Ngày nay, những người yêu hoa luôn hướng đến việc tìm kiếm các loài hoa với vẻ đẹp tinh khôi cùng hương thơm nồng nàn. Chính vì thế, hoa nhài luôn thuộc top những loài hoa được săn lùng để trồng tạo cảnh quan vì đáp ứng được cả hai điều trên.
Tên gọi, phân bổ của loài hoa nhài
Hoa nhài hay còn thường gọi là hoa lài, thỉnh thoảng vẫn được người ta gọi với cái tên mạt ly, mạt lợi, hoa có tên tiếng Anh là Jasmine với danh pháp khoa học là Jasminum sambac. Đây là một loài thực vật bản địa của khu vực Đông Nam Á, Nam Á.
Nó là quốc hoa của nhiều nước như Philippines, Indonesia, Pakistan.

Đặc điểm của loài hoa nhài
Hoa nhài là cây dạng bụi, có chiều cao trung bình khoảng từ 0,3 – 2m, cây có nhiều cành nhánh mọc buông tỏa ra xung quanh. Đây là loài cây sống lâu năm, phát triển mạnh mẽ.
Lá nhài có hình bầu dục thuôn dài và nhọn về phía đầu, mép lá nguyên. Lá cây có màu xanh nõn và rất bóng ở cả hai mặt.
Nhưng đặc biệt nhất là hoa nhài có những lớp cánh xếp xoáy ấn tượng từ tâm ra ngoài với màu chủ đạo trắng tinh trông rất duyên dáng. Hoa nổi bật trên nền lá xanh bóng tràn đầy sức sống.
Ngoài màu trắng tinh khôi, hoa có hình dáng giống những bông hồng nhỏ xinh, đường kính hoa khoảng 2,5 – 5cm, trong điều kiện sinh trưởng tốt, hoa có thể to như những bông hồng đại. Các bông hoa thường kết thành chùm số lượng khoảng 3 – 15 bông hoa. Ban đầu hoa nở màu trắng tinh sau dần có thể chuyển sang màu hồng nhạt hoặc vàng ngà khi hoa sắp tàn. Cây hoa nhài có hoa hầu như quanh năm, nhiều nhất vào mùa hè – thu nhé.

Không chỉ có vẻ đẹp thanh thoát mà nhài còn có hương thơm đậm vô cùng quyến rũ. Vẻ đẹp và hương thơm của hoa chinh phục được trái tim hàng triệu người yêu hoa. Cây sai hoa và siêng hoa tuy nhiên ít đậu quả, quả cây nhài có màu đen, mọng và nhỏ.

Hoa nhài rất nhiều công dụng đến từ mùi hương
Hoa thường dùng để ướp trà hoặc để tạo hương thơm cho thức ăn. Để thu hoạch, người ta thường thu hoạch rễ vào mùa thu đông. Lá thì có thể thu hái quanh năm. Hoa thu hoạch vào hè thu.
Hương thơm nồng nàn của hoa nhài được đặc biệt ưa thích trong làm nước hoa, mỹ phẩm. Người ta chiết xuất tinh dầu hoa nhài ngoài việc trị liệu còn đem lại cảm giác thư thái, thoải mái tinh thần và sự lạc quan.

Cây hoa nhài rất đẹp và khỏe mạnh nên thường được trồng chậu trưng ở ban công, sân vườn, ở các quán cà phê, nhà hàng để làm đẹp khuôn viên, đem lại hương thơm lan tỏa khắp chốn lại đỡ công chăm sóc và tưới bón.

Hơn thế nữa, nhài còn rất được yêu thích khi dùng để ướp trà: có thể dùng hoa nhài tươi hoặc đã phơi khô, cho vào chén trà nóng và thưởng thức. Hoa còn được dùng làm đèn hương, tạo hương thơm nồng nàn khắp không gian.

Công dụng trong y học
Cây hoa nhài ngoài tác dụng trang trí còn được sử dụng nhiều trong y học. Hoa nhài chứa hàm lượng 0,08% chất béo thơm có chứa indole, ester formic acetic-benzoic-linalyl, parafin, este anthranilic metyl.
Theo Đông y hoa nhài có tính mát, vị ngọt, cay, rất hiệu quả khi sử dụng để thanh nhiệt, trấn thống, lợi thấp. Các bộ phận của cây đều có tác dụng chữa bệnh:
+ Rễ có tính mát, vị ngọt, hơi cay dùng để an thần, trị mất ngủ, gây tê, trấn thống, bị thương do ngã, trị viêm giác mạc, điều kinh, viêm mũi.
+ Lá và hoa trị mụn nhọt, đau bụng, sốt, rôm sảy.
+ Hoa sắc lên để chữa sởi cho trẻ em đặc biệt do sốt vì sởi, chữa viêm màng mộng và viêm khóe mắt, dùng rửa mặt giúp se lỗ chân lông, mịn da, chữa đau mắt, ho có đờm.
+ Lá cây nhài để chữa bạch đới hoặc chữa lở loét lâu dài.

