Cái tên mãn đình hồng nghe có vẻ xa lạ với nhiều người, nhưng nếu ai biết đến loài hoa này rồi thì chắc chắn không thể không yêu thích chúng. Có lần mình đi Tiền Giang, ghé vào vườn hoa mãn đình hồng mà mê đắm không dứt được vẻ đẹp của loài hoa này. Mãn đình hồng sai hoa, hoa mang màu sắc rực rỡ bừng sáng cả khu vườn. Mình mong bài viết này sẽ giúp nhiều người biết thêm về loài hoa đặc sắc này nhé ^^.

Tên gọi và phân bố của hoa mãn đình hồng
Mãn đình hồng còn có tên gọi khác là Thục quỳ. Cây có tên quốc tế là Hollyhock Mallow, được gọi ngắn gọn là Hollyhock, tên khoa học là Althaea rosea (bên cạnh đó còn được biết đến với danh pháp Alcea rosea), thuộc họ Malvaceae. Hoa mãn đình hồng trước kia phân bố chủ yếu ở các khu vực có thời tiết se lạnh, được biết đến đầu tiên ở vùng Trung Âu và Trung Quốc. Hiện nay, cây đã được lai tạo cho phù hợp với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau và được nhân giống ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, cây phân bố khá rộng ở nước ta, đặc biệt là khu vực miền Tây Nam, khu vực Tây Bắc và các tỉnh Tây Nguyên, nơi có khí hậu mát mẻ và độ ẩm không khí cao.

Đặc điểm của hoa mãn đình hồng
Mãn đình hồng là loài cây thân thảo kích thước nhỏ, đời sống của cây kéo dài khoảng vài năm. Thân cây mọc thẳng, ít phân cành nhánh mà chỉ có lá trên thân, chiều cao trung bình của cây mãn đình hồng khoảng 0,4 – 0,8m, nếu được trồng trong điều kiện phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cây, đất đai màu mỡ, cây có thể phát triển cao đến 2m. Khi hoa nở, thường tập trung ở đầu ngọn cây nên làm kích thước của cây cao lên đáng kể.
Lá mãn đình hồng có phiến lá khá lớn, trung bình dài khoảng 10 – 15cm và được chia làm 5-7 thùy hình chân vịt không được đều nhau, lá của cây thoạt nhìn khá giống lá cây đậu bắp, lá mướp. Mặt lá cây mãn đình hồng thô ráp, trên mặt có lớp lông màu trắng mềm mại, cuống lá khá dài. Lá cây phân bố đều đặn khắp từ gốc cây đến ngọn cây làm cây trở nên dày dặn hơn.
Hoa mãn đình hồng là phần rực rỡ nhất của cây, hoa thường nở xếp thành từng cặp, mọc tập trung ở phần ngọn cây. Kích thước hoa lớn, đường kính hoa khoảng 10 – 15 cm. Mãn đình hồng có nhiều màu sắc khác nhau, các màu tiêu biểu thường thấy gồm hồng, đỏ, vàng hoặc trắng, đôi khi pha trộn giữa hai trong các màu này với nhau. Phần đài của hoa thường có 5 – 7 cánh ghép vào nhau ôm ấp lấy hoa. Cánh hoa lớn, xếp sát nhau ở gần gốc hoa và xòe tròn, to dần ở phần cánh hoa, hoa mang một vẻ đẹp đặc sắc và rất thu hút. Mãn đình hồng có hai loại là hoa đơn và hoa kép. Hoa thường nở thành cụm ở nách lá, mỗi cụm 2 – 3 hoa, hoa nở khắp cây, trải dài từ cuối thân đến đầu ngọn cây, làm cây trở nên rực rỡ và tràn đầy màu sắc. Đặc biệt là mãn đình hồng kép, hoa nở dày đặc khắp cả cây, mỗi hoa lại là nhiều tầng cánh xếp chồng lên nhau, trông hoa như như cục bông tròn rực rỡ, có thể thu hút bất kỳ ai ngắm nhìn. Hoa mãn đình hồng có thể nói là loài hoa nở quanh năm. Trừ mùa đông giá lạnh cây nghỉ dưỡng sức nuôi cây. Từ đầu mùa xuân cây bắt đầu cho hoa nở rộ, có thể kéo dài đến tận hết mùa thu.


Cây mãn đình hồng cũng có quả, quả nằm trong các đài. Đây cũng là nơi chứa nguồn hạt giống để nhân giống cây.

Ý nghĩa của hoa mãn đình hồng
Hoa mãn đình hồng mang vẻ đẹp trong trẻo, ngọt ngào, hoa là biểu tượng của một tấm lòng cao cả, tràn ngập yêu thương. Bên cạnh đó, hoa còn tượng trưng cho sự thành công, thịnh vượng, sung túc trong cuộc sống. Đặc biệt, ở những nước phương Đông, loài hoa này được xem như là người bạn cho những con người hướng nội. Hoa mang lại cảm giác ấm áp, che chở cho con người khi ngắm nhìn, giúp con người trở nên thoải mái và dễ chịu hơn, yêu thương bản thân nhiều hơn.

