Nhà chú hàng xóm của mình có trồng một loài cây cho quả, lúc đầu thấy mình còn tự hỏi: “Cây mít gì mà có lá lạ thế nhỉ?” :>>. Sau này tìm hiểu mới biết cây này không phải mít mà là cây sa kê, nhầm cũng đúng bởi quả của chúng giống hệt quả mít non vậy. Sa kê tạo bóng mát lại có nhiều công dụng nữa nên được nhiều người yêu thích trồng trong sân vườn gia đình lắm.

Quả cây sa kê
Quả cây sa kê giống hệt quả mít non

Tên gọi và nguồn gốc của cây sa kê

Cây sa kê, còn được gọi là cây xa kê, cây bánh mì. Sa kê có tên khoa học là Artocarpus altilis, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Được biết, cây có nguồn gốc từ bán đảo ở phía Tây Nam Thái Bình Dương và các khu vực khác châu Đại Dương. Dù là một loài cây làm cảnh, cây còn có rất nhiều công dụng khác trong y học cũng như trong chế biến thực phẩm, do đó cây ngày càng được ưa chuộng trồng nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Á và châu Phi. Ở châu Phi, đây là một loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của người dân nơi đây.

Sa kê được trồng rất phổ biến
Sa kê được trồng rất phổ biến

Đặc điểm thực vật của cây sa kê

Sa kê là loại cây thân gỗ lớn. Khi trưởng thành, cây đạt chiều cao trung bình khoảng đến 5 – 15m. Thân cây có màu nâu nhạt, trên thân có những đốm trắng loang lổ, trong thân có nhựa mủ màu trắng sữa. Cây sa kê có ít cành nhánh, các cành thường mọc ở gần nhọn cây, tán rộng và các tầng lớp dày. Cây sa kê có bộ rễ cọc, ăn sâu xuống đất. Cũng chính bởi đặc điểm này mà cây sinh trưởng rất tốt, luôn đứng vững mặc kệ gió bão lung lay.

Lá của sa kê có bản lá rất to, chia thành nhiều thùy xẻ sâu, giống như bản phóng to của lá phong vậy. Cuống lá ngắn mập mạp. Lá sa kê có màu xanh lục tươi, bóng mướt ở mặt trên, mặt dưới hơi nhám. Khi già, lá từ màu xanh chuyển sang màu vàng hoặc cam, khô lại, sau một thời gian sẽ rụng đi. Lá cây sa kê khô có thể bảo quản được rất lâu, hình dáng lá đẹp nên rất được ưa chuộng dùng trong trang trí.

Lá cây sa kê
Lá cây sa kê

Sa kê là một trong những loài thực vật có hoa đực và cả hoa cái trên cây. Thông thường, hoa đực sẽ nở trước, có hình dạng thuôn dài, kích thước khá nhỏ, có màu vàng nhạt. Hoa cái xuất hiện sau, mỗi hoa cái có hình bầu, nụ hoa đầy đặn, mang màu xanh, khi hoa già sẽ chuyển sang màu vàng. 

Quả sa kê là phần đặc biệt và có nhiều công dụng nhất của loài cây này. Lần đầu nhìn thấy, mình còn tưởng đây là cây mít cảnh, bởi quả sa kê giống quả mít thật sự, giống đến cả cuống quả và phần lá bẹ bao bọc quả ở cuống, tuy nhiên phần trong chỉ có các xơ thịt mà không có các múi như mít. Quả tròn vo, sần sùi với màu xanh non bắt mắt khi còn non và chuyển sang sắc xanh lục đậm khi quả già, trên mỗi đầu cành sẽ có nhiều hơn một quả. Quả sa kê thường chín và có thể thu hoạch được vào khoảng tháng 8 – 10 hằng năm. Sau khi thu hoạch xong có thể dùng để chế biến ra rất nhiều thành phẩm khác nhau. Có thể dùng làm gì thì mình tìm hiểu kỹ hơn ở phần công dụng của loài cây này nha.

Quả cây sa kê
Quả cây sa kê

Lợi ích khi trồng cây sa kê

Sa kê có nhiều tầng lá, tán lá dày và bản lá to, mọc xum xuê nên là loài cây rất phù hợp để trồng tạo bóng mát, tăng tính thẩm mỹ cho khuôn viên gia đình. Có một điểm mình siêu thích ở loài cây này là lá chúng to, nên khi rụng mình có thể nhặt lá dễ dàng chứ không gặp khó khăn khi quét lá như các loài cây lá nhỏ khác ^^.

Ngoài ra, cây có rất nhiều công dụng trong y học. Rễ cây sa kê có thể dùng phơi khô, đem sao khô và nấu nước uống, có tác dụng trị ho, làm mát cơ thể. Lá cây có tác dụng tiêu độc, tiêu viêm, lợi tiểu. Toàn bộ các thành phần của cây đều có lợi, giúp sát khuẩn, trị ghẻ, tiêu chảy, lỵ, điều trị các bệnh rối loạn dạ dày, trị mụn nhọt, chữa viêm gan vàng da, chữa phù thũng, sỏi thận và gút,… Bên cạnh đó, các thành phần của cây được điều chế ra các sản phẩm giúp kích thích tăng tế bào mới cho cơ thể, tăng cường sức khỏe tim mạnh và cung cấp năng lượng. Đặc biệt, quả sa kê rất giàu vitamin, khoáng chất, cacbohidrat và protein. Theo các nghiên cứu, hàm lượng axit amin trong quả sa kê rất cao, còn cao hơn cả hạt đậu nành. Người ta thường thu hoạch quả rồi chế biến thành các món ăn, vừa ngon lại rất bổ dưỡng cho cơ thể. Hơn nữa, còn có thể đem ngâm rượu, hương vị ngon và rất đặc biệt.

