cạnh tranh chất dinh dưỡng. Nếu trồng vào mùa nắng nóng, các bạn nên dùng một ít rơm rạ phủ quanh gốc để làm mát gốc và đỡ vất vả trong tưới tiêu nhé.
Đối với cây được trồng để lấy bóng mát
Đối với cây được trồng ngoài sân, vườn để lấy bóng mát, làm đẹp cho khuôn viên thì cũng cần chú ý một số điểm sau:
- Đất trồng và vị trí: nên chọn nơi đất tốt, giàu dinh dưỡng và đặc biệt là thoát nước tốt (vì cây mộc lan chịu úng kém). Về vị trí, cần chọn nơi có ánh sáng vừa đủ (ánh sáng khuếch tán khoảng 70 %) và đảm bảo cây tránh được các chướng ngại vật cản trở, làm ảnh hưởng như xe cộ, động vật, gió mạnh…
- Đào hố trồng cây: tùy vào kích thước cây giống mà đào kích cỡ hố cho phù hợp. Tuy nhiên, nên đào hố rộng rãi so với bầu đất để tránh tổn thương rễ và chứa được nhiều đất nền, dinh dưỡng hơn (đất trộn với phân hữu cơ). Sau khi để lớp đất nền dinh dưỡng xong thì đặt cây con vào hố tương tự như cách trồng trong chậu rồi tưới nước (tưới vừa đủ ngay sau khi trồng, thời gian đầu tưới mỗi ngày một lần, sau đó thì 2 – 3 ngày một lần tùy theo độ khô của đất). Bên cạnh đó, cần cắm thêm cọc để làm giá đỡ cho cây nếu cần thiết (cho đến khi cây khỏe mạnh, đứng vững).

- Chăm sóc: cây mộc lan trồng trong chậu hay trồng lan ngoài đất đều cần tưới nước đều đặn (khi cây rụng lá thì nên giảm tưới nước). Ngoài ra, nên làm cỏ dại ven gốc và bón phân bổ trợ thêm theo định kỳ 2 tháng một lần (nếu không có phân hữu cơ thì dùng phân hóa học nhưng cần chú ý liều lượng, tránh thối rễ do dư phân). Ngoài ra, cần chú ý sâu bệnh hại để có biện pháp bảo vệ cây kịp thời và nếu có thể thì chúng ta nên quét vôi vào gốc cây để sát khuẩn và hạn chế được sâu đục thân làm hại cây.
Cách nhân giống hoa mộc lan
- Giâm cành, chiết cành: Cây mộc lan cho rất nhiều hoa nhưng khó đậu quả và cũng khó nhân giống từ hạt. Do vậy, thường thì cây được nhân giống bằng phương pháp giâm cành và chiết cành. Cành được chọn là cành bánh tẻ (không quá già và cũng không quá non), mọc ở gần gốc để tỉ lệ ra rễ cao hơn. Ngoài ra, thời điểm chiết cành từ cây cũng khá quan trọng. Nên chiết vào mùa xuân và hạ vì cây đang phát nhựa, khả năng mọc rễ sẽ cao hơn và giâm cành vào mùa mát như thu, đông (thời gian bắt đầu trồng tốt nhất là mùa xuân). Bên cạnh đó, dùng thêm thuốc kích thích ra rễ cũng là cách để chiết cành, giâm cành được hiệu quả hơn.
- Trồng từ hạt: Hiển nhiên, nếu bạn là một người đam mê cây cảnh và muốn chứng kiến hoa mộc lan lớn lên từng ngày, bạn cũng có thể nhân giống cây từ hạt. Trước tiên, bạn nên ngâm hạt giống với nước ấm khoảng một ngày rồi mới cho vào bầu ươm. Đất ươm phải là đất sạch, giàu dinh dưỡng, độ ẩm và độ thoát nước tốt. Vị trí đặt hạt trong bầu ươm là trung tâm bầu, sâu khoảng 1 cm so với lớp bề mặt. Sau đó, bạn cần kiên trì tưới nước vừa đủ để giữ ẩm hàng ngày và chờ hạt nảy mầm sau một đến hai tháng. Thời gian chờ đợi cũng là một thử thách thú vị phải không nào! Hãy kiên trì nhé!

Chọn hoa mộc lan màu gì để trồng?
Rõ ràng là một câu hỏi có nhiều đáp án phải không nào! Đối với mình, mỗi màu hoa đều có một ý nghĩa và mang lại một cảm giác thanh tao riêng. Sắc hoa trắng gợi lên sự quảng đại, thuần khiết và thiện lương. Sắc hoa vàng gợi đến vẻ đẹp cao sang và những giá trị trường cửu. Sắc hoa hồng thể hiện sự nhẹ nhàng, hồn nhiên và sắc hoa tím, không cần phải bàn cãi nữa, bao giờ cũng gợi lên vẻ đẹp lãng mạn, thủy chung.
Bạn đã chọn được màu hoa nào cho mình, người yêu và gia đình chưa?