Lợi ích khi trồng hoa mãn đình hồng
Công dụng đầu tiên phải nhắc đến chắc chắn là về trang trí khuôn viên rồi. Hoa có kích thước nhỏ, ít rụng lá, hoa lại đẹp rực rỡ nên rất được ưa chuộng trồng để gia tăng tính thẩm mỹ, thường được trồng ở sân vườn, các công viên, khu đô thị hoặc ở sảnh nhà hàng, khách sạn,… Phải nói chọn hoa này trồng làm hoa trang trí là một quyết định vô cùng đúng đắn, bởi hoa nở bền mà màu sắc tươi tắn quanh năm, giúp khí vận nơi trồng thêm tích cực.
Bên cạnh đó, cây còn có rất nhiều công dụng trong đông y. Cây được điều chế thành các sản phẩm chữa các bệnh như đau bao tử, ho hoặc khó chịu đường tiểu. Ở nhiều nơi, hoa của cây còn được dùng để nấu nước uống, rất mát cho cơ thể, có thể làm thuốc súc miệng để trị chứng đau viêm họng rất hiệu quả. Lá tươi của cây dùng để đắp vết thương hở hoặc giảm đau khi bị côn trùng cắn. Ở một số quốc gia, nụ hoa của cây còn được dùng để chế biến thức ăn.

Phương pháp nhân giống hoa mãn đình hồng
Hoa mãn đình hồng thường được nhân giống bằng cách gieo hạt. Để cây kịp trưởng thành và nở hoa đón tết thì nên gieo trồng cây trước tết khoảng 5 – 7 tháng.
Đối với hạt giống, bạn có thể thu hoạch hạt giống từ các quả đã già hoặc mua gói hạt giống từ các vườn ươm. Lưu ý phải chọn các cơ sở uy tín để mua hạt đảm bảo chất lượng nhé, như vậy thì tỉ lệ hoa nảy mầm sẽ cao hơn, trong quá trình sinh trưởng ít sâu bệnh hại.
Hoa mãn đình hồng thích hợp phát triển ở môi trường đất trung tính, có ít vôi. Dù cây có kích thước khá nhỏ nhưng bộ rễ lớn, phát triển khá mạnh nên nên chọn loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, không có nấm bệnh, có độ ẩm tuy nhiên phải thoát nước tốt. Vì cần đất tơi xốp nên môi trường đất dẻo như đất sét là không phù hợp.
Để hạt giống dễ nảy mầm và thời gian nảy mầm nhanh hơn, nên ngâm hạt vào nước (nên chọn nước ấm khoảng 30 – 35 độ C) trong thời gian khoảng nửa ngày. Sau đó vớt hạt ra đặt vào một khăn giấy mỏng để hạt ráo bớt rồi gieo vào môi trường đất đã chuẩn bị, rải một lớp đất mỏng hoặc phủ một lớp mỏng rơm rạ hoai mục lên trên, sau đó tưới phun sương nước một lượng nhỏ lên bề mặt đất. Gieo xong thì bạn đặt chậu cây ở nơi thoáng mát, không bị ánh nắng chiếu trực tiếp vào. Khoảng 1 – 2 tuần sau thì hạt giống sẽ nảy mầm. Lưu ý sau khi ươm nhớ mỗi ngày tưới nước một lần cho hạt bạn nhé.
Video tham khảo cách nhân giống hoa mãn đình hồng bằng hạt
Cách chăm sóc hoa mãn đình hồng
Về ánh sáng
Hoa mãn đình hồng ưa sáng, trồng ở nơi đủ ánh nắng sẽ giúp cây thu đủ chất cho quang hợp, cây khỏe mạnh, xanh tốt, cho sai hoa và đậm màu hơn. Tuy nhiên, vào những mùa nắng gay gắt, nên làm thêm lưới che hoặc đưa cây vào mát để tránh cây bị còi cọc, khô héo. Thân cây khá yếu nên không trồng ở những vị trí có gió mạnh dễ quật ngã cây.
Về nước tưới
Cần phải tưới nước thường xuyên cho hoa mãn đình hồng, tần suất hợp lý mỗi ngày 1 lần vào buổi chiều mát. Lưu ý không được để đất quá khô nhưng cũng không được để cây bị ngập úng.
Về phân bón
Vì đây là loài cây cho hoa nên định kỳ cần bón phân cho cây để cây tươi tốt và cho hoa đúng vụ. Bạn nên hòa loãng NPK với nước và tưới cho cây với tần suất 2 lần/ tháng. Lưu ý sau khi tưới phân xong phải tưới lại bằng nước bạn nhé. Bên cạnh NPK, nên kết hợp tưới dynamic, phân hữu cơ để bổ sung dưỡng chất, giúp cây nhanh nở hoa.
Về sâu bệnh hại
Hoa mãn đình hồng dễ mắc bệnh rỉ sét (bệnh rust), do đó vị trí trồng cần được quan tâm lưu ý. Bên cạnh đó, lúc cây còn nhỏ, nên cắt bỏ 2 lá đầu tiên của cây để giảm thiểu mầm bệnh. Khi thấy cây có nấm thì dùng thuốc có các thành phần Chlorothalonil, Mancozeb và Sulfur để điều trị. Bên cạnh đó bạn cần thường xuyên quan sát mặt dưới của lá, nếu thấy lá xuất hiện các đốm màu vàng ở mặt dưới thì phải cắt bỏ ngay để hạn chế mầm bệnh lây lan.
Về cắt tỉa cành
Đối với mãn đình hồng, bạn nên thường xuyên cắt bỏ những lá khô, lá bệnh hay bị mốc để không gây nấm bệnh cho cây. Muốn kéo dài thời gian nở hoa của cây thì bạn cần cắt bỏ đi những bông hoa nhạt màu dần để nhường chất dinh dưỡng và khoảng trống cho những hoa mới phát triển.
Một số hình ảnh chọn lọc của hoa mãn đình hồng
Nguồn tham khảo thông tin:
Nhờ bài này mà mình biết đến page, thông tin cách trồng giúp mình rất nhiều
cảm ơn bạn ^^