Trong thế giới hoa lan, phải nói rằng giáng hương là một trong những loài có nhiều giống nhất. Dù là dòng giáng hương nào đi chăng nữa, chúng vẫn mang một đặc điểm chung là sắc hoa rực rỡ, hương thơm nhẹ nhàng, làm say mê mọi ánh nhìn. Nhà mình chỉ có một chậu giáng hương nhỏ đặt ngay sảnh thôi, mà ai đến thăm nhà cũng ngắm nhìn say sưa rồi khen lấy khen để ^^.

Tên gọi và phân bố của lan giáng hương
Lan giáng hương có tên khoa học là Aerides, được biết hoa có nguồn gốc từ các nước nhiệt đới khu vực Đông Nam Á. Chúng phân bố nhiều và phát triển mạnh mẽ nhất ở những khu rừng nhiệt đới ẩm rậm rạp. Ở nước ta, loài lan này phân bố rộng khắp cả nước, đặc biệt tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Đặc điểm hoa lan giáng hương
Lan giáng hương có chiều cao trung bình khoảng 20 – 35cm, đa số các dòng lan thuộc loài lan giáng hương đều là dòng lan đơn thân. Giáng hương có lá dày và khá dài, màu lá xanh tươi, mặt lá nhẵn bóng. Có hai loại lá tiêu biểu là lá xếp và lá lướt, lá xếp thường dày hơn lá lướt, xếp đều dọc thân cây. Trong khi đó lá lướt mỏng hơn, trông có vẻ mềm mại hơn, dễ uốn cong và dễ bị rách.
Hoa lan giáng hương thường mọc thành chùm, buông rủ hướng xuống dưới đất. Tùy dòng lan mà sẽ có đặc điểm hoa riêng biệt, nhưng những đặc tính nổi bật chung của hoa là lan giáng hương có kích thước khá nhỏ, màu sắc hoa nhẹ nhàng, hương thơm dịu dàng và thời gian nở của hoa khá lâu, có dòng lan nở hoa kéo dài cả năm. Dù mỗi dòng lan có những đặc trưng riêng biệt nhưng tất cả chúng đều có vẻ đẹp thu hút, hương thơm quyến rũ có thể mê hoặc bất kỳ ai ngắm nhìn.
Phải nói lan giáng hương là một trong những loài lan có nhiều dòng loại nhất. Theo thống kê, trên thế giới hiện nay có khoảng 20 loại khác nhau, tại Việt Nam thì xuất hiện khoảng 8 loại. Ở bài viết này, mình cũng sẽ giới thiệu cụ thể hơn về 8 dòng lan này để các bạn hiểu rõ hơn và phân biệt được khi bắt gặp nhé!
Giáng xuân: Hoa lan giáng xuân có tên khoa học là Aerides crassifolia, phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, nhiều nhất ở các tỉnh Tây Nguyên, nơi có nhiệt độ se lạnh quanh năm như Lâm Đồng, Daklak,… Giáng xuân có đặc điểm là lá dày, cứng cáp và thường xòe đều ra hai bên. Hoa nở thành chùm dài, mỗi cành hoa có chiều dài trung bình khoảng 15 – 30cm, mỗi hoa to 3 – 4cm. Hoa lan giáng xuân thường nở vào mùa xuân và mùa hè hằng năm. Mỗi mùa hoa nở, hương thơm nhẹ nhàng lan tỏa khắp không gian, và đặc biệt hoa lan giáng hương rất lâu tàn.

Giáng hương quế: Hoa có tên khoa học là Aerides falcata lindl. Tương tự như giáng xuân, dòng lan này thường được tìm thấy ở các khu vực có nền nhiệt thấp, như các vùng cao nguyên miền Bắc và các tỉnh cao Tây Nguyên. Giáng hương quế có lá màu xanh đậm, mặt lá nhẵn bóng, dài khoảng 40 – 60cm. Hoa nở thành từng cành dài, mỗi chùm hoa dài khoảng 25 – 50cm, mỗi cành có từ 15 đến 30 hoa và thường nở từ đầu xuân đến giữa mùa hè.

