Đối với những tín đồ yêu lan thì chắc hẳn ai cũng phải say mê, ngẩn ngơ khi nhắc đến dòng lan phi điệp. Bởi hoa đâu chỉ đẹp, mà còn thơm và mang những đặc điểm, ý nghĩa đặc trưng nữa nên không ai có thể làm ngơ được trước loài lan này <3.

Giới thiệu những thông tin chung nhất về lan phi điệp tím
Lan phi điệp tím là một loài lan thuộc dòng lan Hoàng Thảo. Hoa có nhiều tên gọi khác như giả hạc tím, lưỡng điểm hạc tím và có tên khoa học là Dendrobium Anosmum.
Hoa lan phi điệp tím sinh trưởng và phát triển rất tốt ở môi trường nhiệt đới, do đó cây xuất hiện khá nhiều ở các nước có điều kiện khí hậu này, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trong đó phải kể đến Việt Nam.

Mình mô tả chung một số nét về đặc điểm hình thái của loài lan này nhé.
Lan phi điệp tím có thân rất dài, có những cây có thể dài đến hơn 1,5m, thường mọc buông xuống mặt đất, nếu trồng với số lượng nhiều trông hệt như những màn che với sắc xanh – tím xen lẫn vậy. Thân cây có màu trắng xám, trên thân thường xuất hiện nhiều vết loang lổ như bị nấm mốc, trên thân tơ thường có các chấm tròn nhỏ màu tím nhạt, tập trung ở vùng nách lá của cây, trông độc đáo vô cùng. Thân có đường kính khoảng 0,5 – 1,5cm. Khi trồng lâu, thân cây già sẽ chuyển sang màu vàng nhẹ, nhiều đoạn bị khô và teo tóp lại, đây là đặc điểm bình thường trong quá trình sinh trưởng của cây, nếu thấy điều này bạn không cần lo lắng đâu nhé.
Lá của lan phi điệp tím thường mọc so le, mọc dày đặc từ đầu thân đến cuối thân. Lá có màu xanh lục bóng, đường kính khoảng 3 – 6cm và chiều dài khoảng 5 – 10cm. Loại này có 2 loại lá là lá tròn và lá dài tùy thuộc điều kiện khí hậu cũng như phiên bản lai tạo của cây.

Khi lá cây rụng dần để đón mùa hoa ra nụ, thân cây sẽ chuyển sang màu trắng xám nhạt nhòa và có các đốm đen loang lổ như bị lên mốc.
Phần rực rỡ nhất và cũng được nhiều người say mê nhất chính là hoa lan phi điệp tím. Hoa có màu tím pha trắng nhẹ nhàng, ở chính giữa hoa có đốm trong mang màu tím sim đậm đà đặc trưng, trên cánh hoa có nhiều lông tơ mịn màng, hoa thường có màu nhạt dần ở các đầu cánh hoa. Hoa lan phi điệp tím thường nở vào mùa hè, mỗi đợt hoa nở khoảng nửa tháng đến một tháng. Khi nở rộ, hoa cho hương thơm ngào ngạt và lan rất xa, mùi hương của hoa rất “nịnh mũi”.

Có một điểm khá đặc biệt và mang nét riêng của lan phi điệp đó là tùy vào điều kiện sống của mỗi vùng miền mà hoa có kích thước, màu sắc và hình dáng khác nhau,… Nhưng phải nói là màu hoa nào cũng đẹp và hoa luôn cho hương rất dịu dàng.
Ý nghĩa của loài lan phi điệp tím
Phải nói nhìn vào lan phi điệp tím là sẽ thấy ngay sự thanh cao, quyền quý toát ra từ loài hoa này. Chẳng biết vì sao nữa, mình chỉ có cảm nhận riêng là như vậy. Bất ngờ hơn khi mình tìm hiểu về ý nghĩa của loài hoa này, đúng như những gì mình cảm nhận được, lan phi điệp tím được xem như là biểu tượng của sự ngưỡng mộ, cho những phẩm giá tốt đẹp và sự cao cả trong mỗi con người. Vì vẻ đẹp hút hồn và ý nghĩa tốt đẹp này, hoa rất được ưa chuộng để chọn làm hoa tặng cho bạn bè, người thân, đối tác trong những dịp đặc biệt.
Nhà mình cũng có vườn lan phi điệp, mỗi khi bố mẹ mình rảnh là lại ra vườn, tưới cây rồi ngắm cây, cứ vậy mà ở vườn lan suốt ấy. Bố mẹ bảo ở vườn phi điệp ngắm cây, chăm cây mà thấy tinh thần thoải mái lắm, sắc hoa và hương hoa làm tinh thần tốt hơn hẳn.