Lưu ý: Không nên dùng các bộ phận của cây cho người bị suy nhược cơ thể hoặc phụ nữ có thai.
Ý nghĩa hoa nhài
Mọi người thường biết đến loài hoa này với màu trắng tinh khôi vì thế ý nghĩa hoa nhài tượng trưng cho tình bạn chân thành, sự kính trọng và tình yêu chung thủy. Bên cạnh đó thì hoa nhài cũng có nhiều màu sắc khác nhau và mỗi màu lại tượng trưng cho một ý nghĩa khác nhau, hoa nhài màu vàng tượng trưng cho sự duyên dáng, thướt tha, trong khi đó hoa nhài màu hồng lại tượng trưng cho sự chia xa.
Ngoài ra, theo quan niệm phong thủy thì cây hoa nhài có hương thơm dễ chịu, cây mọc hướng lên trên giúp gia chủ thu hút năng lượng tích cực, đem tới nhiều tài lộc, sức khỏe. Khi chơi hoa muốn mang lại hiệu quả cao trong phong thủy thì gia chủ nên đặt cây ở gần cửa sổ hướng về phía Nam của nhà. Còn nếu trồng trong vườn thì nên trồng ở vị trí phía Bắc, phía Đông hoặc phía Đông Bắc.

Cách trồng hoa nhài
Có hai cách trồng hoa nhài là giâm cành và gieo hạt. Tuy nhiên đối với phương pháp gieo hạt, tỷ lệ nảy mầm thấp nhất và đòi hỏi được chăm sóc đặc biệt hơn phương pháp giâm cành.
Phương pháp trồng gieo hạt
Đầu tiên, bạn cần ngâm hạt trong nước ấm trong vài giờ hoặc qua đêm trước khi trồng.
Trong khi đợi ngâm hạt giống, hãy chuẩn bị khay hoặc chậu trồng với hỗn hợp đất tơi xốp giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Bạn cũng nên chuẩn bị đất bằng cách bón một lớp phân trộn dày khoảng 5cm. Bước này sẽ đảm bảo rằng cây hoa nhài ra hoa tươi tốt suốt mùa sinh trưởng.
Lấy hạt giống sau khi ngâm đem gieo ươm vào khay giống. Sau khi gieo hạt, phủ lên bề mặt một lớp đất mặt dày 0,5 – 1cm. Tưới nhẹ bằng cách phun sương để giữ ẩm cho đất.
Tiếp sau đó, phủ lên bề mặt một lớp túi ni lông để giữ ẩm và cách nhiệt. Cây sẽ nảy mầm nhanh hơn khi nhiệt độ được kiểm soát ở 20- 25℃. Ban ngày có thể vén lớp túi nilon lên một thời gian để thông gió, giữ ẩm cho đất. Lưu ý đừng tưới quá nhiều nước, vì sẽ dễ ngấm hạt và hỏng hạt. Giữ cho đất ẩm cho đến khi cây con mọc lên.
Thời gian hạt giống nảy mầm khá chậm, thường kéo dài đến một tháng.