Quả cây sa kê dùng để chế biến thức ăn
Quả cây sa kê dùng để chế biến thức ăn

Cây sa kê là loại cây thân gỗ có kích thước trung bình, gỗ chắc nên được ưa chuộng để lấy gỗ chế biến thành các đồ mỹ nghệ đặc sắc. Gỗ cây có màu đẹp và vân gỗ rõ, khi mới khai thác có màu vàng, qua thời gian sử dụng chuyển thành màu đen óng ả, có giá trị rất cao.

Phương pháp nhân giống cây sa kê

Sa kê có hai loại là quả có hạt và quả không có hạt. Đối với quả có hạt, chúng ta có thể nhân giống thêm bằng cách gieo hạt. Đối với cách này chỉ cần thu hoạch hạt từ quả đã già, đem ngâm vào môi trường nước ấm để kích thích hạt nảy mầm rồi gieo vào đất là được. Tuy nhiên tỷ lệ nảy mầm của cây thấp và thời gian nảy mầm rất lâu nên phương pháp này không khả quan lắm.

Chúng ta có thể nhân giống bằng cách giâm cành để cây con nhanh sinh trưởng hơn và thừa hưởng được các đặc tính tốt từ cây mẹ. Về cành giống, nên chọn những cây sa kê sinh trưởng tốt, cành lá xum xuê. Chọn những cành gốc (gần khu vực giao với thân chính của cây. Đường kính khoảng 1 – 3cm, cắt vát chéo một đoạn 15 – 30cm. Để kích thích đoạn cành nhanh ra rễ, bạn nên ngâm cành vào dung dịch kích rễ trong khoảng 1 đêm trước khi đem trồng nhé. Giâm cành nhẹ nhàng vào đất, sau đó nén đất và tưới nhẹ nước thường xuyên để cung cấp độ ẩm cho cây ra rễ và phát triển. Sau khoảng vài tuần là sẽ bắt đầu xuất hiện những chiếc rễ con đầu tiên và từ từ phát triển. 

Hiện nay trên thị trường đã có nhiều nơi bán cây sa kê giống, giá cả rất phải chăng. Bạn có thể chọn nơi uy tín để mua về trồng, vừa rút ngắn thời gian sinh trưởng vừa đảm bảo tỷ lệ phát triển tốt rất cao.

Video tham khảo kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến sa kê

Một số lưu ý khi trồng và chăm sóc cây sa kê

Về đất trồng

Cây sa kê có thể sống được ở nhiều môi trường đất khác nhau. Môi trường đất phù hợp có thể kể đến là đất cát, đất cát pha thịt. Trước khi trồng cây, nên rắc vôi để khử chua cho đất (nên làm việc này trước nửa tháng rồi bón lót phân chuẩn bị trồng cây). Sau khi khử chua xong, cần trộn thêm tro trấu, phân chuồng hoai mục, phân vi sinh,… bón lót cho đất để có đủ chất dinh dưỡng cho cây khi trồng.

Về nước tưới

Sa kê là loại cây ưa ẩm. Để cây sinh trưởng tốt thì cần phải tưới nước đều đặn cho cây, vào mùa nắng nóng thì tưới ít nhất một lần mỗi ngày vào buổi sáng hoặc chiều. Mùa mưa thì có thể tưới ít hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý đến vấn đề thoát nước để tránh việc cây bị ngập úng.

Về phân bón

Khi mới trồng, chúng ta có thể dùng các loại thuốc kích thích rễ như super roots, N3M hoặc phân lân pha loãng với nước để tưới cho cây, giúp mau ra rễ mới. Nên tưới đều đặn khoảng 1 tháng cho cây, mỗi tuần tưới 1 lần vào buổi chiều muộn. Kết thúc giai đoạn tưới kích rễ thì để cây nghỉ ngơi 2 – 3 ngày, sau đó rải thêm phân DAP xung quanh gốc để cây hồi phục, mau ra lá mới.

Về sâu bệnh hại

Phải công nhận sa kê là loài cây sống rất khỏe, ít bị sâu bệnh hại. Nhưng lâu lâu vẫn gặp một số bệnh thực vật phổ biến như vàng lá, sâu đục thân,… Khi gặp tình trạng lá cây bị vàng, rễ bị thối hoặc thối quả, lúc này có thể dùng Timan hoặc một số loại thuốc khác có gốc đồng để phun cho cây, nên phun 2 tuần, mỗi tuần 1 lần. Nếu cây bị sâu ăn lá, ăn búp non, lúc này có thể dùng Reasgant 3.6EC hoặc Monifos phun cho cây. Trong trường hợp thân cây bị sâu đục hại, dùng Bassa hoặc Reasgant bôi vào các vết bị sâu đục để ngăn chặn sự phá hoại của côn trùng.

Sa kê là một loài cây có rất nhiều công dụng, rất thích hợp để trồng tạo bóng mát cho gia đình. Tuy nhiên để cây phát triển tốt, bạn nên lưu ý các vấn đề trên để tạo môi trường sinh trưởng tốt nhất cho cây nhé. Chúc bạn thành công ^^.

Một số hình ảnh khác của cây sa kê

Cây sa kê Cây sa kê Cây sa kê Cây sa kê

Nguồn tham khảo thông tin:

  1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Xa_kê

2. https://hatalandscape.com/cay-canh-trong-ngoai-troi/cay-sa-ke

3. https://hoadepviet.com/cay-sake-cay-an-qua-doc-dao-de-trong-cho-gia-dinh-ban/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here