Phương pháp trồng hoa lan phi điệp tím
Giới thiệu hồi lâu thì đây chắc là phần các tín đồ yêu hoa quan tâm nhất rồi nhỉ :)).
Nói chung về lan thì ai cũng phải thừa nhận rằng đây là họ khá khó trồng, nên khi trồng và chăm sóc phải lưu ý nhiều lắm. Ở bài này mình hướng dẫn chi tiết cho các bạn cách trồng và chăm sóc nhé, chỉ hy vọng các bạn thành công ^^.
Về phương pháp nhân giống
Phương pháp nhân giống lan phi điệp tím phổ biến nhất hiện nay là tách giả hành để trồng. Khi chia giả hành để trồng thì bạn nên tách riêng từng cây ra để có thể nhân giống được nhiều nhất, nhưng đối với những cây quá nhỏ hoặc tuổi đời còn thấp thì tách cụm 2 – 3 cây bạn nhé, để đảm bảo giả hành con có thể mọc và phát triển tốt.
Sau khi tách giả hạc xong thì bạn cần tỉa bớt rễ già, các phần bị héo úa, bị tổn thương hoặc có dấu hiệu mắc bệnh, nhằm đảm bảo cây con phát triển tốt nhất nhé.
Để giúp cây phát triển tốt thì sau khi tách bụi bạn cần ngâm cây vào dung dịch kích rễ, có thể pha loãng nước với Physan 20 (tỷ lệ 20ml chất : 1 lít nước). Ngâm trong vòng khoảng 15 – 20 phút thì vớt ra và để ráo nước. Điều này nhằm cung cấp thêm chất dinh dưỡng, giúp các mắt ngủ có đủ sức để phát triển và nuôi cây con.

Chuẩn bị giá thể trồng lan
Giá thể trồng lan phi điệp tím nên là những khúc gỗ hoặc các chậu đất nung có lỗ thoát nước, hoặc chậu làm từ vỏ thông, vỏ dừa,…
Về hỗn hợp đất trồng, bạn nên trộn đất với xơ dừa, tro trấu, lục bình hoặc than vụn,… tốt nhất là nên ủ trước đó từ 5 – 10 ngày để chất dinh dưỡng được phát huy tối ưu. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình thì đối với phi điệp, mình thấy ghép cây vào ván gỗ cây sẽ đẹp hơn rất nhiều, hơn nữa khi phát triển cây sẽ thòng dài, hoa nở lơ lửng dài xuống không gian trông đẹp mắt hơn. Tuy nhiên sẽ có bất tiện là không thể làm dung dịch đất, có thể không đảm bảo dinh dưỡng cho cây nên bạn cân nhắc nhé. Nếu vườn nhà bạn có những cây thân gỗ lớn thì các bạn cũng có thể cố định lan vào các thân cây đó luôn nhé, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa đủ dinh dưỡng cho cây phát triển, một công vẹn cả đôi đường :>>
Khi trồng trên ván gỗ thì bạn cần cố định rễ thật chắc vào phần gỗ nhé, có thể dùng thép, đinh nhỏ để cố định chắc chắn, tránh cây bị lung lay hoặc rơi rụng khi gió lớn. Còn trồng trong chậu thì cũng nên nén chặt phần rễ để tránh cây bị nghiêng ngả, bật gốc.
Video tham khảo cách ghép lan phi điệp
Cách chăm sóc hoa lan phi điệp tím
Về ánh sáng, nước tưới
Vì quen sống trong các môi trường rừng rậm nhiệt đới, ẩm ướt quanh năm nên lan phi điệp tím không chịu được môi trường nắng nóng gay gắt, tốt nhất là trồng cây dưới môi trường bóng râm, nếu trồng ngoài trời thì nên làm lưới che, vừa tránh nắng vừa tránh mưa nặng hạt làm lan ngập úng.
Lan phi điệp tím cần lượng nước khá nhiều, nên tưới cho cây với tần suất 2 lần/ ngày vào buổi sáng và chiều tối, tránh tưới vào buổi trưa làm cây dễ khô héo. Vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt hơn thì có thể tưới 3 – 4 lần/ tuần là được.
Về phân bón
Khi mới tách bụi và đem đi trồng, nên phun bổ sung các chất kích rễ, giúp cây nhanh ổn định và phát triển tốt như Terra Sorb 4 hoặc N3M. Khi cây đã phát triển ổn định thì bạn có thể phun cung cấp các hoạt chất dinh dưỡng, bón phân hữu cơ tan chậm cho cây, tần suất 1 – 2 lần/ tháng. Ngoài ra, nên thường xuyên bổ sung thêm than vụn, tro trấu vào giá thể trồng để môi trường đất luôn được cải tạo, đầy đủ dinh dưỡng.
Về sâu bệnh hại
Nhìn phi điệp tím xanh khỏe vậy thôi chứ đôi lúc vẫn gặp một số loại sâu bệnh hại như rầy, bọ trĩ, rệp non. Bạn có thể phòng ngừa bằng cách phun dung dịch nước vôi trong cho cây. Cụ thể, sử dụng một lượng vôi bằng ngón tay cái pha với 1,5 lít nước. Sau đó, chờ tới khi nào nước đã trong rồi thì lọc lấy phần nước đó phun vào giá thể. Tần suất phun khoảng 1 – 2 lần/ tháng. Điều này ngoài phòng trừ sâu bệnh hại còn giúp cây phát triển cứng cáp và diệt khuẩn tốt hơn. Ngoài ra có một số loại thuốc chuyên dụng phòng trừ từng loại sâu bệnh như: Ridomil Gold, Antracol, Aliette, TopsinM, Daconil,… (dùng để phòng trừ các loại nấm trên cây); Kasumin, Poner, Starner, Physan, Mathian,… (dùng để diệt khuẩn và sâu bệnh hại).
Video tham khảo cách chăm sóc lan phi điệp tím
Một số hình ảnh chọn lọc của lan phi điệp tím
Nguồn tham khảo thông tin: