Lan vảy rồng không chỉ có cái tên uy nguy mà hương, sắc đều vẹn toàn. Hoa lan vảy rồng mang màu vàng tươi, tràn đầy nhựa sống. Giữa vườn lan nhà mình có hai giá thể lan vảy rồng, tuy chỉ có hai cây thôi nhưng đến mỗi mùa hoa, lan nở rực làm bừng sáng cả không gian, phải nói là lấn át đi sắc tím của lan phi điệp, sắc trắng tinh khôi của lan giả hạc luôn ấy. Hơn nữa cây còn có hương thơm nhẹ nhàng nữa nên mình yêu loài lan này lắm ^^.

Hình ảnh hoa lan vảy rồng
Hình ảnh hoa lan vảy rồng

Tên gọi và phân bố của loài lan vảy rồng

Hoa lan vảy rồng, hay còn có tên gọi khác là lan vảy cá, là một trong những loài lan đẹp được trồng phổ biến ở nước ta. Hoa lan này có tên khoa học là Dendrobium lindleyi, thuộc chi Lan Hoàng Thảo, họ Thủy tiên. Lan vảy rồng xuất hiện phổ biến ở các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó tập trung nhiều nhất ở Lào, Thái Lan và Việt Nam. Tại nước ta, lan vảy rồng xuất hiện ở khắp các vùng núi ở khắp ba miền, trong đó số lượng đặc biệt lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Hoa phổ biến khắp các tỉnh thành
Hoa phổ biến khắp các tỉnh thành

Đặc điểm hình thái và phân loại các loại lan vảy rồng

Lan vảy rồng thường được chia thành 2 loại là lan vảy rồng ta và lan vảy rồng lào. Mỗi loại sẽ có những đặc điểm khác nhau, phân biệt chủ yếu qua màu sắc, kích thước hoa và giả hành. Để giúp các bạn hiểu rõ và có thể phân biệt được hai loại này, mình sẽ nêu rõ đặc điểm của từng loại lan vảy rồng dưới đây nha.

Lan vảy rồng ta

Lan vảy rồng ta phân bố rộng khắp nước ta, tập trung phần lớn ở những nơi có nhiều rừng rậm, khí hậu mát mẻ. Về đặc điểm của thân (giả hành), lan vảy rồng ta thường có kích thước nhỏ hơn so với vảy rồng lào, trung bình thân dài khoảng 3 – 6cm, đường kính 1 – 3 cm. Thân lan vảy rồng ta cứng cáp, có màu xanh lục, trên thân có 4 khía nổi dài chạy dọc thân, 4 cạnh hơi lõm vào đẩy các đường khía dọc lên cao nên trông thân có hình dạng gần như trụ chữ nhật. Các giả hành mọc đơn lẻ với nhau, tuy nhiên chúng thường xếp sát nhau nên trông cây cứng cáp và chắc chắn hơn. Trên mỗi thân chỉ có một lá rất dày, cứng cáp, mặt lá màu xanh bóng, hơi tròn ở phần đầu lá. Chúng thường mọc ở đỉnh giả hành với kích thước trung bình của chiều dài khoảng 2 – 5 cm, bề rộng 1,5 – 3cm.

Lan vảy rồng ta
Lan vảy rồng ta

Lan vảy rồng lào

Ngoài nước ta, lan vảy rồng lào phân bố rộng khắp ở các nước Lào, Ấn Độ, Thái Lan,… Về đặc điểm thực vật, thân của lan vảy rồng lào dài hơn vảy rồng ta một ít, dao động trong khoảng 4 – 8cm, đường kính thân 2 – 4 cm. Thân chúng thường thóp nhỏ dần ở phần gần gốc và ngọn, phình to ở giữa thân. Trung bình trên một thân cây lan vảy rồng lào có đến 3 – 5 đốt, các đốt này rất cứng và có màu xám trắng. Trên thân có nhiều cạnh chạy dọc dài, thường có 7 – 8 cạnh nên nhìn thân trông có vẻ tròn hơn, gần giống hình trụ tròn. 

