Chắc hẳn ai ai cũng từng một lần được nghe qua cái tên lan giả hạc. Đây là loài lan sang trọng, khá quý hiếm, đòi hỏi công sức và kỹ thuật chăm cây khá cầu kỳ. Thế nhưng vẫn được “dân chơi lan” săn đón vô cùng bởi vẻ đẹp mỹ miều, hương thơm quyến rũ mà loài hoa này mang lại.

Hình ảnh hoa lan giả hạc
Hình ảnh hoa lan giả hạc

Cùng tìm hiểu về tên gọi, địa điểm phân bố của lan giả hạc

Lan giả hạc còn có rất nhiều tên gọi khác như lan phi điệp, lưỡng giả hạc, lưỡng điểm hạc, tên nào cũng mỹ miều, đẹp tuyệt như chính sắc đẹp của loài hoa này vậy. Hoa có tên khoa học là Dendrobium anosmum. Là loài hoa thích hợp với khí hậu nhiệt đới nên cây đặc biệt xuất hiện nhiều ở các nước khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cây phân bố rải rác ở các khu rừng dọc khắp các tỉnh nước ta, đặc biệt tại các khu vực có khí hậu lạnh cùng độ ẩm cao như: Lâm Đồng, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,…

Ở các vùng núi tại các khu vực này, vào mỗi mùa hoa, lan giả hạc nở tím rộ cả góc rừng, tạo nên một khung cảnh vô cùng bắt mắt, đẹp xao xuyến lòng người.

Vậy lan giả hạc có các loại nào?

Lan giả hạc có vài loại cơ bản như sau, chúng được phân biệt chủ yếu qua màu sắc và đặc điểm hoa

Lan giả hạc tím

Lan giả hạc tím có thân cây màu trắng xám, trên thân thường xuất hiện nhiều vết loang lổ như bị nấm mốc. Thân có đường kính khoảng 0,5 – 1,5cm, có những đốm tím nhạt màu ở các nách lá của cây. Khi trồng lâu, thân cây già sẽ chuyển sang màu vàng nhẹ, nhiều đoạn bị khô và teo tóp lại, đây là đặc điểm bình thường trong quá trình sinh trưởng của cây bạn nhé.

Lá của lan giả hạc tím thường mọc so le, có màu xanh lục bóng, đường kính khoảng 3 – 6cm và chiều dài khoảng 5 – 10cm. Loại này có 2 loại lá là lá tròn và lá dài tùy thuộc điều kiện khí hậu cũng như phiên bản lai tạo của cây.

Hoa giả hạc tím có màu tím trắng nhẹ nhàng, phần trong thì mang màu tím sim đặc trưng, trên cánh hoa có nhiều lông tơ mịn màng, các cánh ở ngoài mang màu hồng tím phớt nhẹ. Hoa thường nở vào khoảng thời gian tháng 4 – tháng 6 hàng năm, hoa nở khoảng 2 – 3 tuần là bắt đầu tàn, khi hoa nở cho hương thơm ngào ngạt và lan rất xa, có thể thu hút và quyến rũ bất kỳ ai.

Hoa lan giả hạc tím
Hoa lan giả hạc tím

Lan giả hạc vàng

Thân cây giả hạc vàng có màu xanh chắc khỏe, căng bóng, ít bị sâu bệnh hại. Thân dài trung bình khoảng 50 – 150cm, kích thước gần bằng một ngón tay trỏ của người trưởng thành. Lá cây xanh bóng, mọc so le với nhau, thuôn dài tựa như lá tre vậy.

Đúng như cái tên thì chắc chắn hoa này có màu vàng, cánh hoa tròn và hơi cong, thoạt nhìn giống hoa mai. Ở giữa có cụm đốm nhỏ màu tím đỏ hoặc nâu, có lớp lông tơ mềm mịn. Khi hoa nở, sắc vàng đỏ của hoa, sắc xanh mướt của lá kết hợp với nhau tạo nên một vẻ đẹp hòa hợp và rực rỡ vô cùng.

Hoa giả hạc vàng thường nở vào khoảng cuối hè đầu thu, khoảng tháng 7 – tháng 9 hằng năm. Khi nở hoa cũng có hương thơm nhẹ, tuy nhiên chúng không thơm ngào ngạt bằng giả hạc tím đâu nhé.

Cũng giống như các loại giả hạc khác, cây thường mọc và bám vào những thân cây gỗ lớn để lấy chất dinh dưỡng cũng như làm giá thể để cây leo bám.

Hoa lan giả hạc vàng
Hoa lan giả hạc vàng

Lan giả hạc năm cánh trắng

Đây là một loài lan khá hiếm. Thân cây mang màu xanh đậm, thường có các bẹ màu xám trắng bọc quanh thân, trên thân chia thành các đốt giống như đốt ngón tay con người vậy. Cây có thể phát triển dài đến 1 – 2m.

