Thiên điểu – cái tên dân dã, quen thuộc với bao tín đồ yêu hoa, bạn hoa xinh đẹp này xuất hiện phổ biến ở nơi miền quê lẫn thành thị. Dù vậy, không phải ai cũng hiểu tường tận mọi thông tin về hoa cũng như cách trồng, chăm sóc sao cho thiên điểu cho hoa rực rỡ nhất. Vì mình vô cùng yêu loài hoa này nên bất cứ thông tin gì về thiên điểu mình cũng đều đọc qua, và thông qua bài viết này mình cũng muốn chia sẻ mọi điều mình biết đến các bạn để cùng hiểu rõ hơn về loài hoa vô cùng tỏa sáng này nhé! ^^.

Hình ảnh hoa thiên điểu
Hình ảnh hoa thiên điểu

Tên gọi và nơi phân bố của loài hoa thiên điểu

Hoa thiên điểu hay còn có tên gọi khác là hoa chim thiên đường, mình nghĩ cả hai cái tên này đều xuất phát từ lý do là hoa có hình dạng rất giống với loài chim thiên đường. Hoa có danh pháp khoa học Strelitzia reginae (theo ghi chép lại, tên khoa học của loài này là được đặt để tưởng nhớ Charlotte của Mecklenburg-Strelitz, vị hoàng hậu của vua George III của nước Anh), là một loài thực vật thuộc chi Thiên điểu, họ Chuối rẻ quạt. Loài hoa này có tên tiếng Anh là Crane Flower – nghĩa là hoa hạc tiên. Cây hoa thiên điểu hợp với khí hậu và điều kiện môi trường nhiệt đới, thoáng gió, nên phân bố nhiều ở miền nam châu Phi và cả châu Mỹ nhiệt đới, và đây cũng chính là nguồn gốc xuất xứ của hoa. Được biết, hoa được trồng lần đầu tiên trong vườn thực vật hoàng gia Nam Phi vào năm 1773.

Hiện nay, hoa thiên điểu đã được du nhập và lai tạo ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, loài hoa này rất được yêu quý, vừa được trồng nhiều trong sân vườn vừa là loài hoa trong các tác phẩm nghệ thuật, các lãng hoa, bó hoa độc đáo.

Hoa thiên điểu ngày nay xuất hiện phổ biến ở nhiều nơi
Hoa thiên điểu ngày nay xuất hiện phổ biến ở nhiều nơi

Đặc điểm thực vật của loài hoa thiên điểu

Cây hoa thiên điểu là loài cây thân thảo, thường phát triển thành từng bụi với bộ rễ chùm. Cây sống nhiều năm, mỗi cây thiên điểu trưởng thành đạt chiều cao khoảng 1 – 1,5m. Ở ngoài môi trường tự nhiên, nơi điều kiện khí hậu thuận lợi, cây có thể cao hơn 2m và cho hoa rực rỡ hầu như quanh năm.

Lá cây thiên điểu có phiến to, thường có hình bầu dục hoặc hình trứng thanh mảnh, lá có kích thước khá dài khoảng 25 – 70cm, rộng 10 – 30cm với cuống dài hơn nhiều loài cây khác (cuống lá dài gần đến 1m), mang màu xanh chắc khỏe, mặt lá nhẵn bóng. Thoạt nhìn, lá thiên điểu khá giống lá dong, nhưng nhỏ và cứng, dầy hơn. Lá cây xanh quanh năm, nhiều lá sẽ kết lại thành hình dạng quạt.

Bụi cây thiên điểu rực rỡ
Bụi cây thiên điểu rực rỡ

Hoa là phần rực rỡ và đặc biệt nhất của loài thiên điểu. Hoa mọc trên cuống dài, có bao hoa gần như vuông góc với thân cây, thoạt nhìn giống như đầu và mỏ chim. Sự sắp xếp này của hoa vô cùng độc đáo và khác lá, cứ như là tạo nên vị trí vững chắc có chim đậu để hút mật, thụ phấn vậy. Hoa thiên điểu bao gồm ba lá đài với màu da cam rực rỡ, ngoài ra còn có ba cánh hoa màu lam ánh tía bóng bẩy rất đẹp mắt, chính giữa là tràng hoa màu lam sẫm, có nhụy màu trắng. Bạn biết không, hai trong số ba cánh hoa của thiên điểu tạo nên một tuyến mật ở trong hoa đấy.