Phương pháp trồng hoa nhài giâm cành
Có thể tiến hành giâm cành cây hoa nhài quanh năm. Nhưng thời điểm tốt nhất nên tiến hành giâm cành là vào mùa hè và mùa thu, tránh tiết trời quá nóng.
Để giâm cành hoa nhài, bạn nên chọn cành bánh tẻ (không quá non cũng không quá già), có độ dài khoảng từ 15 – 20 cm. Cành giâm nên có 2 – 3 chồi non, không bị sâu bệnh hại.
Sau khi cắt cành để trong mát từ 3 – 4 giờ rồi mới tiến hành giâm cành. Chuẩn bị đất giâm tơi xốp và giàu dinh dưỡng. Trước khi giâm đem nhúng cành giâm vào dung dịch kích thích ra rễ rồi cắm cành giâm xiên 60 độ xuống vị trí giâm đã chuẩn bị sẵn. Sau khi giâm xong tưới nước pha dung dịch kích thích ra rễ giữ ẩm cho đất.
Phủ một lớp rơm rạ lên gốc giâm để duy trì độ ẩm cho đất giâm cành. Sau 20 – 30 ngày cành giâm bật chồi phát triển thành cây con. Sau khi giâm từ 2 – 3 tháng có thể đem trồng.
Video tham khảo cách giống hoa nhài bằng biện pháp giâm cành
Điều kiện để hoa nhài sinh trưởng và phát triển tốt nhất
Nhiệt độ
Cây hoa nhài thích hợp với điều kiện nhiệt độ từ 20 – 28 độ C, ngoài nhiệt độ này cây chậm phát triển và khó ra hoa. Cây ưa ấm và không chịu lạnh được nên thích hợp trồng vào mùa hè hoặc thu.
Ánh sáng
Cây không ưa ánh sáng chiếu trực tiếp, ưa bóng mát, cây phát triển tốt trong môi trường râm mát.
Tưới tiêu
Cây hoa nhài không chịu được khô cũng như quá ẩm, chính vì vậy khi chăm sóc tưới nước cho cây hoa nhài cần chú ý không nên để cây quá khô, cũng không nên để cây quá ẩm sẽ bị ngập úng nước. Cây đang ở giai đoạn sinh trưởng, phát triển cần cung cấp đủ lượng nước ẩm cho cây.
Vào mùa khô hạn thường xuyên tưới nước cho cây để cây phát triển khỏe mạnh, tuy nhiên vào mùa đông lạnh nên hạn chế tưới nước cho cây. Do cây ra hoa quanh năm nên nhu cầu nước nhiều, cần đảm bảo độ ẩm đất từ 65 – 70%. Thông thường ngày tưới 1 – 2 lần.
Đất trồng
Cây hoa nhài là loại cây dễ trồng, cây có thể sinh trưởng, phát triển trên mọi loại đất khác nhau. Tuy nhiên, cây thích hợp nhất trồng trên đất cát ít chua, đất có nhiều chất mùn, tơi xốp, dễ thoát nước. Nếu trồng cây trong chậu thì cần chọn lựa đất kỹ, có thể trồng đất mùn, đất thịt đất hỗn hợp có chứa các chất dinh dưỡng, nhưng đất vẫn phải có độ tơi xốp và độ thoát nước cao.
Cắt tỉa cây
Để kích thích cây sinh trưởng mạnh cần tiến hành cắt tỉa thường xuyên. Nếu trồng làm cây bonsai thì có thể cắt tỉa liên tục theo mục đích (mỗi lần cắt tỉa cắt không quá 2/3 tổng diện tích tán cây). Đối với trồng trong khuôn viên trường thì cần tiến hành cắt tỉa định kỳ thông thường 3 – 4 tháng cắt tỉa 1 lần. Sau mỗi đợt kết hoa, cần tiến hành cắt tỉa những cành già, cành khô, cành bệnh tạo độ thông thoáng cho cây phát triển bật chồi đợt tiếp theo.
Bón phân
Đối với phân hữu cơ có thể bón định kỳ, thường xuyên cho cây, cách 4 – 5 tháng bón 1 lần. Phân vô cơ bón sau mỗi lần cắt tỉa và bón định kỳ 15 ngày bón 1 lần. Liều lượng bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Cách bón có thể hoà vào nước tưới cho cây là tốt nhất hoặc bón trực tiếp vào gốc cây cách gốc cây từ 10 – 15 cm, sau bón tưới nước cho cây, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển tốt nhất.
Phòng trừ sâu bệnh hại
Cây có sức đề kháng tốt, ít nhiễm sâu bệnh hại, tuy nhiên thường bị nhiễm một số nấm bệnh và rệp hại. Trong suốt quá trình trồng cần thường xuyên kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời. Một số bệnh thường gặp như:
Bệnh thối rễ
Khi trồng cây vào chậu, cây dễ bị ngập úng do nước hoặc do nấm gây nên dẫn đến cây bị thối rễ, có thể phun dung dịch vôi lưu huỳnh 0,2 – 0,4°C hoặc có thể dùng dung dịch Thiophanate 70% pha loãng với tỷ lệ 1 : 600 – 1.000 lên chỗ thân và cành bị bệnh.
Sâu đục lá
Nhặt bỏ những chiếc lá rụng trên cành khô và trên mặt đất, bắt và diệt các loại ấu trùng, trứng, nhộng trên lá. Có thể phun dung dịch 50%WP pha loãng với tỷ lệ 1 : 6.000.
Nhện đỏ
Có thể phun dung dịch 40%EC pha loãng với tỷ lệ 1 : 1.500 – 2.000, phun trực tiếp lên cây.
Trên đây là những thông tin và kiến thức chăm sóc cây cơ bản nhất. Hãy lưu ý kỹ để có thể vun trồng được một bụi nhài với vẻ đẹp tuyệt vời nhất bạn nhé!
Một số hình ảnh đẹp khác của hoa nhài