Giáng hương môi quạt: Loại hoa này có tên khoa học là Aerides flabellata Rolfe, xuất hiện phổ biến nhất ở các tỉnh miền núi như Lai Châu, Sơn La,… Đặc điểm của cây là lá xòe đều ra hai bên hình chữ V như cánh quạt, mỗi lá dài khoảng 12 – 17cm, bề ngang từ 2 – 4cm. Hoa mọc thành chùm rủ dài xuống với chiều dài khoảng 10 – 25cm, kích thước hoa khá nhỏ, sắc hoa mang màu nâu tươi, có môi nhỏ màu vàng, tròn và hơi cong ra phía trước. Có những dòng có cánh màu tím trước môi hoa, trông hình dáng hoa vô cùng bắt mắt. Giáng hương môi quạt thường nở vào mùa xuân hằng năm.

Giáng hương quế nâu: Dòng quế nâu có tên khoa học là Aerides houlletiana, phân bố rộng khắp các tỉnh thành nước ta. Thân lan dài khoảng 25 – 60cm. Lá xanh tươi tốt, phải nói dòng này có kích thước khá to, lá cũng vậy, lá thường dài khoảng 20 – 40cm, bề ngang 2 – 4cm. Hoa nở thành chùm kéo dài 30 – 40cm, mỗi cành có từ 15 – 30 hoa. Hoa giáng hương quế nâu thường có các màu tiêu biểu như vàng, hồng hoặc tím, có mùi thơm thoảng nhẹ như mùi cam. Hoa nở vào mùa xuân và kéo dài đến hết cả mùa hè.

Giáng hương sóc lào: Sóc lào mang tên khoa học là Aerides multiflora Roxbury. Dòng này phân bố rải rác ở nước ta, xuất hiện nhiều nhất ở Dak Lak, Dak Nông. Lá cây dài và cong, cây thường nở nhiều hoa, hoa mọc san sát nhau. Màu sắc của hoa thường là màu hồng nhạt, có chấm trên các cánh hoa, trên đỉnh hoa có màu tím. Giống các loại khác thuộc loài giáng hương, hoa thường nở vào mùa hè hằng năm.

Quế lan hương: Hoa có tên khoa học là Aerides odorata. Lan được tìm thấy ở khắp các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam nước ta. Thân cây dài khoảng 20 – 40cm, lá nhẵn bóng với màu xanh tươi tốt. Hoa lan quế hương có màu trắng, viền tím, môi hoa cuộn tròn trông rất cuốn hút. Chắc có lẽ các bạn từng nghe qua rất nhiều loại có tên tương tự quế lan hương, mình xin lưu ý thêm là dòng này có rất nhiều loại nhỏ hơn nữa trong đó nhé, tiêu biểu có Aerides odorata var alba (Giáng hương bạch nhạn), Aerides odorata var micholitzii hay Aerides odorata var rosea (Giáng hương hồng nhạn).

Giáng hương đuôi cáo: Loài này thì hôm trước mình có viết riêng hẳn một bài rồi, nếu quan tâm các bạn có thể tìm đọc nhé. Hoa có tên khoa học là Aerides rosea. Lan phân bố rộng khắp các tỉnh nước ta, có thân ngắn, lá cứng, chùm chùm hoa dài với chi chít hoa trên cành, cánh hoa dày và có hương thơm nhẹ nhàng.

Giáng thu: Đây là một loại lan thuộc loài giáng hương xuất hiện phổ biến ở nước ta. Lan có tên khoa học là Aerides rubescens. Đây là dòng lan có kích thước khá nhỏ, hoa có sắc màu hồng tím. Hoa thường nở vào cuối xuân, mùa hè và kéo dài sang đến tận mùa thu.

Ý nghĩa hoa lan giáng hương
Ngoài vẻ đẹp dịu dàng, hương thơm nhẹ nhàng nên được ưa chuộng trồng làm cảnh gia tăng vẻ đẹp cho khuôn viên thì hoa lan giáng hương còn mang những ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Với sắc hoa đẹp yêu kiều, màu sắc tươi tắn, hoa mang ý nghĩa của sự tích cực, mang những niềm may mắn, an lành và tài lộc đến cho gia đình gia chủ.