Hoa thiên điểu là nơi yêu thích của các loài chim
Hoa thiên điểu là nơi đậu yêu thích của các loài chim

Ý nghĩa của loài hoa thiên điểu

Hoa thiên điểu đẹp đẽ, cứng cáp, là loài hoa đại diện cho những điều cao quý, tốt đẹp. Bạn có biết rằng loài chim thiên đường được mệnh danh là vua của các loài chim. Loài chim mà phải dùng rất nhiều từ hoa mỹ để ca thán và từ lâu đã trở thành nền văn hóa của vùng đất Hawaii. Nhìn hình ảnh hoa như một chú chim thiên điểu vươn cánh bay cao, chính đặc điểm này mà người ta lấy thiên điểu là loài hoa đại diện cho sự tự do, phóng khoáng, cho một tinh thần lạc quan và đầy hy vọng, hoài bão vào tương lai.

Cũng chính hình ảnh mạnh mẽ, kiêu ngạo ấy. Hoa thiên điểu là hiện thân của hình ảnh một con người luôn kiên cường, hiên ngang vượt qua mọi thử thách, dù có khó khăn, thách thức họ vẫn luôn kiên định và bước tiếp, ngoan cường không bao giờ chịu khuất phục. 

Bên cạnh đó, sắc hoa rực rỡ của thiên điểu mang ý nghĩa của một tình yêu đẹp, tràn ngập tươi sáng và niềm hạnh phúc. Nếu để ý thì chúng mình có thể thấy, trong những bó hoa mà các đôi tình nhân dành tặng cho nhau thường có sự xuất hiện của thiên điểu. Bởi loài hoa này có đầy đủ hình dáng của loài chim và cành cây liền kề, như một lời ước hẹn một đời gắn bó bên nhau.

Thiên điểu mang những ý nghĩa đặc biệt
Thiên điểu mang những ý nghĩa đặc biệt

Công dụng của loài hoa thiên điểu

Hoa thiên điểu đẹp, mang nét mạnh mẽ, sang trọng nên rất được yêu quý, thường được trồng ở các sân vườn, lối đi, đặc biệt là các luống hoa nơi hàng quán, công cộng, khu dân cư,… Nếu để ý bạn sẽ thấy rằng không chỉ được trồng trong chậu, trồng làm cảnh đâu mà những cành hoa thiên điểu cứng cáp thường hay xuất hiện trong các bó hoa, đủ mọi dịp từ hoa cưới, hoa mừng khai trương, hoa các ngày lễ,… Phải nói là loài hoa này không chỉ đẹp mà còn mang những ý nghĩa và công dụng vô cùng tuyệt vời. 

Thiên điểu là loài hoa rực rỡ trong thế giới loài hoa
Thiên điểu là loài hoa rực rỡ trong thế giới loài hoa

Phương pháp nhân giống hoa thiên điểu

Nhìn sang trọng, yêu kiều vậy nên nhiều người cứ nghĩ rằng thiên điểu khó trồng, khó nhân giống. Nhưng thực ra không phải đâu nhé, loài này cũng không quá khó để nhân giống đâu. Thiên điểu thường được nhân giống bằng cách gieo hạt hoặc tách bụi.

Đối với phương pháp gieo hạt

Chúng ta có thể trồng thiên điểu quanh năm nhưng thời điểm thích hợp nhất để gieo hạt là khoảng thời gian cuối xuân (khoảng tháng 2, 3), khi tiết trời mát mẻ, độ ẩm trong không khí cao thích hợp cho hạt nảy mầm.

Để đảm bảo tỷ lệ hạt nảy mầm cao và kích hạt nhanh nảy mầm hơn, trước khi gieo bạn nên ngâm hạt vào hỗn hợp nước ấm với tỷ lệ 2 sôi : 3 lạnh, thời gian ngâm trong vòng 5 – 7 tiếng. Sau đó gieo hạt vào hỗn hợp đất đã chuẩn bị (cụ thể về yêu cầu đất trồng mình sẽ hướng dẫn bên dưới nhé), phủ thêm một lớp rơm rạ hoai mục hoặc lớp mùn lên trên, sau đó tưới phun sương ẩm đất là được.

Khoảng 2 – 3 tuần sau là hạt đã bắt đầu nảy mầm và phát triển rồi. Khi cây có hai lá mầm trở lên thì có thể bứng cây đem trồng vào chậu hoặc môi trường đất rộng hơn, lưu ý khi bứng cây nên lấy cả phần đất bao rễ, để cây ít bị tổn thương và phát triển tốt nhất bạn nhé. Khoảng 2 – 3 năm sau khi gieo hạt, cây sẽ cho lứa hoa đầu tiên.

Hoa thiên điểu khi nở thật rực rỡ
Hoa thiên điểu khi nở thật rực rỡ

Đối với phương pháp tách bụi

Đây là phương pháp nhân giống phổ biến nhất hiện nay đối với cây hoa thiên điểu. Bởi thời gian thực hiện nhanh cũng như cây được tách mang đi trồng đảm bảo có những đặc tính từ cây mẹ và phát triển rất nhanh. Mỗi năm thiên điểu có thể mọc ra từ 3 – 4 cây non, vì vậy bạn có thể sử dụng phương pháp tách bụi để nhân giống thiên điểu tốt hơn. Thời điểm thích hợp để tách bụi là vào mùa xuân hoặc mùa thu, khi tiết trời mát mẻ.

Khi chọn cây mẹ để tiến hành tách bụi, nên chọn những cây khỏe mạnh, bầu rễ chắc khỏe, thân, lá xanh mướt, không bị sâu bệnh hại. Tốt nhất là nên chọn những cây đã có khoảng 8 lá trở lên làm cây giống. Dùng dao sắc nhọn để tiến hành tách cây thiên điểu con từ bụi cây mẹ. Để kích thích rễ nhanh thích nghi và cho rễ mới, bạn nên ngâm cây vừa tách vào dung dịch kích thích rễ như IBA, NM3, Root2, Bimix super root, Root plex,trong khoảng 15 – 20 phút.

 Sau đó lấy cây ra khỏi chậu ngâm và đặt cây ở nơi thoáng mát trong khoảng 1 – 2 tiếng rồi mới mang đi trồng. Chỉ khoảng vài ngày sau là cây con đã thích ứng với môi trường mới và phát triển rất tốt rồi. Khoảng 6 tháng sau khi tách bụi mang đi trồng thì cây sẽ bước vào cho lứa hoa đầu điên.

Video tham khảo cách trồng hoa thiên điểu vào đất

Cách chăm sóc cây hoa thiên điểu

Về nước tưới

Thiên điểu là loài cây có khả năng chịu hạn khá tốt. Tần suất tưới nước trung bình cho cây khoảng 2 – 3 lần/ tuần. Khi vào mùa khô hạn thì nên cung cấp nhiều nước hơn để đảm bảo độ ẩm cho cây, có thể tưới mỗi ngày một lần vào buổi chiều mát. Mùa mưa khi đất đủ ẩm thì không cần cung cấp thêm nước. Đối với những cây con khi mới trồng thì bạn cần tưới nước thường xuyên hơn để cung cấp đủ ẩm cho cây sinh trưởng.

Về nhiệt độ

Thiên điểu có thể sống và phát triển trong nhiều môi trường với các nền nhiệt độ khác nhau, tuy nhiên nhiệt độ phù hợp nhất là ở khoảng 18 – 30 độ. Khi nhiệt độ quá cao, nắng quá gay gắt dễ làm cây bị cháy lá, khô héo èo ọt. Còn đối với nhiệt độ quá thấp làm cây chậm lớn, khó cho hoa. 

Về phân bón

Có thể nói dù vẻ đẹp sang trọng là vậy nhưng thiên điểu là loài hoa của mọi nhà, chúng thường xuất hiện trong vườn của mọi người từ thành thị đến miền quê. Như ở quê mình trồng thì ít khi bón phân cho hoa lắm, thỉnh thoảng chỉ bón ít phân chuồng hoai mục. Nếu có điều kiện thì hòa tan NPK với nước để tưới cho cây định kỳ 1 tháng 1 lần thôi mà cây vẫn phát triển rất tốt, cho hoa rực rỡ.

Còn nếu bạn muốn kích thích cây cho sai hoa, hoa đẹp và lâu tàn hơn thì vào giai đoạn cây ra nụ, nên sử dụng các loại phân bón có hàm lượng Kali cao hơn NPK 6-30-30, 15-5-20, đồng thời bổ sung thêm phân bón có photphat canxi như Super Canxi Nitrat, Super Kali,… để bón cho cây với tần suất 1 – 2 tuần/ lần. 

Về sâu bệnh hại

Hoa thiên điểu dù khỏe mạnh nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp một số loại sâu bệnh hại như rệp sáp, bọ hung, các sâu bệnh gây thối rễ. Nguyên nhân chủ yếu là do chăm sóc chưa đúng cách và môi trường trồng hoa chưa đảm bảo. Nếu chúng xuất hiện với số lượng ít thì bạn có thể bắt và loại bỏ các lá cành bị sâu bệnh hại, nhưng nếu sâu bọ xuất hiện với số lượng lớn thì nên sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật như Radiant, Confidor, Yamida, Movento,… để diệt trừ bạn nhé.

Một số hình ảnh chọn lọc của hoa thiên điểu

Hoa thiên điểu Hoa thiên điểu Hoa thiên điểu Hoa thiên điểu Hoa thiên điểu Hoa thiên điểu

Nguồn tham khảo thông tin:

1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Thiên_điểu

2. https://flowershop.com.vn/hoa-dep/y-nghia-hoa-thien-dieu/

3. https://khbvptr.vn/hoa-thien-dieu/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here