Lan vảy rồng lào
Lan vảy rồng lào

Về hoa thì hoa của hai loại lan này khá giống nhau. Khi cây đã trưởng thành, các cành hoa mọc ra từ thân cây, trên mỗi cành hoa có nhiều bông hoa đơn lẻ trải dài từ đầu ngồng đến cuối ngồng. Mỗi cành hoa dài khoảng 15 – 30cm. Mỗi bông hoa có kích thước khoảng 2 – 3cm. Bông hoa lan vảy rồng có màu vàng tươi tắn (màu đậm hay nhạt còn tùy thuộc vào đặc điểm khí hậu ở nơi trồng, điều kiện chăm sóc cây), bên trong họng hoa mang màu vàng nghệ, đậm hơn cánh hoa, môi hoa tròn, mép có phần hơi nhăn nheo. Trên mỗi cây thường có 7 – 10 cành hoa, mỗi cành có từ 10 – 20 bông tùy độ ngắn dài của cành. Hoa lan vảy rồng có mùi hương vô cùng nhẹ nhàng, thoảng nhẹ trong gió. Cây thường ra hoa mùa xuân và mùa hè, nở rộ vào cuối xuân đầu hè. Hoa lan vảy rồng không bền lắm, chúng nở rộ và tàn sau khoảng 1 – 2 tuần.

Mình thấy rằng có rất nhiều bạn nhầm lẫn lan vảy rồng và vảy rắn là một loại. Tuy nhiên cần lưu ý hai loại này khác nhau bạn nhé, mặc dù không thể phủ nhận chúng giống nhau đến 90% luôn ấy.

Để phân biệt hai loại này, chúng ta chủ yếu dựa vào thân và lá cây. Thân cây lan vảy rồng thường lớn hơn lan vảy rắn. Do đó, cành hoa và lá của vảy rồng cũng lớn và dài hơn. Lá cây hoa lan vảy rắn rất nhỏ, có hình dạng giống như hình elip. Hoa cũng mọc thành cuống nhưng cuống hoa ngắn, số lượng hoa trên mỗi cành hoa vảy rắn cũng chỉ từ 1 – 2 hoa.

Hình ảnh lan vảy rắn
Hình ảnh lan vảy rắn

Ý nghĩa của loài hoa lan vảy rồng

Với tên gọi lan vảy rồng, loài lan này đại diện cho sự vương giả, sang trọng và quý phái. Khi trồng cây sẽ giúp tăng thêm tính thẩm mỹ cho gia đình. Màu vàng của lan đại diện cho những điều tích cực và yên vui. Khi nhìn vào sắc hoa, tâm trạng của con người sẽ trở nên bình thản hơn, suy nghĩ lạc quan hơn rất nhiều.

Hoa lan vảy rồng có ý nghĩa tích cực
Hoa lan vảy rồng có ý nghĩa tích cực

Phương pháp trồng lan vảy rồng

Nếu ai là tín đồ của hoa lan thì chắc hẳn cũng sẽ say mê vẻ đẹp rực rỡ của loài lan này. Lan vảy rồng thường được nhân giống bằng phương pháp tách cây. Thời điểm thích hợp để trồng lan vảy rồng là vào độ cuối xuân – đầu hè, đây là giai đoạn khi cây đã kết thúc mùa hoa và bắt đầu mùa sinh trưởng mới.

Đối với cây giống, bạn có thể mua sẵn các cây giống được bán tại các vườn ươm, trại giống hoặc tự tách từ các cây mẹ. Khi tách cây nên chọn những cây mẹ khỏe mạnh, giả hành chắc khỏe, lá xanh tốt, không có dấu hiệu sâu bệnh hại. Trước tiên thì bạn cần lấy cây mẹ ra khỏi giá thể để việc tách cây được thuận lợi hơn, dùng dao sắc nhọn nhẹ nhàng tách thành các cây hoặc các cụm cây nhỏ, lưu ý khi tách tránh làm đứt rễ cây. Khi thao tác bạn nên tách một cách dứt khoát và tránh tách quá nhỏ khiến cây mất nhiều thời gian để sinh trưởng. Khi đã có cây con giống, cần loại bỏ các rễ hư và làm sạch rễ. Sau đó ngâm cây trong các chất kích rễ hoặc dung dịch pha B1 trong khoảng thời gian 2 – 3 tiếng. Sau bước này là có thể ghép những cây con này vào giá thể trồng được rồi.