Hoa lan giả hạc trắng có môi hoa màu tím nhung, có các lông tơ mềm mịn, xung quanh là các cánh hoa trắng ngần, mọc dài và hơi cong ở đầu cánh. Tương tự như giả hạc tím, khi nở, hoa lan giả hạc năm cánh cho mùi hương nhẹ nhàng, thoang thoảng trong khắp không khí.

Hoa lan giả hạc năm cánh trắng
Hoa lan giả hạc năm cánh trắng

Lan giả hạc đột biến

Chắc hẳn các bạn cũng từng nghe qua cái tên này rồi đúng không nào ^^. Lan giả hạc đột biến là loài hoa cực kỳ quý hiếm và rất được săn lùng. Chắc là bạn cũng từng nghe những giò lan giả hạc đột biến lên tới hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Lý do bởi thú vui khi thích săn lùng hàng hiếm của người chơi lan, cũng bởi vẻ đẹp độc lạ của chúng.

Hoa lan giả hạc có hơi hướng giống lan giả hạc năm cánh, cũng có 5 cánh trắng ngần, tuy nhiên khác ở phần môi hoa, môi hoa đột biến cũng thường mang một màu trắng như tuyết, chứ không phải là các đốm tím. Môi hoa cũng có nhung tơ mềm mịn, nhìn rất thu hút. Đây chỉ là loại đột biến thường xuất hiện nhất, tuy nhiên đôi lúc sẽ xuất hiện các loại lan giả hạc đột biến khác, và tỷ lệ rất hiếm trên thị trường. 

Minh họa lan giả hạc trắng ngần cả hoa
Minh họa lan giả hạc trắng ngần cả hoa

Cách trồng lan giả hạc như thế nào? 

Nhắc đến lan thì chúng ta cũng biết chúng khó trồng, khó chăm sóc thế nào rồi đúng không, lan giả hạc cũng vậy, đặc biệt đây là loài quen sống trong các khu rừng nên khi trồng trong sân vườn thì phải khá lâu chúng mới thích ứng lại được với điều kiện môi trường và bắt đầu cho hoa rực rỡ.

Thời gian trồng lan giả hạc thích hợp nhất là vào mùa xuân, khi tiết trời mát mẻ và độ ẩm cao.

Phương pháp nhân giống lan giả hạc phổ biến nhất là tách giả hành để trồng. Khi chia giả hành để trồng thì bạn nên tách riêng từng cây ra để có thể nhân giống được nhiều nhất, tuy nhiên đối với những cây chỉ mới ít tháng tuổi hoặc 1, 2 năm tuổi thì bạn có thể để nhiều cây dính vào nhau, để đảm bảo giả hành con có thể mọc và phát triển tốt.

Sau khi tách giả hạc xong thì tỉa bớt rễ già, các phần bị héo úa, gãy, tổn thương hoặc có dấu hiệu mắc bệnh.

Để giúp cây phát triển tốt thì bước tiếp theo cần ngâm cây vào dung dịch nước pha loãng Physan 20 (tỷ lệ 20ml chất : 1 lít nước). Ngâm trong vòng khoảng 10 phút thì bạn có thể vớt ra và để ráo nước. Điều này nhằm cung cấp thêm chất dinh dưỡng, giúp các mắt ngủ có đủ sức để phát triển và nuôi cây con.

Các giá thể lan giả hạc
Các giá thể lan giả hạc xanh tốt

Chuẩn bị giá thể trồng lan

Để trồng được lan giả hạc thì phần chuẩn bị giá thể trồng cũng quan trọng không kém. Giá thể trồng lan nên là những ván gỗ hoặc các chậu đất nung có lỗ thoát nước, chậu làm từ vỏ dừa,… Về hỗn hợp đất trồng, bạn nên trộn đất với xơ dừa, tro trấu, lục bình hoặc than vụn,… nếu có thời gian thì có thể ủ từ 5 – 10 ngày để tăng thêm dinh dưỡng cho đất. Ở nhà mình, bố mẹ mình cũng trồng vài giò lan giả hạc, có cây trồng trên ván gỗ, có cây trồng trong chậu. Theo quan sát cá nhân thì mình thấy đóng vào ván gỗ thì khi phát triển cây sẽ thòng dài, hoa nở cũng lơ lửng dài xuống không gian trông đẹp mắt hơn. Tuy nhiên sẽ có bất tiện là không thể làm dung dịch đất, có thể không đảm bảo dinh dưỡng cho cây nên bạn cân nhắc nhé. Nếu vườn nhà bạn có những cây thân gỗ lớn thì các bạn cũng có thể cố định giả hạc vào các thân cây đó luôn nhé, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa đủ dinh dưỡng cho cây phát triển, là sự kết hợp tuyệt vời luôn ^^.

