Mình từng nghe nhiều người bảo rằng: Cây tùng la hán thì chỉ những người vương giả, giàu sang mới trồng được thôi, chứ dễ gì! Hmm, câu này đúng, nhưng là đúng với trước kia thôi. Người ta nói vậy cũng có lý do của nó, bởi thời gian trước đây, loài cây này khá quý hiếm, nên được săn đón, giá thành cao lắm. Nhưng nhờ vào công nghệ sinh học phát triển, cây được lai tạo và nhân giống nhiều nên giá thành ngày nay trở nên “mềm” hơn. Cây xanh tươi quanh năm, lại tượng trưng cho vinh hoa phú quý nên được yêu thương chiều chuộng vô cùng ^^.

Cây tùng la hán
Cây tùng la hán

Tên gọi, xuất xứ của loài cây này như thế nào?

Khi tìm hiểu về một giống cây, đây ắt hẳn là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Vậy nên mình sẽ giới thiệu thật rõ về thông tin cây ở bài viết này nhé!

Về tên gọi, ngoài cái tên tùng la hán, cây cũng có một tên gọi rất phổ biến khác là vạn niên tùng, với một chiếc tên khoa học mỹ miều là Podocarpus macrophyllus.

Đây là loài thực vật thuộc họ thông tre, được biết đến đầu tiên ở Trung Quốc và Nhật Bản. Trước kia cây chỉ xuất hiện nhiều ở các nước vùng phía Nam châu Á thôi, ở Việt Nam thì chỉ những gia đình khá giả mới đặt nhập cây về để chơi cảnh. Tuy nhiên, nhờ các phương pháp nhân giống, tùng la hán ngày càng xuất hiện rộng rãi ở nước ta và trở thành một loại cây cảnh quen thuộc ngày nay.

Cây tùng la hán được trồng làm cảnh phổ biến
Cây tùng la hán được trồng làm cảnh phổ biến

Cùng tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm thực vật của cây

Tùng la hán là một loài cây thân gỗ có kích thước trung bình. Khi trồng trong chậu để làm cảnh thì cây có chiều cao rơi vào khoảng 1,5 – 4m. Ở ngoài tự nhiên thì cây phát triển cao lớn hơn, có thể cao đến 15m với nhiều cành lá xum xuê.

Cây tùng la hán ngoài tự nhiên có thể phát triển rất cao
Cây tùng la hán ngoài tự nhiên có thể phát triển rất cao

Thân cây tùng la hán có đường kính khoảng 30 – 100cm, mang màu nâu với lớp vỏ xù xì, thô ráp, trên các mảnh vỏ đôi khi xuất hiện màu xám trắng, đây là đặc điểm hết sức bình thường của cây bạn nhé. Cây bắt đầu chia cành nhánh từ gần gốc, có nhiều cành nhánh không đều nhau, có thể mọc ngang hoặc hơi rủ xuống tạo vẻ đẹp vô cùng sang trọng. 

Các tán lá của cây mọc dày dặn, xếp thành nhiều tầng nhìn rất thu hút. Nhìn kỹ hơn bạn sẽ thấy lá tùng la hán là dạng lá kim với phiến lá hẹp, dài, cứng cáp với màu xanh lá khỏe khoắn. Lá tùng la hán thường mọc chụm lại thành chùm nên dù ít lá cũng thấy rất dày dặn. Có một điều đặc biệt là chu kỳ thay lá của loài cây này lên tới 5 năm một lần, nên lúc nào cũng thấy cây xanh tốt mà ít khi thấy lá úa tàn.

Có thể chúng ta ít thấy nhưng tùng la hán cũng có hoa đó nhé, hoa có dạng hình trụ thuôn dài, mọc tập trung thành cụm ở phần ngọn cành nhánh. Hoa có màu trắng sữa nghiêng vàng, bề rộng thì chỉ tầm 0,5cm thôi, mà chiều dài thì tới 5 – 8cm.

Hoa cây tùng la hán
Hoa cây tùng la hán

Khi hoa tàn thì cũng là lúc quả xuất hiện, đối với mình thì hình thái quả tùng la hán rất đặc biệt, mới nhìn lần đầu thì nhiều bạn còn nhầm lẫn với quả điều non nữa. Dễ nhầm lẫn bởi quả của chúng cũng có hai phần, phần dưới có hình trụ tròn mang màu đỏ tươi, gắn trên đó là phần màu xanh với hình tròn trông rất bắt mắt. Mình nghe nói quả tùng la hán ăn được, vị thanh ngọt lại nhiều chất dinh dưỡng. (Tiếc là mình chưa được thử bao giờ :<< ).