Video tham khảo cách xử lý rễ lan vảy rồng trước khi ghép

Đối với việc chọn giá thể, bạn nên chọn các khúc gỗ tròn, còn vỏ, gỗ mới cắt thì càng tốt nhé. Ưu tiên lấy gỗ từ cây nhãn, vú sữa, xoan,… hoặc gỗ lũa bởi các cây này có lớp vỏ dày xốp rất thuận lợi cho sự sinh trưởng của lan. Với lan vảy rồng thì chúng ta hạn chế trồng trong chậu đất nung với than bởi lan vảy rồng có giả hành dạng mảng rất khó cố định với loại giá thể này. Khi trồng bạn nên lưu ý ghép sao cho phần rễ lan cách phần gỗ giá thể khoảng 0,3 – 0,5cm, tạo điều kiện để rễ có không gian phát triển và sau này sẽ bám vào giá thể.

Video tham khảo cách ghép lan vảy rồng vào giá thể

Khi ghép cây xong thì bạn đặt lan vào nơi râm mát, thường xuyên tưới nước phun sương nhẹ nhàng cho cây 1 – 3 lần/ngày. Cứ khoảng 1 tuần lại phun dung dịch kích rễ một lần để kích thích sự phát triển của cây, có thể chọn dung dịch Atonik hoặc B1 đều được nhé. Khi quan sát thấy lan đã bắt đầu cho rễ mới và sinh trưởng ổn định thì có thể bón dặm NPK để kích thích sự phát triển của cây.

Một số lưu ý khi chăm sóc lan vảy rồng

Về nước tưới

Khi nhắc đến loài lan thì chúng ta đều biết nhu cầu nước tưới của chúng rất cao. Lan vảy rồng cũng vậy, đây là loài lan ưa sống ở môi trường ẩm ướt do đó bạn nên tưới cho lan khoảng 2 – 3 lần trên này, đối với kinh nghiệm trồng loài lan này ở nhà mình, thì sẽ tưới 3 lần vào buổi sáng, trưa và chiều vào mùa nắng khô hạn và giảm tần suất vào mùa mưa. Khi trồng lan trên giá thể gỗ bạn cũng dễ dàng quan sát hơn, khi thấy giá thể khô thì tưới nước cho cây ngay.

Về ánh sáng 

Hoa lan vảy rồng ưa sáng, cũng có thể sống ở bóng râm. Tuy nhiên để cây phát triển tốt nhất thì vị trí bạn nên trồng là nơi có ánh sáng bán phần hoặc dưới trời nắng nhưng có lưới che lan.

Về phân bón

Loại phân bón thường dùng cho lan vảy rồng là NPK. Ở giai đoạn cây ra hoa, để kích thích hoa nhanh ra và sai hoa thì có thể bón NPK 10-30-10 với tần suất 1 tuần 1 lần trong suốt mùa hoa. Sau khi hoa tàn thì tiếp tục dùng NPK 30-10-10 hoặc 20-20-20 để giúp cây phục hồi lại và nhanh phát triển cho mùa hoa mới.

Về sâu bệnh hại

Lan vảy rồng thường gặp rệp và côn trùng ẩn nấp trong các thân giả hành. Chúng làm vàng thân cây và tệ hơn là chết cây. Do đó bạn nên thường xuyên quan sát cây, khi thấy cây có dấu hiệu sâu bệnh thì tiến hành phun thuốc để phòng trừ sớm. Bên cạnh đó, lan vảy rồng có thể bị thối cây, thối rễ do giá thể mục nát không thoát nước hoặc cây bị úng nước. Khi cây gặp tình trạng này thì dễ bị nấm, lúc này bạn cần loại bỏ những cây bị thối, và thay giá thể để đảm bảo sự sinh trưởng của cây.

Video tham khảo cách chăm sóc lan vảy rồng

Lan vảy rồng là loài lan đẹp, có hương thơm, nói chung là hương sắc vẹn toàn. Tuy nhiên để trồng thành công loài lan này cũng không phải đơn giản. Khi trồng và chăm sóc bạn nên lưu ý một số thông tin trên để cây phát triển được tốt nhất nhé ^^.

Một số hình ảnh chọn lọc của lan vảy rồng

Hoa lan vảy rồng Hoa lan vảy rồng Hoa lan vảy rồng Hoa lan vảy rồng

Nguồn tham khảo thông tin:

  1. http://vuonhoalan.net/?tab=detailnews&tin=153&title=lan-hoang-thao-vay-rong-dendrobium-lindleyi
  2. http://vuonhoalan.net/default.asp?tab=detailnews&tin=889&title=cach-trong–cham-soc-vay-rong-lao
  3. https://nuoitrong.vn/lan-vay-rong.html

1 COMMENT

  1. Nhà vườn bán lan vảy rồng giá sỉ và lẻ như thế nào , kết bạn zalo với mình để nc cho chủ động

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here