Khi trồng trên ván gỗ thì bạn cần cố định rễ thật chắc vào phần ván nhé, có thể dùng thép, đinh nhỏ để cố định chắc chắn (đính phần rễ vào chặt với ván gỗ) để tránh cây bị lung lay hay rơi khi gió lớn. Còn trồng trong chậu thì cũng nên nén chặt phần rễ để tránh cây bị ngả nghiêng nhé.

Video tham khảo cách trồng lan giả hạc

Một số điểm cần lưu ý khi chăm sóc lan giả hạc

Những điểm này mình rút ra được từ thực tế chăm lan của nhà mình nhé. Nếu bạn nào có tips hay hơn thì chia sẻ cho mọi người cùng biết nha :>>

Về ánh sáng, nước tưới

Lan giả hạc cũng như bao loài hoa lan khác, không chịu được nắng quá gắt nên bạn nên trồng cây ở môi trường bóng râm, nếu trồng cố định dưới những tán cây bóng mát thì tuyệt vời. Còn nếu phải trồng cây ở vườn ngoài nắng thì nên làm lưới che cho lan nhé, điều này vừa tránh nắng vừa tránh mưa nặng hạt làm lan ngập úng.

Cây cần lượng nước khá nhiều, vào những mùa thời tiết mát mẻ hoặc có mưa, bạn có thể tưới 2 – 3 lần/ tuần. Tuy nhiên vào những ngày hè tiết trời nắng gắt thì nên tưới hằng ngày cho cây đủ độ ẩm nha. Mình ở miền Trung, mùa hè hanh khô nắng gắt nên vườn lan nhà mình luôn được tưới 2 lần/ ngày để đảm bảo cây không bị khô héo, khi tưới thì dùng bình phun sương hoặc vòi tưới lỗ nhỏ để tránh cây bị ngập úng.

Về phân bón

Khi mới trồng lên giá thể bạn có thể phun dung dịch các loại phân kích rễ như Terra Sorb 4 hoặc N3M để giúp cây đủ chất ra rễ nhanh nhất. Khi cây đã phát triển ổn định thì bạn có thể phun cung cấp các hoạt chất cung cấp thêm dinh dưỡng, bón phân hữu cơ tan chậm cho cây, tần suất 1 – 2 lần/ tháng. Ngoài ra, nên thường xuyên bổ sung thêm lục bình mới, than, vỏ trấu vào giá thể để môi trường đất trồng luôn đủ dinh dưỡng nuôi cây nhé.

Về sâu bệnh hại

Dù lan giả hạc khỏe mạnh, mọc xanh rì chắc khỏe nhưng đôi lúc vẫn gặp một số loại sâu bệnh hại như rầy, bọ trĩ, rệp non. Bạn có thể phòng ngừa bằng cách phun dung dịch nước vôi trong cho cây. Cụ thể, sử dụng một lượng vôi bằng ngón tay cái pha với 1,5 lít nước. Sau đó, chờ tới khi nào nước đã trong rồi lấy phần nước đó phun vào giá thể. Tần suất phun khoảng 1 – 2 lần/ tháng. Điều này ngoài phòng trừ sâu bệnh hại còn giúp cây phát triển cứng cáp và diệt khuẩn tốt hơn. Ngoài ra có một số loại thuốc chuyên dụng phòng trừ từng loại sâu bệnh như sau: Các loại thuốc phòng trừ nấm như Ridomil Gold, Antracol, Aliette, TopsinM, Daconil,…; Các loại thuốc diệt vi khuẩn gồm Kasumin, Poner, Starner, Physan, Mathian,…

Video tham khảo cách chăm sóc lan giả hạc

Ai ai cũng biết chơi lan là một quá trình đòi hỏi sự chăm chút và đặt cả tâm vào để chăm cây. Dù cực khổ thế nhưng khi những giò lan cho hoa rực rỡ cũng là lúc công sức của người chăm được đền bù xứng đáng. Thế nên nếu bạn đang đam mê chơi lan thì đừng ngần ngại nhé, mọi công sức sẽ có quả ngọt thôi. Chúc bạn may mắn ^^.

Một số hình ảnh chọn lọc của lan giả hạc

Hoa lan giả hạc Hoa lan giả hạc Hoa lan giả hạc Hoa lan giả hạc Hoa lan giả hạc Hoa lan giả hạc Hoa lan giả hạc Hoa lan giả hạc

Nguồn tham khảo thông tin:

(1) https://mygarden.vn/1001-dieu-can-biet-ve-hoa-lan-gia-hac/

(2) https://hellohoa.com/lan-phi-diep/

(3) https://hoadepviet.com/lan-gia-hac/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here