Quả cây tùng la hán với hình dạng đặc biệt
Quả cây tùng la hán với hình dạng đặc biệt

Cây tùng la hán đặc biệt rất dễ tạo dáng khi còn nhỏ, sau khi uốn giữ thế thì cây sẽ phát triển như ý muốn và sống lâu năm nên rất được ưa chuộng trồng làm cảnh, đặc biệt chọn làm cây bonsai tạo dáng.

Video tham khảo cách tạo dáng cho cây tùng la hán

Cây tùng la hán mang ý nghĩa tích cực trong phong thủy

Xuất hiện đầu tiên trong bộ tứ Tùng – Cúc – Trúc – Mai thì chắc hẳn loài cây này phải mang những ý nghĩa tươi đẹp và vô cùng tuyệt vời rồi ^^.

Cây có thế đẹp, phát triển hiên ngang, cứng cỏi với màu xanh tươi quanh năm, dù mưa giông hay nắng gắt thì cây vẫn luôn sinh trưởng tốt, không hề khuất phục trước tự nhiên. Bởi vậy nên cây đại diện cho một nhân cách sống ngay thẳng, chính trực, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, gian truân của cuộc sống để trưởng thành như một người quân tử thực thụ.

Với màu xanh mơn mởn, thế đẹp – độc – lạ, cùng vẻ thu hút đặc biệt của hoa quả nên cây tùng tài lộc là một trong những loài cây được ưa chuộng nhất khi chọn làm cây cảnh trồng trong nhà. Hơn thế nữa, tùng la hán còn được tin rằng sẽ mang đến tài lộc, may mắn cho gia chủ, giúp xua đuổi vận khí tiêu cực trong khuôn viên gia đình.

Nếu bạn để ý kĩ, quả tùng la hán kỳ thực rất giống những bức tượng la hán mà chúng ta hay thấy ở các ngôi chùa, nên chúng cũng mang ý nghĩa tâm linh rất lớn. Nhiều người tin rằng trồng cây sẽ giúp những thành viên trong gia đình trở nên thanh tịnh và sống an yên hơn.

Cây tùng la hán mang nhiều ý nghĩa tích cực
Cây tùng la hán mang nhiều ý nghĩa tích cực

Phương pháp trồng cây tùng la hán

Chắc hẳn có rất nhiều bạn muốn biết liệu cây tùng la hán có thể được nhân giống bằng cách nào khác ngoài việc mua cây giống không? Mình xin trả lời là có nhé. Tùng la hán có thể được nhân giống bằng cách gieo hạt, chiết cành, hoặc đôi lúc người ta còn tách bụi để trồng nữa. 

Trồng bằng cách gieo hạt

Thời gian thích hợp để gieo hạt tùng la hán là vào mùa xuân khi tiết trời đang mát mẻ, độ ẩm cao.

Để trồng cây tùng la hán bằng cách này thì đầu tiên bạn cần chọn quả chín đỏ, lưu ý khi quả thật già thì mới hái mang trồng nhé. Sau khi thu hoạch quả, tiếp theo bạn phải tách lấy hạt để mang đi gieo. Khi gieo chỉ cần gieo toàn bộ hạt trên khay đất ẩm rồi để ở vị trí râm mát. Chú ý tưới nước để giữ ẩm thường xuyên cho khay đất ươm hạt. 

Sau khoảng thời gian tầm 1 tháng, hạt sẽ nảy mầm và phát triển thành cây con. Khi cây đã phát triển được khoảng vài cm thì bạn đã có thể mang cây trồng vào bầu và chăm sóc như cây con bình thường rồi. 

Tuy nhiên, phương pháp gieo hạt cho tỷ lệ sống không cao, thời gian sinh trưởng từ lúc nảy mầm đến khi cây trưởng thành rất lâu, nên phương pháp này không được ưa chuộng. Và phương pháp phổ biến nhất đó chính là chiết cành, vậy nên ở bài viết này mình sẽ hướng dẫn chi tiết về cách này nhé. 

Phương pháp chiết cành

Đầu tiên bạn cần chuẩn bị một hỗn hợp đất bùn hoặc đất thịt, trộn với xơ dừa, tro trấu, tưới thêm ít nước và trộn đều để tạo thành hỗn hợp đất ẩm. 