- Hoa Rum – Loài hoa thủy vu mang nét đẹp sang trọng, độc đáo
- Hoa son môi – Loài hoa mang sắc đỏ may mắn rất dễ nhân giống
Cách trồng hoa lan giáng hương
Vì là dòng lan đơn thân nên chúng ta khó có thể tự nhân giống hoa này. Nhưng may mắn, trên thị trường hiện nay có bán đầy đủ các loại của lan giáng hương với giá cả vô cùng hợp lý. Khi chọn lan giống, cần chọn những cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại, thân và lá chắc khỏe, xanh mướt.
Sau khi mua cây giống về, bạn tiến hành làm sạch thân và rễ của cây bằng nước. Để cây phát triển khỏe mạnh, nên dùng kéo cắt bỏ đi những phần rễ già, hư hỏng và chỉ giữ lại những phần rễ khỏe mạnh. Để phòng trừ sâu bệnh hại có ở cây giống, nên ngâm phần rễ vào dung dịch Physan sát khuẩn trong 1 giờ, sau đó vớt ra để ráo khô. Một ngày sau, tiếp tục ngâm giáng hương vào hỗn hợp NPK hòa với 4 lít nước ngâm trong nửa ngày. Sau đó vớt lan ra để ráo khoảng 1 – 2 ngày là có thể tiến hành đem đi trồng.
Lan giáng hương có thể trồng trong hai môi trường là trồng trong những chậu đất nung có lỗ thoát nước hoặc ghép giáng hương trực tiếp vào thân cây, các thân gỗ.

Đối với trồng lan giáng hương vào chậu
Hỗn hợp giá thể trồng có thể bao gồm gỗ vụn, than, tro trấu, xơ dừa,… Khi trồng nên đặt gốc cây sát vào đáy chậu và lưu ý xếp sao cho các phần rễ dài bên dưới uốn quanh viền thành chậu, như vậy rễ sẽ dễ thích nghi và phát triển tốt hơn. Xếp rễ sau đó và tiến hành cho hỗn hợp giá thể trồng vào, cố định cây thật chặt. Sau khi trồng xong nên treo chậu lan vào chỗ thoáng mát và tưới nước phun sương cho cây ngày 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều mát. Khoảng 2 – 3 tuần là cây đã thích nghi được với môi trường mới và bắt đầu xanh tốt trở lại rồi.
Đối với ghép lan giáng hương vào gỗ
Đối với việc chọn giá thể, ngoài việc ghép lan trực tiếp vào thân cây, bạn có thể ghép lan vào các khúc gỗ đã cưa xẻ, ưu tiên lấy gỗ từ cây nhãn, vú sữa, xoan đào,… hoặc gỗ lũa bởi các cây này có lớp vỏ dày xốp rất thuận lợi cho sự sinh trưởng của lan. Lan giáng hương có đặc tính rễ dài nên cách trồng khá đơn giản, bạn chỉ cần quấn rễ quanh thanh gỗ, sau đó cố định chắc chắn lại và treo nơi thoáng mát là được. Lưu ý khi thao tác cần thực hiện nhẹ nhàng, cẩn thận tránh làm đứt rễ hoặc tổn thương đến rễ các bạn nhé.
Video tham khảo cách ghép lan giáng hương vào gỗ lũa
Cách chăm sóc lan giáng hương
Về nước tưới
Lan giáng hương có nhu cầu nước trung bình, bạn nên tưới nước cho cây 2 lần/ ngày vào buổi sáng sớm và chiều muộn. Lưu ý khi tưới nên dùng bình phun sương, tránh tưới quá mạnh làm tổn thương cây nhé. Khi trồng lan trên giá thể thì dễ dàng quan sát hơn, khi thấy giá thể khô thì tưới nước cho cây ngay.
Về ánh sáng
Hoa lan giáng hương ưa sáng, cũng có thể sống ở bóng râm. Nhưng nếu muốn cây xanh tốt, cho sai hoa và hoa đậm màu, thơm ngát thì nên trồng lan ở nơi ánh sáng bán phần hoặc dưới trời nắng nhưng có lưới che lan.
Về phân bón
Loại phân bón thường dùng cho lan là NPK. Để kích thích cây nhanh ra và sai hoa thì có thể bón NPK 10-30-10 với tần suất 2 tuần 1 lần trước và trong mùa ra hoa. Sau khi hoa tàn thì tiếp tục dùng NPK 30-10-10 hoặc 20-20-20 để giúp cây phục hồi lại và nhanh phát triển cho mùa hoa mới.
Video tham khảo cách trồng và chăm sóc lan
Một số hình ảnh đẹp khác của lan giáng hương
Nguồn tham khảo thông tin:
1. https://khbvptr.vn/lan-giang-huong/
2. https://ngoctuonggroup.com/tin-tuc/hoa-phong-lan/phan-loai-va-cach-trong-lan-giang-huong-viet-nam/