Để nhân giống được một cây tùng la hán khỏe mạnh thì quan trọng nhất bạn phải chọn được cành tốt nhé. Nên chọn những cành bánh tẻ khỏe mạnh, tươi tốt, không bị sâu bệnh hại. Bên cạnh đó, cành được chọn cần có chồi và lá phát triển tốt, như vậy sẽ tăng khả năng sinh trưởng cho cây. Sau khi đã chọn được cành, cần xác định vị trí cần chiết, theo kinh nghiệm của mình thì nên chọn vị trí gần nách cành nhé.

Tiếp theo, khoanh lớp vỏ tùng la hán tại vị trí đã xác định trước đó, lưu ý thực hiện nhẹ nhàng bằng những dụng cụ chuyên dụng để tránh làm trầy xước, tổn thương cây.

Sau khi đã khoanh bỏ lớp vỏ thì bạn sẽ dùng hỗn hợp đất đã chuẩn bị ở trên đắp tròn đều vùng thân đã khoanh vỏ, sau đó dùng bọc nilon quấn quanh và cố định hai đầu bầu chiết. Khi quấn xong bạn nên dùng que nhọn chọc xung quanh lớp nilon để cây có thể thoát nước, tránh bị thối cành.

Khi hoàn thành xong thì chỉ cần chăm sóc cây giống như bình thường, sau một thời gian là cành chiết sẽ cho rễ con. Lúc này bạn chỉ cần cắt cành chiết đem trồng vào đất và chăm sóc như cây con là được nhé (Lưu ý chỉ bỏ lớp nilon và giữ lại bầu đất quanh phần chiết để cây quen với môi trường đất cũ khi trồng vào chậu). 

Video tham khảo cách chiết cành cây tùng la hán

Khi chăm sóc tùng la hán cần lưu ý một số điểm sau

Tuy tùng la hán dễ trồng, có thể phát triển tốt dù mưa gió hay nắng gắt, nhưng để cây xanh tốt quanh năm, cho nhiều hoa quả thì bạn cũng nên lưu ý một số điều kiện chăm sóc như sau

Về ánh sáng

Cây tùng la hán ưa sáng, nên sẽ phát triển rất tốt khi ở môi trường nắng toàn phần. Khi có đủ nắng lá cây cứng cáp, chắc khỏe, xanh rì, thân to cao vạm vỡ. Dù vậy cây vẫn sống được ở điều kiện nắng toàn phần hay bóng râm, nhưng cây sẽ phát triển yếu hơn, tán thưa và lá cũng không được xanh tốt bằng.

Về nước tưới

Cây tùng la hán có thể chịu hạn tốt nhưng bạn cũng đừng để cây quá khô nhé, như vậy có thể dẫn đến cây cằn cỗi, phát triển kém. Đối với loài cây này thì tưới nước 2 – 3 lần/ tuần là được, mùa hạn thì tăng tần suất tưới lên để cây đủ ẩm. Nên tưới nước cho cây vào buổi sáng và buổi chiều như các loài cây khác bạn nhé.

Về phân bón

Để cây có đủ chất dinh dưỡng giữ dáng đẹp, lá xanh tốt thì bạn nên thường xuyên cung cấp phân đạm cho cây, bón mỗi tháng một lần, mỗi lần bón nên dùng lượng vừa phải, tránh bón quá nhiều phân một lần.

Ngoài ra, chủ vườn có thể dùng phân chuồng hoai mục, các loại phân hữu cơ, xơ dừa, tro trấu, phân vi sinh,… nhà có sẵn để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây.

Về sâu bệnh hại

Dù cao lớn khỏe mạnh nhưng cây tùng la hán thỉnh thoảng vẫn gặp một số loại sâu bệnh hại như: rầy mềm, sâu vẽ bùa, trùng vỏ cứng, đốm lá, rệp sáp đỏ, bệnh nhện đỏ. Khi phát hiện cây có dấu hiệu bị bệnh cần tiến hành phun bằng thuốc đặc trị. Đồng thời nên ngắt hết lá đã có hiện tượng úa, có hiện tượng bị sâu phá hoại để tránh lây lan bệnh rộng hơn.

Trên đây là những thông tin cơ bản cũng như hướng dẫn trồng, chăm sóc cây tùng la hán. Chúc bạn sớm trồng được những cây tùng la hán phong trần như ý nhé ^^.

Một số hình ảnh đẹp khác của cây tùng la hán

Hình ảnh cây tùng la hán Cây tùng la hán Cây tùng la hán Cây tùng la hán

Cận cảnh lá cây tùng la hán

Nguồn tham khảo thông tin:

(1) https://vuonnhat.net.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-cay-tung-la-han/

(2) https://khbvptr.vn/cay-tung-la-han/

(3) https://blog.muaban.net/cay-tung-la-han/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here